Tăng cường quản lý, tuyên truyền không mua bán, săn bắt động vật hoang dã

Ghi nhận trên địa bàn thành phố Trà Vinh, huyện Châu Thành... hiện nay, vẫn còn diễn ra tình trạng săn bắt, mua bán các loài động vật hoang dã (chủ yếu các loại chim). Đặc biệt, khi bước vào mùa vụ lúa chín, thu hoạch mía một số loài chim hoang dã như se sẻ, cò, cu vằn... được người dân săn bắt khá nhiều.

Chim hoang dã được bày bán trên tuyến đường Nguyễn Đáng (Khóm 6, Phường 7, thành phố Trà Vinh), ảnh chụp lúc 11 giờ, ngày 20/3/2024.

Mặc dù đây là những động vật không thuộc vào danh mục động vật quý hiếm, nhưng việc săn bắt đã tác động đến môi trường sống, sự phát triển của loài chim hoang dã, gây mất cân bằng hệ sinh thái dễ dẫn đến các loài sâu, rầy gây hại (trong nông nghiệp) phát triển.

Qua trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Minh Thiết, Trưởng phòng Phòng Thanh tra Pháp chế của Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh cho biết: đối với các loài chim hoang dã hiện nay trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là cò trắng, se sẻ, cu đất, cu vằn, sáo, bìm bịp; riêng chim yến thuộc động vật nuôi (được quy định, quản lý theo Luật Thú y). Các hình thức mà người dân săn bắt chim hoang dã là sử dụng bẫy lưới, bẫy lồng, bẫy keo có gắn thiết bị dẫn dụ bằng âm thanh…

Trước tình hình người dân săn bắt và bán lại cho các điểm thu mua động vật hoang dã cho việc phóng sinh; hoặc tiêu thụ thịt… đang được ngành chuyên môn (Chi cục Kiểm lâm) phối hợp với các địa phương tuyên truyền, giáo dục và bắt làm cam kết đối với các hộ mua bán chim cảnh, chim phóng sanh… Trong đó, các trường hợp tái phạm sẽ thực hiện xử lý theo quy định của Nhà nước.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 306/UBND-NN, ngày 19/01/2024 về việc đôn đốc thực hiện Công điện số 595/CĐ-TTg, ngày 30/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh), hiện toàn tỉnh có 58 hộ/65 nhà nhà yến, diện tích 23.720m2, số lượng nuôi khoảng 49.700 con; sản lượng tổ yến thấp nhất là 01kg, cao nhất đạt 12 kg/năm/nhà.

Đầu năm 2024, Chi cục Kiểm lâm thông qua công tác phối hợp với các đơn vị Công an thành phố Trà Vinh, Công an Phường 7 (thành phố Trà Vinh) thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các tụ điểm kinh doanh, mua bán, nuôi nhốt, vận chuyển các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Trà Vinh. Đã tổ chức tuần tra, kiểm tra 08 cuộc, phát hiện 09 vụ vi phạm (xử phạt vi phạm hành chính 02 vụ); đồng thời tịch thu 100 cá thể chim hoang dã thả về môi trường tự nhiên (90 cá thể chim sẻ và 10 cá thể chim sáo nâu); giáo dục, buộc cam kết không tái phạm 05 vụ và cam kết tự nguyện thả 58 cá thể chim (20 cá thể chim sẻ; 09 cá thể chim sáo nâu; 20 cá thể chim sắc; 05 cá thể chim cu ngói và 04 cá thể chim cu vằn); riêng UBND Phường 7 đang thụ lý 02 vụ/46 cá thể chim theo quy định pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Vũ Phương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh cho biết: đơn vị thường xuyên chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng kế hoạch phối hợp cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện; Phòng Kinh tế thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải tổ chức tuần tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, mua bán, săn bắt, nuôi nhốt, giết mổ các loài động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là việc săn bắt chim yến trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt là Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm liên huyện Duyên Hải - thị xã Duyên Hải và Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Cầu Ngang tuần tra kiểm tra các hộ bẫy bắt các loài chim hoang dã, nhất là việc săn bắt chim yến trên địa bàn huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, huyện Châu Thành và Cầu Ngang được 06 cuộc. Qua kiểm tra đã phát hiện 07 trường hợp giăng lưới bẫy bắt chim hoang dã, vụ việc đã được giáo dục buộc cam kết không tái phạm.

Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng đã phối hợp với Công an xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần; Công an xã An Trường, huyện Càng Long và Công an xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang mời 08 đối tượng (07 tài khoản cá nhân và tài khoản nhóm trưởng) đăng tải hình ảnh mua bán động vật hoang dã trên mạng xã hội (Facebook) về làm việc. Vụ việc đã được giáo dục nhắc nhở buộc đối tượng phải tháo gỡ các hình ảnh trên mạng và cam kết không tái phạm.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-tuyen-truyen-khong-mua-ban-san-bat-dong-vat-hoang-da-35900.html