Tăng gia trên vùng đất 'thép'

Vừa qua, đoàn công tác của Tổng cục Hậu cần do đồng chí Thiếu tướng Phan Bá Dân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục dẫn đầu đã có chuyến thăm, kiểm tra công tác bảo đảm hậu cần đối với một số đơn vị thuộc Quân khu 4. Đến thăm Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968), đoàn công tác thật sự ấn tượng và đánh giá cao nỗ lực của bộ đội trong công tác tăng gia sản xuất (TGSX). Có thể nói, nhờ bàn tay, khối óc của mình, những người lính Trung đoàn 19 đã làm 'xanh' vùng đất 'thép' nơi đây...!

Thời điểm tháng 4-2016, mặc dù ngoài Bắc, thời tiết vẫn còn khá dịu, song, khi đặt chân đến vùng đất Quảng Trị, nơi Trung đoàn 19 đứng chân, chúng tôi đã bắt gặp những đợt nóng khá gay gắt. Thiếu tá Hoàng Xuân Đông, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 19 chia sẻ: “ Nắng thế này đối với anh em trong đơn vị chỉ là màn...khởi động. Nếu gặp những ngày “gió Lào cát trắng”, các anh mới cảm nhận hết được nỗi vất vả, khắc nghiệt của thời tiết nơi đây!”.

Theo lời giới thiệu của anh Đông, chúng tôi được biết, năm 2016, thực hiện việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự theo Luật mới, Trung đoàn 19 được giao tiếp nhận, huấn luyện 1.000 chiến sĩ mới, gấp đôi so với năm 2015. Mặc dù quân số bảo đảm đông, tập trung vào đúng thời kỳ giáp hạt, nhưng nhờ có sự chủ động về công tác tạo nguồn, nhất là nỗ lực đẩy mạnh TGSX, nên Trung đoàn đã bảo đảm đủ thực phẩm tại chỗ cho bộ đội.

Thiếu tướng Phan Bá Dân (thứ hai từ trái), Phó chủ nhiệm TCHC tham quan mô hình trồng cà tím của Trung đoàn 19.

Đi thăm quan một lượt doanh trại, chúng tôi thật sự ấn tượng trước thành quả lao động của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Từ những thửa đất cằn cỗi, sỏi đá, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã bỏ công sức đào ao, lấy đất thịt cải tạo lại các khu vườn, quy hoạch thành những khu trồng rau vuông vắn, khoa học, với đầy đủ các loại rau. Khu vườn tăng gia tập trung của Trung đoàn thường xuyên duy trì 8-10 loại rau ăn lá các loại; 3-4 loại củ, quả. Thiếu tá Phạm Ngọc Hầu, Chủ nhiệm Hậu cần vừa chỉ vào những luống cà tím đang ra quả sai trĩu, vừa kể lại chuyện vui: “Mấy năm trước, một vị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình khi vào thăm đơn vị, nghe anh em ấp ủ dự án trồng cây cà tím đã không tin, nghĩ anh em tán gẫu!?! Vừa rồi, khi quay lại thăm, thấy đơn vị chẳng những trồng thành công giống cà tím, mà còn là mô hình điểm để bà con nông dân đến tham quan, học tập, vị lãnh đạo đã không giấu vẻ thán phục. Ngay sau đó, ông đã tổ chức cho nhiều đoàn đến đơn vị tham quan, học tập kinh nghiệm”. Nghe lời kể, có vẻ đơn giản, nhưng tôi biết, để có được kết quả đó, là công sức, quyết tâm rất lớn của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Bởi nhiều hộ dân bên ngoài đã trồng thử giống cà này nhưng đều thất bại. Từ khâu cải tạo đất, chọn cây giống, kỹ thuật gieo trồng, tính toán thời vụ, rồi đến khâu chăm sóc, tất cả phải kỹ lưỡng, tỉ mỉ, khoa học. Chỉ cần sai sót một khâu, chắc chắn cây cà sẽ không phát triển được.

Không chỉ trồng cà tím, ngay ở khu vườn bên cạnh, những giàn bầu lấp ló khoe quả trong ánh nắng sớm. Bất kể cái nắng, nóng, khắc nghiệt của thời tiết, dưới bàn tay chăm sóc, vun trồng của bộ đội, những cây bầu vẫn vươn lên, bám giàn, cho ra những quả to, tròn, dài, xanh mướt mát. Tại khu tăng gia K600, vừa qua, Trung đoàn còn thử nghiệm trồng giống dưa chuột leo giàn để phục vụ bữa ăn bộ đội và bán ra ngoài thị trường. Do hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, được bàn tay chiến sĩ chăm sóc, gieo trồng chu đáo, đúng kỹ thuật, nên vườn dưa chuột cho năng suất, chất lượng rất cao. Hiện nay, Trung đoàn đang tiếp tục cải tạo đất để tiếp tục nhân rộng, trồng đại trà giống dưa này. Cùng với dưa leo, Trung đoàn còn tổ chức trồng thêm gần 19ha sắn, 2ha đậu lạc và trên 3ha bí cao sản, bí đỏ. Tận dụng diện tích khu chăn nuôi, đơn vị đã cử cán bộ đi học kỹ thuật trồng nấm sò. Mô hình này bước đầu cho kết quả khả quan.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, hiện nay, các đại đội trực thuộc, tiểu đoàn đều có mô hình tăng gia, chăn nuôi riêng, đáp ứng một phần bữa ăn của bộ đội. Trong đó, cấp tiểu đoàn và đại đội trực thuộc chăn nuôi lợn theo hình thức tận dụng phụ phẩm nhà ăn, nhà bếp. Mỗi tiểu đoàn thường xuyên duy trì số lượng từ 180-220 con lợn thịt, 8-10 con lợn nái, bảo đảm tự túc trên 45% lợn giống chăn nuôi tại đơn vị. Trung đoàn có khu TGSX tập trung, vừa đảm bảo thực phẩm tại chỗ, đồng thời tham gia sản xuất hàng kinh tế, tăng thêm nguồn thu cho đơn vị. Mô hình chăn nuôi tại khu TGSX tập trung của Trung đoàn rất đa dạng, sinh động, trong đó, tiêu biểu có thể kể đến nuôi tập trung chim cút đẻ, chim cút thịt, gà, vịt, lợn thịt... Vừa qua, nhận thấy chim cút là giống dễ nuôi, kháng bệnh tốt, thức ăn đơn giản, mắn đẻ, không tốn nhiều chi phí chuồng trại, Trung đoàn đã đầu tư phát triển mô hình này. Để có chim cút đẻ, Trung đoàn liên hệ với các trại giống để mua chim cút giống 01 ngày tuổi về úm. Sau khi nuôi khoảng 40-45 ngày, chim cút đã bắt đầu đẻ trứng, với tỉ lệ trứng đạt 80-90%. Hiện nay, Trung đoàn thường xuyên duy trì từ 1.800-2.000 con chim đẻ, giá mỗi quả trứng xấp xỉ 550 đồng. Sau khi thu hoạch trứng khoảng 120-130 ngày, thì thay giống mới. Theo tính toán của đơn vị, mỗi ngày, đàn chim cút đẻ của đơn vị cho thu lãi gần 700.000đ. Ngoài nuôi chim cút đẻ trứng, Trung đoàn đang duy trì thường xuyên đàn chim cút thịt khoảng 6.000 con. Sau khi trừ chi phí, mỗi lứa chim cút thịt cho thu lãi từ 8-10 triệu đồng (thời gian nuôi 40-45 ngày). Tận dụng diện tích mặt nước, ngoài nuôi thả cá, Trung đoàn còn tổ chức nuôi vịt đẻ và thả gà trên bờ. Do đó, riêng đàn gia cầm, thủy cầm của Trung đoàn lên tới gần 20.000 con các loại, không chỉ bảo đảm đủ cho bữa ăn bộ đội, mà còn bán ra ngoài thị trường và cung cấp cho các đơn vị khác trong Sư đoàn.

Nhờ đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo các quy mô phù hợp, kết hợp với chủ động nghiên cứu, tìm tòi, đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng nên những năm gần đây, công tác TGSX của Trung đoàn đã có bước phát triển vượt bậc. Năm 2015, Trung đoàn đã thu được trên 260 tấn rau, củ, quả các loại, 146 tấn thịt lợn xô lọc, gần 35 tấn cá, 40 tấn thịt gia cầm, vượt mức kế hoạch đề ra. Sau khi trừ chi phí, tiền lãi thu từ TGSX của đơn vị năm 2015 đạt trên 2,2 tỉ đồng. Từ nguồn lãi này, Trung đoàn đã trích đưa vào ăn thêm cho bộ đội trên 430 triệu đồng, còn lại để tái sản xuất và mua sắm các vật tư, thiết bị nâng cao đời sống bộ đội. Ngay trong quý I năm 2016, Trung đoàn đã thu hoạch được gần 60 tấn rau, củ, quả; 23,6 tấn thịt lợn xô lọc; hơn 8,3 tấn cá; 9,7 tấn thịt gia cầm. Thu lãi từ TGSX 517 triệu đồng, đạt 108% kế hoạch đề ra. Hiện nay, toàn Trung đoàn đã tự túc được 100% nhu cầu rau xanh và thịt, trên 60% nhu cầu cá.

Với những kết quả nổi bật trong công tác hậu cần nói chung, TGSX nói riêng, liên tục 6 năm gần đây, Ban Hậu cần Trung đoàn 19 được cấp trên công nhận đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Năm 2015, Trung đoàn được Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” tặng Bằng khen. Đây là động lực để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 19 tiếp tục phấn đấu, tích cực tăng gia, sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống bộ đội, góp phần cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tap-chi-hau-can-quan-doi/nghien-cuu-kinh-nghiem-trao-doi/tang-gia-tren-vung-dat-thep-480543