Tăng cường quản lý công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu

Theo đánh giá từ các địa phương, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thiện và giữ vai trò quan trọng phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi còn những bất cập.

Mấy ngày nay, bà Vù Thị Lai, thôn Nậm Cọ, xã Khánh Yên Thượng (Văn Bàn) rất lo về nguy cơ thiếu nước sản xuất do nước từ đầu nguồn chảy về hệ thống thủy lợi của thôn rất ít. Dẫn phóng viên đi xem hệ thống thủy lợi của thôn, bà Lai cho biết: 2 năm nay, khi 1 mỏ khai thác đá xây dựng trên địa bàn thôn đi vào hoạt động, đơn vị thi công đã vùi lấp khe nước chảy vào hệ thống mương dẫn từ thượng nguồn về. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với thôn, xã kiểm tra, yêu cầu đơn vị khai thác mỏ khắc phục nhưng vẫn chưa có động tĩnh gì.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Khánh Yên Thượng cho biết: Chính quyền địa phương đã phối hợp với phòng chức năng của huyện kiểm tra và lập biên bản đơn vị khai thác đá làm hỏng công trình thủy lợi ở thôn Nậm Cọ, đồng thời yêu cầu sửa chữa kịp thời. Tuy nhiên đến nay, đơn vị này vẫn phớt lờ yêu cầu sửa chữa.

Tại các xã Hòa Mạc và xã Dương Quỳ (Văn Bàn), nguy cơ nhiều diện tích lúa xuân bị thiếu nước có thể xảy ra, bởi thời gian qua, các đơn vị thi công Dự án nâng cấp Quốc lộ 279 đã làm ảnh hưởng một số công trình thủy lợi trên dọc tuyến.

Nhiều ngày nay, anh La Văn Toán, Tổ trưởng Tổ thủy nông thôn Làng Mạc, xã Hòa Mạc rất vất vả khi phải đi sửa chữa đoạn mương thuộc công trình thủy lợi Noong Cọ bị đất đá vùi lấp để lấy nước phục vụ bà con làm đất, cấy vụ xuân. Anh Toán cho biết: Thôn có 2 công trình thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, trong đó công trình Noong Cọ đang bị hỏng do việc thi công Quốc lộ 279 làm vùi lấp đường mương. Chúng tôi đã báo cáo UBND xã để yêu cầu nhà thầu thi công khẩn trương khắc phục, nếu không, nguy cơ nhiều diện tích lúa của thôn sẽ thiếu nước.

Xã Hòa Mạc có 3 công trình thủy lợi ở các thôn Làng Mạc, Làng Nòm và Thái Hòa bị ảnh hưởng do thi công Quốc lộ 279. Để duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2024, UBND xã đã mời các nhà thầu lên làm việc và yêu cầu khắc phục, sửa chữa.

Không riêng Văn Bàn, tại các địa phương khác như Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát… tình trạng các công trình thủy lợi bị xâm hại, làm hỏng cũng diễn ra. Gần đây nhất, trong quá trình thi công Dự án mỏ apatit Phú Nhuận tại thôn Phú Thịnh I, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng), đơn vị thi công đã làm vùi lấp nhiều diện tích đất nông nghiệp và làm hỏng công trình thủy lợi của thôn. Ông Trần Văn Thành, thôn Phú Thịnh I bức xúc: Đơn vị thi công đã làm hỏng hệ thống thủy lợi nên nhiều hộ không có nước cấy. Nhà tôi có hơn 2 sào đất lúa phải chuyển sang trồng ngô.

Trước tình trạng đơn vị thi công làm hỏng công trình thủy lợi của thôn, các hộ đã có ý kiến với chính quyền, tuy nhiên đến nay việc giải quyết vẫn chưa có kết quả. Ông Trần Quang Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: Sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, UBND xã đã kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công, khẩn trương khắc phục.

Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Bảo Thắng hiện có 14 công trình thủy lợi ở 8 xã, thị trấn bị hỏng, xuống cấp cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp ngay để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho gần 650 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 120 ha mặt nước nuôi thủy sản. Huyện đã lập phương án sửa chữa, nâng cấp đề nghị tỉnh bố trí nguồn vốn thực hiện trong năm 2024.

Tình trạng xâm hại công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhiều, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cơ quan chức năng và địa phương chưa quan tâm đến việc kiểm tra, xử lý, khắc phục, chỉ khi có ý kiến của người dân hoặc tình trạng thiếu nước xảy ra thì mới vào cuộc. Đặc biệt, việc xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ công trình thủy lợi, hồ, đập phục vụ tưới tiêu chủ yếu do thanh tra các sở hữu quan thực hiện.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 107 hồ chứa nước thủy lợi; 22 công trình đập dâng, kênh dẫn liên xã; 143 công trình đập dâng, kênh dẫn trên địa bàn một xã; 2.616 đầu mối thủy lợi (đã kiên cố 1.876 đầu mối); 4.810 km kênh dẫn nước các loại (3.759 km đã được kiên cố hóa, còn lại 1.050 km kênh mương đất) nhỏ lẻ.

Trong năm 2023 và tháng 1/2024, qua thanh tra, kiểm tra, các đơn vị chức năng của sở đã phát hiện 7 hoạt động vi phạm bảo vệ đập, hồ chứa (Bát Xát 3, Mường Khương 3, Bảo Thắng 1); 79 hoạt động vi phạm xâm hại công trình thủy lợi.

toàn tỉnh có nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước. Riêng cấp tỉnh có 20/63 hồ chứa xây dựng trước năm 2000 chưa được nâng cấp, sửa chữa và đang xuống cấp. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Điều này ảnh hưởng đến việc vận hành, khai thác các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh.

Trước những hạn chế, bất cập trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, UBND tỉnh cần bố trí kinh phí cho việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, có sự phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý để các công trình này vận hành hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về phương án quản lý, khai thác và bảo vệ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cùng bảo vệ công trình thủy lợi, không xâm lấn đất công trình, sử dụng nước tưới tiết kiệm…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tang-cuong-quan-ly-cong-trinh-thuy-loi-phuc-vu-tuoi-tieu-post381148.html