Tăng cường quản lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ

Hiện nay, nhằm kiểm soát sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các lò giết mổ cung cấp ra thị trường, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã, đang tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở khu dân cư.

Giết mổ lợn theo dây chuyền công nghiệp tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Quỳnh Ngọc

Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạch Thất Nguyễn Duy Đáng, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 10 cơ sở giết mổ được cấp phép và hơn 60 cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Thực tế, việc giết mổ ở những cơ sở nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Tương tự huyện Thạch Thất, ở nhiều huyện vẫn tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao. Bởi hầu hết cơ sở nhỏ lẻ đều thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm dưới sàn, nguồn chất thải từ các cơ sở giết mổ đổ trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Đáng nói, nguồn gốc xuất xứ của gia súc, gia cầm ở các lò mổ này cũng rất khó xác định...

Nói về tình trạng trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong số 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của thành phố thì có tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công. Đa số những điểm giết mổ này không có địa điểm cố định, thường nằm rải rác ở các chợ, khu dân cư thuộc các huyện, thị xã, chưa bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Các cơ sở này không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, cơ quan thú y khó kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lò giết mổ, ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) cho rằng, các địa phương cần mạnh tay xử lý những điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không được cấp phép theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần kiểm soát chất lượng thịt gia súc, gia cầm bán tại chợ dân sinh nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại các chợ, điểm kinh doanh nhỏ lẻ trong thôn xóm. Qua đó theo dõi tình hình kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm và việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào địa bàn huyện.

Để kiểm soát nguồn thịt gia súc, gia cầm bán ra thị trường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai hình thành khu giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội” gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương. Cùng với đó, mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thịt an toàn, có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý; tăng tỷ lệ tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông để các cơ sở giết mổ công nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm hoạt động hiệu quả.

“Các địa phương cần tăng cường trách nhiệm, kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; yêu cầu thực hiện giết mổ ở những cơ sở tập trung đã được chính quyền địa phương quy hoạch”, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/998060/tang-cuong-quan-ly-co-so-giet-mo-nho-le