Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Chiều 22/4, Ban Bí thư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 32 -CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Lê Trường Lưu chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương – Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Lê Minh Hoan chủ trì tại điểm cầu Trung ương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Lê Trường Lưu chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế. Cùng dự còn có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị xác định, Chỉ thị 32 của Ban Bí thư là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài; thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành thủy sản; kiện toàn các lực lượng liên quan để bảo vệ chủ quyền khai thác thủy sản; tăng cường ngoại giao, thúc đẩy phát triển.

Với mục tiêu như vậy, đòi hỏi các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong cả nước phải thực hiện nghiêm túc, cụ thể, mang lại hiệu quả mà Chỉ thị 32 của Ban Bí thư đã đặt ra; trong đó, sự đồng hành của ngư dân trên biển đóng vai trò quan trọng.

Kế hoạch hành động của Chính phủ cũng xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài. Điều quan trọng là, xây dựng hình ảnh, vị thế trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển. Muốn vậy, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các bộ, ban, ngành, địa phương; trước mắt, tập trung lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức, trách nhiệm của ngư dân, nhất là ngư dân khai thác thủy sản trên biển.

Hoàn thiện quy hoạch pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay trong khai thác thủy sản trên biển; quản lý đồng bộ, hiệu quả đầu vào, đầu ra của các tàu cá khai thác thủy sản trên các vùng biển, tránh lấn chiếm vùng biển nước ngoài.

Tàu cá của ngư dân phường Thuận An (TP. Huế) ra khơi đánh bắt thủy sản

Siết chặt quản lý hàng hóa thủy sản đi nước ngoài; điều tra, xác minh, xử lý nghiêm những hành vi trái quy định về khai thác thủy sản; tập trung các nguồn lực để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản; tiến tới chuyển đổi ngành nghề từ đánh bắt thủy sản sang nuôi trồng cho người dân; ứng dụng chuyển đổi số để quản lý khai thác thủy sản; tăng cường hợp tác quốc tế về phân định vùng khai thác thủy sản;

Mục tiêu cuối cùng là, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU), gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam.

Tin, ảnh: ANH PHONG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-chong-khai-thac-thuy-san-bat-hop-phap-140128.html