Tăng giá hàng hóa bất hợp lý dịp Tết Nguyên đán bị xử phạt thế nào?

Nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân, pháp luật quy định phải công khai niêm yết giá cả hàng hóa và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức tăng giá hàng hóa bất hợp lý dịp Tết.

Những ngày cuối năm, nhu cầu tiêu thụ, mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao nên thường dễ dẫn đến tình trạng tăng giá hàng hóa đối với các mặt hàng thiết yếu. Ảnh minh họa: Hànôịmới

Người tăng giá hàng hóa bất hợp lý dịp Tết Nguyên đán bị phạt bao nhiêu tiền?

Điều 13 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với người có hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý như sau:

1. Phạt tiền từ 1-5 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50 triệu đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:
a) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.
2. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50-100 triệu đồng.
3. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 100-200 triệu đồng.
4. Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 200-500 triệu đồng.
5. Phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 500 triệu đồng.
6. Phạt tiền từ 25-55 triệu đồng hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán sẽ bị phạt tiền từ 1-60 triệu đồng.

Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP cũng quy định về mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Do đó, khi tổ chức thực hiện hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị xử phạt từ 2-120 triệu đồng.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân tăng giá bất hợp lý còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Thế nào là hành vi tăng giá hàng hóa bất hợp lý?

Theo khoản 1, Điều 7 Thông tư số 31/2014/TT-BTC thì hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý quy định tại Điều 13 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP là hành vi tăng giá như sau:

- Tự ý tăng giá theo giá đã đăng ký hoặc kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai;

- Tự ý tăng giá theo giá đã đăng ký hoặc kê khai với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và yêu cầu đăng ký lại, kê khai lại mức giá theo quy định của pháp luật.

Các hàng hóa, dịch vụ nào phải thực hiện bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán?

Khoản 1, 2, Điều 15 Luật Giá năm 2012 quy định Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá như sau:

1. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau:
a) Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông;
b) Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.
2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm:
a) Xăng, dầu thành phẩm;
b) Điện;
c) Khí dầu mỏ hóa lỏng;
d) Phân đạm; phân NPK;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;
e) Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm;
g) Muối ăn;
h) Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi;
i) Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện;
k) Thóc, gạo tẻ thường;
l) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, cận Tết, nhu cầu tiêu thụ, mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao nên thường dễ dẫn đến tình trạng tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, rượu, bia, các mặt hàng lương, thực phẩm...

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng thì cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm những trường hợp tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý. Đồng thời đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại như buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không có hiện tượng tăng giá đột biến

Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, hiện nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bán hàng online, triển khai thanh toán điện tử. Thời điểm hiện tại, giá bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Theo đó, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm 2024 tại Hà Nội đạt gần 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, cơ quan này đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, khu chế xuất… để người tiêu dùng có thể tiếp cận được nguồn hàng bảo đảm chất lượng với giá cả hợp lý nhất.

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tang-gia-hang-hoa-bat-hop-ly-dip-tet-nguyen-dan-bi-xu-phat-the-nao-179240203182535086.htm