Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số

ĐBP - Với trên 75% trẻ em mầm non là người dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Mường Lay đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng trường và thực tiễn ở địa phương, giúp trẻ em DTTS có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức khi bước vào cấp học tiếp theo.

Một tiết học của cô và trò Điểm trường Mầm non Hua Huổi Luông.

Chúng tôi đến Điểm trường Mầm non Huổi Min, thuộc Trường Mầm non Đồi Cao, phường Sông Đà đúng lúc tiết học của cô và trò lớp nhà trẻ đang diễn ra sôi nổi. Cô giáo Lưu Thị Hương đang say sưa giới thiệu cho học sinh bằng tiếng Việt về tên gọi, đặc điểm của một số loại rau, quả để trẻ đọc theo: “Đây là bắp ngô, quả bí, quả đào, cây rau bắp cải…”. Quan sát trong lớp học, những đồ dùng, đồ chơi cũng được gắn tên tiếng Việt nhằm giúp trẻ tăng cường tối đa việc sử dụng tiếng Việt và chữ cái.

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Lưu Thị Hương cho biết: Năm học 2021 - 2022, Điểm trường Huổi Min có 19 trẻ theo học, trong đó, 100% đều là con em đồng bào dân tộc Mông. Nếu như ở nhà, trẻ chỉ biết tên những sản phẩm này bằng tiếng địa phương thì khi đến trường, trẻ được các cô giới thiệu tên bằng tiếng Việt. Những mô hình rau, củ, quả, hàng hóa bày trong lớp học khá gần gũi với cuộc sống hằng ngày của các em; hơn nữa những đồ dùng, đồ chơi này đều được viết bằng tiếng Việt, thông qua đó sẽ giúp trẻ dễ tiếp cận, ghi nhớ lâu hơn.

Tại Trường Mầm non Bản Lé, xã Lay Nưa, năm học 2021 - 2022, có 221 trẻ theo học, trong đó 219 trẻ là người DTTS, chiếm 99,1%. Riêng 4 điểm trường của nhà trường, gồm: Hua Huổi Luông, Hua Nậm Cản, Bản Lé, Bản Mo đều có 100% trẻ là người DTTS. Vì trước khi đến lớp, những học sinh này ít được giao tiếp với môi trường bên ngoài, nhất là học sinh ở các điểm trường vùng cao, nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của các em còn hạn chế. Với phương châm “không để ngôn ngữ trở thành rào cản đối với học sinh”, giải pháp được Trường Mầm non Bản Lé chú trọng triển khai là quan tâm phát triển kỹ năng tiền đọc, tiền viết cho trẻ, nhất là trẻ 5 tuổi, dạy trẻ nhận biết và phát âm đúng các chữ cái tiếng Việt, tô màu chữ, ghép nét, tạo hình chữ cái, nhận biết số và đếm số lượng… Riêng đối với các điểm trường vùng cao, nhà trường sẽ bố trí giáo viên có trình độ chuyên môn là người địa phương hoặc thông thạo tiếng địa phương làm công tác chủ nhiệm lớp để hỗ trợ trẻ trong quá trình học tập. Đồng thời, xây dựng các tiết học chuyên biệt đối với những lớp/nhóm học sinh còn hạn chế về ngôn ngữ tiếng Việt, xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt trong và ngoài lớp học, nhằm giúp trẻ học tiếng Việt mọi lúc mọi nơi. Nhờ vậy, bước đầu hầu hết trẻ đã nhận biết, phát âm theo bộ chữ cái tiếng Việt và có kỹ năng cơ bản trước khi vào lớp 1.

Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025”, Chuyên đề "Tăng cường nghe, nói tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục mầm non", thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Mường Lay đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đề án. Bà Trần Thị Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Mường Lay, cho biết: Ngoài tập trung bồi dưỡng năng lực, bố trí sắp xếp hợp lý đội ngũ giáo viên, đơn vị còn chỉ đạo các trường chú trọng tuyên truyền nâng cao tỷ lệ huy động trẻ DTTS đến trường, trẻ đi học chuyên cần, được học 2 buổi/ngày để trẻ có thời gian, cơ hội được tăng cường tiếng Việt. Tại các nhà trường, ngoài chú trọng các hoạt động trải nghiệm của học sinh, đưa nội dung tăng cường tiếng Việt vào kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ theo năm học, chủ đề/tháng, tuần, ngày, việc tổ chức tăng cường dạy tiếng cũng được triển khai phù hợp với lứa tuổi theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, giúp trẻ phát triển kỹ năng nghe, hiểu, phát âm và diễn đạt bằng tiếng Việt. Những giải pháp trên đã giúp trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Đồng thời, tạo tiền đề để cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức khi bước vào cấp học tiếp theo.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng trường và thực tiễn ở địa phương, đến nay, 100% trẻ em người DTTS trên địa bàn thị xã Mường Lay được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Tỷ lệ trẻ em người DTTS ra lớp đạt 99,8%; trẻ dần mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em của thị xã nói chung và chất lượng giáo dục trẻ mầm non nói riêng. Đây là bước đầu tiên nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí vùng DTTS, xóa dần khoảng cách giữa các dân tộc, giữa vùng thấp và vùng cao trên địa bàn thị xã.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/193054/tang-cuong-tieng-viet-cho-tre-mam-non-nguoi-dan-toc-thieu-so