Tăng diện tích đất lúa nhờ khai hoang, phục hóa

ĐBP- Bằng các giải pháp cụ thể, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, những năm qua, việc khai hoang, phục hóa diện tích lúa 2 vụ trong toàn tỉnh tăng gần 1.400ha. Không chỉ khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, kết quả khai hoang, phục hóa còn góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Người dân bản Hẹ, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa khai hoang ruộng nước.

Theo số liệu thống kê từ ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ nguồn vốn theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ nông dân khai hoang, cải tạo đất được 1.318,1ha với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 13 tỷ đồng. Trong đó: Hỗ trợ khai hoang 1.287,46ha (trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa); hỗ trợ cải tạo 30,64ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa. Nhờ đó, diện tích đất trồng lúa và tổng sản lượng lương thực trên địa bàn tăng vượt bậc.

Mấy năm trở lại đây, huyện vùng cao khó khăn Tủa Chùa trở thành điển hình trong thực hiện khai hoang, phục hóa ruộng 2 vụ. Nếu như năm 2019 diện tích lúa 2 vụ toàn huyện đạt 546,4ha thì đến năm 2022 đã đạt gần 600ha.

Đưa chúng tôi thăm thửa ruộng mới khai hoang gần 3.000m2 của mình tại bản Hẹ, xã Xá Nhè, ông Cứ A Màng không giấu được niềm vui. Ông Màng cho biết: Trước đây, đất sản xuất của gia đình tôi chủ yếu là đất nương, sản xuất 1 vụ lúa. Do không chủ động được nguồn nước nên năng suất thấp. Khi các công trình thủy lợi trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng, nguồn nước thuận lợi cho việc sản xuất lúa nước, tôi mạnh dạn khai hoang ruộng nước. Nhờ khai hoang bằng máy xúc và có sự giám sát, hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, diện tích đất ruộng khai hoang của gia đình tôi đã kịp đưa vào sản xuất từ vụ đông xuân. Tuy diện tích không nhiều, nhưng sau vụ lúa nước đầu tiên, gia đình đã thu hàng chục bao thóc. So sánh với trồng lúa nương và cây màu khác, tôi thấy làm lúa nước năng suất cao hơn hẳn mà lại bền vững.

Không chỉ bản Hẹ mà người dân ở nhiều xã vùng cao huyện Tủa Chùa đã không ngần ngại bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê máy san ủi, tạo ruộng bậc thang từ đất nương bạc màu của gia đình. Theo chia sẻ của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa: Từ năm 2020 tới nay, huyện không có nguồn thực hiện công tác này. Nguồn theo Nghị định 35 chủ yếu để triển khai trình diễn các mô hình lúa; phân tích đất; hỗ trợ máy, công cụ sản xuất và sửa chữa các công trình thủy lợi... Song hiệu quả từ những hỗ trợ trước đó, người dân đã nhận thức được hiệu quả bền vững từ sản xuất lúa nước. Vì vậy, mặc dù không được hỗ trợ nhưng người dân vẫn chủ động đầu tư, đưa máy móc vào để khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa 2 vụ. Qua đó, đã góp phần quan trọng tăng năng suất lúa trên địa bàn huyện Tủa Chùa.

Là huyện có diện tích đất sản xuất còn hẹp, đất nương nhanh bạc màu, rửa trôi, để khắc phục tình trạng trên, những năm qua, huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều phương án cải tạo, khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang, tạo thêm diện tích trồng lúa nước.

Một trong những khu vực có phong trào khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang được người dân nhiệt tình hưởng ứng là các bản Nà Sự, Nà Cang, Nậm Đích (xã Chà Nưa). Từ năm 2017, người dân 3 bản đã khai hoang được 7ha ruộng, chiếm 2/3 tổng diện tích ruộng khai hoang của xã Chà Nưa. Là một trong những hộ tiên phong trong việc khai hoang, anh Lò Văn Mai, bản Nà Sự 2 cho biết: Trước đây, gia đình có 2.000m2 ruộng nước, vừa làm ruộng kết hợp canh tác trên nương nên tạm đủ ăn. Nhưng vài năm gần đây, đất nương bạc màu nên đầu năm 2017, gia đình đã thuê máy xúc về cải tạo một phần diện tích đất nương bạc màu thành ruộng bậc thang. Nhờ vào chính sách hỗ trợ khai hoang nên chi phí tiền thuê máy cũng không đáng bao nhiêu. Sau nhiều vụ sản xuất, đến nay diện tích mới khai hoang ngày nào đã cho năng suất hiệu quả ổn định, giúp gia đình tôi chủ động được nguồn lương thực, không còn bị đói giáp hạt như trước.

Theo ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa: Phần lớn diện tích khai hoang, phục hóa đến nay đã được đưa vào sản xuất và phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm diện tích lúa nương, tăng diện tích lúa nước, tăng năng suất, sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, đảm bảo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ rừng trước nguy cơ bị tàn phá.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/199437/tang-dien-tich-dat-lua-nho-khai-hoang-phuc-hoa