Tăng cường xử lý vi phạm phòng dịch tại khu vực công cộng

Ngày 30-5, phóng viên Báo Hànôịmới khảo sát việc phòng, chống dịch tại các chợ, siêu thị, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy, nhiều địa phương đã nghiêm túc giám sát, lập chốt ngăn chặn chợ 'cóc', chợ tạm; đóng cửa vườn hoa, công viên để tránh tụ tập đông người. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiểu thương, người dân cố tình bán hàng ở vỉa hè, không thực hiện giãn cách ở các khu vực công cộng.

Lực lượng chức năng của xã đi kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành công tác phòng, chống dịch covid-19 tại chợ.

Lập chốt, giám sát phòng dịch

Khảo sát của phóng viên tại các chợ, siêu thị, khu vực tập trung đông người cho thấy, đa số đều chấp hành nghiêm quy định phòng dịch. Ghi nhận tại các siêu thị Aeon Mall Hà Đông (quận Hà Đông), Vinmart Times City (quận Hai Bà Trưng), Vinmart Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy)..., nhân viên đều hỗ trợ khách hàng sát khuẩn tay, đo thân nhiệt. Một số người không đeo khẩu trang được nhân viên siêu thị nhắc nhở ngay; khẩu hiệu thực hiện các bước phòng, chống dịch của ngành Y tế được đặt ở vị trí dễ nhìn, với các thông điệp súc tích, dễ nhớ. Người dân khi đi mua sắm cũng nghiêm túc đeo khẩu trang.

Còn tại các chợ, theo khảo sát trên các phố Kim Ngưu, Thanh Nhàn, Trần Khát Chân, tình trạng quán vỉa hè bán hàng đã được giải quyết triệt để, không còn kiểu bán hàng "thò ra, thụt vào" khi thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra.

Theo Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Lê Hoàng Đức, để hạn chế nguy cơ dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của phường đã yêu cầu lực lượng công an tích cực tuần tra, giám sát việc chấp hành thông điệp “5K”, nhất là đối với các tiểu thương. Qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường đã xử phạt vi phạm hành chính 32 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 37 triệu đồng.

Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) Nguyễn Văn Dũng, để tránh tình trạng người dân bày bán hàng hóa tại vỉa hè, họp chợ tự phát ở ngõ 28 và 38 phố Xuân La, lực lượng chức năng của phường đã có phương án “cắm chốt” giải tỏa hai chợ “cóc” trên, đồng thời hướng dẫn bà con chỉ bán hàng tại các gian trong chợ tạm mới xây dựng tại ngõ 28 Xuân La. Chị Lương Thu Hương, người dân sống tại ngõ 38 Xuân La cho biết, nhờ sự phòng dịch tích cực của chính quyền địa phương mà các điểm họp chợ "cóc" đã được giải quyết triệt để. Người dân sống tại đây yên tâm vì hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Thượng úy Lường Anh Nuôi, cán bộ Công an phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cho biết, không chỉ kiểm soát nghiêm ngặt tại khu vực chợ đầu mối, trên địa bàn còn có một số chợ dân sinh trong các ngõ nhỏ, khu vực Tổ đình Phúc Khánh... đều được kiểm soát nghiêm quy định phòng, chống dịch. “Để người dân hiểu và giúp đỡ lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ, cần thiết có sự vào cuộc hơn nữa của chính quyền, đoàn thể và bà con tổ dân phố”, Thượng úy Lường Anh Nuôi chia sẻ.

Ghi nhận tại huyện Thường Tín, các chợ lớn như chợ Vồi (xã Hà Hồi), chợ nhỏ tại xã Văn Phú, thị trấn Thường Tín... đều nghiêm túc tuân thủ công tác phòng, chống dịch. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện duy trì thường xuyên các tổ, đội kiểm tra tại các chợ nhằm nhắc nhở, tuyên truyền người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ, hộ kinh doanh gia đình phải bảo đảm khoảng cách, chỉ bán hàng mang về, không được tụ tập đông người. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tính đến nay, 104 trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch trên địa bàn huyện bị xử lý với tổng số tiền trên 245 triệu đồng.

Lực lượng công an huyện Thường Tín kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh.

Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm

Khảo sát của phóng viên tại Vườn hoa 1-6, phường Quang Trung (quận Đống Đa), quanh hồ Ba Mẫu..., dù lực lượng chức năng đã căng dây nhưng nhiều người dân vẫn thiếu ý thức, "xé rào" vào tập thể dục trong buổi sáng và chiều tối. Tại khu vực này vẫn còn hiện tượng nhiều người không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách.

Nhiều người dân tại các chợ cũng chưa thực hiện nghiêm việc phòng dịch. Ghi nhận tại phố Thể Giao (quận Hai Bà Trưng) ngày 30-5, dọc vỉa hè vẫn còn nhiều hàng rong bày bán, người mua hàng vẫn đứng sát nhau không thực hiện giãn cách. Tương tự, chợ dân sinh nằm sâu trong các ngõ làng Ngọc Hà cũ (quận Ba Đình) vẫn còn hiện tượng bán hàng rong. Trước tình trạng này, Trung tá Đào Thanh Tùng, Trưởng Công an phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) cho biết, lực lượng công an phường thường xuyên tuần tra, giám sát, nhắc nhở các hộ kinh doanh trong ngõ, hàng rong không được bán hàng, hình thành chợ “cóc” để bảo đảm quy định phòng, chống dịch.

Ghi nhận tại phố Thể Giao (quận Hai Bà Trưng) ngày 30-5, dọc vỉa hè vẫn còn nhiều hàng rong bày bán, người mua hàng vẫn đứng sát nhau không thực hiện giãn cách.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) Nguyễn Văn Dũng, để ngăn người dân tụ tập đông tại các khu chợ, vườn hoa ở số 69 phố Vệ Hồ, chân tòa chung cư F12, chung cư X2 của phường, UBND phường phân công tổ công tác, phối hợp cùng 111 tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên tuần tra, lập chốt ngăn chặn vi phạm. Các tổ trực 24/24 giờ, nếu nhận thông tin liên quan đến dịch bệnh bất kể ngày hay đêm, cũng tiếp nhận xử lý thông tin và báo cáo kịp thời để phường có phương án giải quyết.

Các cửa hàng ăn uống trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ) thực hiện đúng yêu cầu "chỉ bán mang về".

Tình trạng người dân đi tập thể dục quanh Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng) đã giảm đáng kể, chỉ lác đác còn một số người dân đứng tập ở vỉa hè xung quanh công viên.

Trong ngày 30-5, chính quyền các địa phương cũng tăng cường các biện pháp tuần tra, lập chốt phòng dịch, ngăn chặn vi phạm. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, UBND thị xã cũng yêu cầu đơn vị, xã, phường kiểm tra, rà soát địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về quy định phòng, chống dịch Covid-19. Trong hơn 1 tháng qua, toàn thị xã phát hiện, xử phạt 18 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, tổng số tiền phạt là 36 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết, xã đã xử phạt 19 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 19 triệu đồng. Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, huyện đã cử các tổ, đội giám sát, yêu cầu tạm đóng cửa 266 khu di tích, cơ sở tôn giáo; 16 quán karaoke; 100% các cơ sở kinh doanh ăn uống ký cam kết chỉ bán mang về. Tính từ ngày 1-5 đến nay, huyện đã xử phạt 47 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 86 triệu đồng.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận được ngày 30-5:

Các hàng, quán trên địa bàn huyện Thanh Oai đóng cửa theo đúng quy định.

Các lối vào Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng) đều có barie và lực lượng ứng trực.

Các cơ sở kinh doanh ăn uống trên phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) phần lớn đều đóng cửa, chỉ bán hàng mang về.

Các quán giải khát, trà chanh trên địa bàn thị xã Sơn Tây nghiêm túc đóng cửa tạm dừng kinh doanh để phòng dịch Covid-19.

Ghi nhận tại phố Thể Giao (quận Hai Bà Trưng) ngày 30-5, dọc vỉa hè vẫn còn nhiều hàng rong bày bán, người mua hàng vẫn đứng sát nhau không thực hiện giãn cách.

Tại Vườn hoa 1-6, phường Quang Trung (quận Đống Đa), dù lực lượng chức năng đã căng dây nhưng nhiều người dân vẫn thiếu ý thức vào tập thể dục trong buổi sáng và chiều tối.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1001130/tang-cuong-xu-ly-vi-pham-phong-dich-tai-khu-vuc-cong-cong