TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN TRONG TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ KHOA HỌC NĂM 2024

Năm 2024 Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức triển khai ký kết Hợp đồng thực hiện đề tài đối với 09 đề tài cấp bộ và 01 đề tài cấp cơ sở. Một trong những điểm mới nổi bật trong Quy trình triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học lần nay là việc các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội nơi Chủ nhiệm đề tài công tác cùng tham gia ký kết Hợp đồng thực hiện đề tài nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, bảo đảm triển khai đúng tiến độ và tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học năm 2024

Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học năm 2024 do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức vào chiều 11/3, Trưởng Ban Quản lý khoa học Đinh Thanh Hương nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội nơi Chủ nhiệm đề tài công tác cùng tham gia ký kết Hợp đồng thực hiện đề tài nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, bảo đảm triển khai đúng tiến độ và tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức triển khai ký kết Hợp đồng thực hiện đề tài đối với nhóm đề tài năm 2024, bao gồm: 09 đề tài cấp bộ và 01 đề tài cấp cơ sở. Hợp đồng thực hiện đề tài có sự tham gia ký kết của 04 bên, bao gồm: Đại diện Cơ quan chủ quản; Đại diện Tổ chức chủ trì; Đại diện cơ quan nơi Chủ nhiệm đề tài công tác và Chủ nhiệm đề tài. Quyền hạn và trách nhiệm của Cơ quan nơi chủ nhiệm đề tài công tác được quy định cụ thể tại Điều 6 Hợp đồng thực hiện đề tài.

Trưởng Ban Quản lý khoa học Đinh Thanh Hương cũng cho biết, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1227 về Quy chế quản lý hoạt động khoa học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đã có Quyết định số 166/QĐ-VNCLP ngày 29/10/2021 ban hành các Biểu mẫu phục vụ công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Quyết định này đã được đăng tải công khai trên Eoffice nên Ban Chủ nhiệm đề tài hoàn toàn chủ động sử dụng các biểu mẫu này trong quá trình triển khai thực hiện. Trường hợp cần có hướng dẫn cụ thể hơn, Ban Chủ nhiệm đề tài trao đổi với Ban Quản lý khoa học (cán bộ chuyên quản) để nhận được thông tin đầy đủ, kịp thời.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Quản lý khoa học Đinh Thanh Hương cũng phổ biến các yêu cầu về: Các văn bản pháp luật liên quan đến kinh phí của đề tài; Tạm ứng kinh phí, ký kết Hợp đồng giao khoán và tổ chức Hội thảo; Kiểm tra tiến độ, đánh giá giữa kỳ và điều chỉnh trong quá trình thực hiện; Quy trình nghiệm thu sơ bộ; Quy trình nghiệm thu chính thức; Công nhận kết quả đề tài, giao nộp sản phẩm, công khai thông tin;… Cụ thể:

Trưởng Ban Quản lý khoa học Đinh Thanh Hương

Về các văn bản pháp luật liên quan đến kinh phí của đề tài: Ngày 10/01/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BTC về quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26/2/2023 trong đó có một số quy định của Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/04/2015 và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 hết hiệu lực thi hành kể từ khi Thông tư số 03 có hiệu lực. Vì vậy, trong quá trình thực hiện đề tài, Ban Chủ nhiệm lưu ý cập nhật để triển khai thực hiện đề tài đúng quy định. Viện NCLP sẽ có thông báo đến Ban Chủ nhiệm về những chính sách, quy định mới để Ban Chủ nhiệm chủ động hơn trong quá trình triển khai thực hiệ

Về kiểm tra tiến độ, đánh giá giữa kỳ và điều chỉnh trong quá trình thực hiện: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Viện Nghiên cứu lập pháp tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tiến độ thực hiện đề tài. Ban Chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm gửi đến Tổ chức chủ trì (qua đầu mối là Ban QLKH) hồ sơ kiểm tra tiến độ. Hồ sơ bao gồm: Báo cáo nội dung nhiệm vụ theo tiến độ và bảng kê khối lượng công việc đã hoàn thành, nêu rõ thuận lợi, khó khăn, khả năng hoàn thành theo tiến độ và kiến nghị; số kinh phí đã tạm ứng, giải ngân và kế hoạch triển khai công việc tiếp theo; Các sản phẩm của đề tài theo tiến độ đã xác định trong hợp đồng; chứng từ sử dụng kinh phí cho các hoạt động tương ứng.

Trong trường hợp cần thiết, Viện thành lập Tổ kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài để xem xét báo cáo tiến độ, kiểm tra sản phẩm của các đề tài. Tổ kiểm tra tiến độ sẽ đối chiếu với tiến độ trong Thuyết minh đề tài và dự toán đã được phê duyệt; đối chiếu với kế hoạch giải ngân từng đợt và chứng từ sử dụng kinh phí tương ứng với các hoạt động đã thực hiện. Kết quả làm việc của Tổ kiểm tra tiến độ được thể hiện bằng biên bản kiểm tra, trong đó ghi rõ ý kiến đánh giá kiến nghị.

Liên quan đến đánh giá giữa kỳ: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá giữa kỳ đối với các đề tài đang triển khai. Chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm gửi đến Tổ chức chủ trì (qua đầu mối là Ban QLKH) Báo cáo nội dung công việc đã thực hiện và các sản phẩm kèm theo; Báo cáo kết quả giải ngân của đề tài đến thời điểm tổ chức đánh giá giữa kỳ.

Hoạt động kiểm tra tiến độ và đánh giá giữa kỳ là hai hoạt động khác nhau nhưng có thể được thực hiện kết hợp cùng nhau hoặc tách riêng, có thể phục vụ trực tiếp cho việc nghiệm thu giai đoạn sản phẩm của đề tài.

Về quy trình nghiệm thu sơ bộ tại Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ: Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc thời hạn thực hiện đề tài cấp bộ (chậm nhất 01 tháng trước khi kết thúc thời hạn thực hiện đề tài cấp cơ sở) được ghi trong hợp đồng hoặc thời điểm được gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng (nếu có), Chủ nhiệm đề tài gửi 01 bộ hồ sơ (bản cứng và file mềm) cho Ban QLKH (trực tiếp cho cán bộ chuyên quản) để kiểm tra về quy cách, mẫu mã sản phẩm. Bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Hợp đồng thực hiện đề tài.

Trong đó: Các Báo cáo nghiên cứu/chuyên đề phải được thẩm định chất lượng bởi ít nhất 02 chuyên gia; 01 báo cáo chuyên đề phục vụ kỳ họp Quốc hội, có xác nhận của cơ quan nơi Chủ nhiệm đề tài công tác và Chủ nhiệm đề tài…

Về quy trình nghiệm thu chính thức tại Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ: Chủ nhiệm đề tài gửi 01 bộ hồ sơ (bản cứng và file mềm) cho Ban QLKH (trực tiếp cho cán bộ chuyên quản) để kiểm tra về quy cách, mẫu mã sản phẩm. Bộ hồ sơ bao gồm: Sản phẩm được quy định tại khoản 2 Điều 7 Hợp đồng thực hiện đề tài đã được chỉnh sửa sau nghiệm thu sơ bộ tại Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kèm theo Báo cáo tiếp thu, giải trình việc chỉnh sửa, tiếp thu có xác nhận của Chủ tịch Hội đồng và các tài liệu khác theo yêu cầu của Viện Nghiên cứu lập pháp (nếu có).

Ban Quản lý khoa học (cán bộ chuyên quản) tiếp nhận các sản phẩm của đề tài được nộp, đăng ký vào sổ lưu, kiểm tra số lượng và quy cách sản phẩm. Sau khi nhận các sản phẩm, Ban QLKH thông báo cho Chủ nhiệm đề tài về tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ theo quy định thì Chủ nhiệm nhiệm vụ bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ để nộp lại.

Trường hợp hồ sơ đề nghị nghiệm thu chính thức đạt yêu cầu, Lãnh đạo Ban Quản lý khoa học trình Lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp xem xét, ký ban hành Quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Sau khi có Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu, Ban Quản lý khoa học gửi hồ sơ cho các thành viên Hội đồng theo quy định…./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85246