Tăng cường trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người bệnh

Sở LĐTB&XH vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2024.

Người tâm thần được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh. Ảnh: KIM CHI

Chương trình nhằm huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho các đối tượng, giúp họ ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với từng trường hợp.

H tr hòa nhp cng đng

Em Triệu Thị Ngọc Anh ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cùng với cậu ruột bị bệnh tâm thần. Hai cậu cháu sống trong căn nhà xiêu vẹo, ẩm thấp. Ngọc Anh thổ lộ: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, hằng ngày ngoài giờ đi học, em phải chăm cậu và quán xuyến việc nhà. Thời gian qua, nhờ các cấp chính quyền, hội đoàn thể và các tấm lòng hảo tâm cưu mang, hỗ trợ nên gia đình bớt khó khăn”.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Toàn tỉnh hiện có 2.500 người mắc bệnh tâm thần nặng. Thời gian qua, các cấp, ngành, các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, phối hợp triển khai việc bảo vệ, chăm sóc phục hồi chức năng cho người tâm thần (NTT), người rối nhiễu tâm trí, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng.

Chị Phạm Thị Tuyết Nhi, cộng tác viên công tác xã hội xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Với chức năng hỗ trợ công tác xã hội, hằng tháng, chúng tôi đến các gia đình có NTT hướng dẫn người bệnh rèn luyện các kỹ năng tự ăn uống, vệ sinh cá nhân... Đối với các cháu trong độ tuổi đi học, chúng tôi còn phối hợp với phụ huynh để dạy chữ, từ đó giúp các cháu tự tin hòa nhập cộng đồng.

Phát hin sm, can thip kp thi

Sau đợt đại dịch COVID-19, số lượng NTT, người rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, các mô hình chăm sóc dựa vào cộng đồng, gia đình vẫn chưa đủ điều kiện để triển khai. Các đơn vị chức năng đã đề ra giải pháp triển khai dịch vụ phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền, tư vấn về phục hồi chức năng đối với các đối tượng.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội (Sở LĐTB&XH), trung tâm hiện nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị hơn 50 đối tượng tâm thần. Hầu hết các gia đình có người bị bệnh tâm thần hoàn cảnh rất khó khăn. Cùng với thường xuyên chia sẻ tâm tư để hiểu được nguyện vọng của người bệnh, các nhân viên xã hội của trung tâm tăng cường phối hợp giữa điều trị, chăm sóc, hỗ trợ tâm lý và hỗ trợ xã hội đối với từng trường hợp, hướng tới tiếp cận các dịch vụ trợ giúp toàn diện cho người bị rối nhiễu tâm trí, NTT.

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết: Trước thực tế NTT ngày càng gia tăng, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, trong 2 năm 2024 và 2025, mỗi năm toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 80% NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng tăng cường hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội đối với NTT, người rối nhiễu tâm trí; xem xét, tạo điều kiện cho hộ gia đình người bệnh có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. Phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có CLB thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ của NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí...

Với chức năng hỗ trợ công tác xã hội, hằng tháng, chúng tôi đến các gia đình có NTT hướng dẫn người bệnh rèn luyện các kỹ năng tự ăn uống, vệ sinh cá nhân. Đối với các cháu trong độ tuổi đi học, chúng tôi còn phối hợp với phụ huynh để dạy chữ, từ đó giúp các cháu tự tin hòa nhập cộng đồng.

Chị Phạm Thị Tuyết Nhi, cộng tác viên công tác xã hội

xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/349/315189/tang-cuong-tro-giup-xa-hoi-va-phuc-hoi-chuc-nang-cho-nguoi-benh.html