Tăng cường phòng trừ sâu bệnh gây hại cây lúa

Vụ đông xuân 2022 - 2023 toàn tỉnh gieo cấy được trên 25.700 ha lúa. Hiện nay cây lúa chuẩn bị bước vào giai đoạn ôm đòng trổ bông. Đây là giai đoạn quan trọng để quyết định năng suất, vì vậy nông dân cần tăng cường thăm đồng để phát hiện và có biện pháp phòng trừ các đối tượng dịch hại trên cây lúa giai đoạn trước, trong và sau trổ.

Kiểm tra tình hình sâu bệnh trên ruộng lúa tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng -Ảnh: P.V.T

Hiện nay, điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây lúa phát triển, nhưng cũng thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại phát sinh gây hại. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên đồng ruộng bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 354 ha, trong đó nhiễm nặng 7 ha, tỉ lệ bệnh phổ biến 10 - 15%, nơi cao 20 - 25%; bệnh khô vằn diện tích nhiễm 128 ha, tỉ lệ bệnh phổ biến 10 - 15%, nơi cao 20%; bệnh đốm sọc vi khuẩn diện tích nhiễm 43 ha, tỉ lệ bệnh phổ biến 5 - 15%, nơi cao 20 - 30%; bệnh đốm nâu diện tích nhiễm 75 ha, tỉ lệ bệnh phổ biến 10-15%. Ngoài ra, trên các cánh đồng hiện chuột, sâu cuốn lá đang có dấu hiệu phát sinh gây hại.

Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hải Lăng cho biết: “Hiện tình hình sâu bệnh đang xảy ra có nguy cơ thành dịch và lây lan trên diện rộng, trên các trà lúa trước, trong và sau trổ.

Để phòng ngừa có hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh đạo ôn cổ bông, trạm đã thông báo cho các địa phương phải bơm phòng trước trổ 5 - 7 ngày; đặc biệt lứa sâu cuốn lá đợt cuối tháng 3 và đầu tháng 4, mật độ bướm bình quân 2 - 4 con/ m2 , có nơi rất cao, từ 10 - 20 con/m2 , đây là nguy cơ khi sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây hại bộ lá đòng trên diện rộng và có khả năng thành dịch.

Trước tình hình đó, trạm đã ban hành công văn về việc tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông kết hợp sâu cuốn lá nhỏ trên các trà lúa đang ôm đòng và các trà lúa đang trổ.

Hiện nay, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo trên loa phóng thanh để nông dân chú ý kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, đẩy mạnh phòng trừ sâu bệnh từ nay cho đến trước, trong và sau khi lúa trổ”.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới, bệnh đạo ôn tiếp tục gây hại, nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, đốm nâu có thể phát sinh nhiều nơi, sâu cuốn lá phát sinh lứa mới gây hại bộ lá công năng ảnh hưởng đến năng suất, nhất là trên lúa trà muộn.

Đồng thời khuyến cáo nông dân chú ý kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện kịp thời và thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại cho cây lúa.

Hiện nay, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại trên các giống nhiễm như HC95, Bắc Thơm 7, VN10…và ruộng bón nhiều phân đạm, đặc biệt trên vùng đất cát và pha cát. Bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh trên những ruộng bị nhiễm đạo ôn lá mà không phun trừ hoặc phun trừ không triệt để, ruộng có áp lực bệnh cao như giống nhiễm, bón thừa đạm. Để phòng trừ bệnh đạo ôn, cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nhất là trên các giống nhiễm.

Trên những chân ruộng đã bị bệnh đạo ôn phải ngừng bón tất cả các loại phân kể cả phân bón qua lá, khẩn trương phun thuốc phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Fenoxanil + Isoprothiolane... như: Beam 75WP, Fujione 40EC, Map Famy 700WP... theo liều lượng khuyến cáo. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông phải phun phòng trước và sau trổ 5-7 ngày mới hiệu quả cao.

Bệnh bạc lá vi khuẩn xuất hiện và lây lan nhanh sau những trận mưa giông, mưa rào, gây hại nặng trên các giống nhiễm như HC95, Bắc Thơm 7, Dự Hương 8…, ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, thiếu ánh sáng… Để phòng trừ bệnh hiệu quả cao cần sử dụng các loại thuốc trừ vi khuẩn có hoạt chất Bronopol, Ningnanmycin, oxolinic acid+ streptomycin…như: Totan 200WP, Bonny 4SL, Map Lotus 125WP,Xantocin 40WP... ngay sau khi có mưa dông, tố lốc để khống chế kịp thời.

Hiện nay, một số vùng ruộng đã xuất hiện bướm cuốn lá mật độ cao. Lứa 2 sẽ xuất hiện khoảng đầu tháng 4, gây hại nặng trên những chân ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, gây hại bộ lá công năng ảnh hưởng lớn đến năng suất. Vì vậy, cần theo dõi, phát hiện sớm để có biện pháp quản lý thích hợp. Cần theo dõi sâu non mới nở và phun thuốc khi mật độ sâu từ 10 con/m2 trở lên. Phun khi sâu tuổi 1- tuổi 2 mới hiệu quả.

Trong thời gian tới, rầy nâu và rầy lưng trắng sẽ phát sinh gây hại nhiều vùng, gây hại nặng trên ruộng gieo dày, giống nhiễm như HC95, Bắc Thơm 7, Dự Hương 8… Nông dân cần tăng cường kiểm tra trên các giống nhiễm, vùng ổ dịch, ruộng gieo dày, kiểm tra nơi gốc lúa, bẹ lúa để phát hiện sớm và có biện pháp quản lý kịp thời. Tiến hành phun thuốc khi mật độ rầy khoảng 750 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc có hoạt chất Pymetrozine, Nitenpyram, Acetamiptid + Imidacloprid... như Chess 50WG, Tenpyram 50%.

Chuột sẽ tiếp tục gia tăng mức độ gây hại lúa ở giai đoạn làm đòng, tập trung hại ruộng khô nước, ruộng gần kênh mương, mồ mả và các vùng ruộng không chủ động diệt chuột thường xuyên. Cần tiếp tục diệt trừ chuột bằng nhiều biện pháp, diệt thường xuyên, liên tục, đồng bộ, dùng tổng hợp nhiều biện pháp như thủ công, đặt bẫy, dùng thuốc hóa học…

Ngoài ra nông dân cần lưu ý các đối tượng như nhện gié, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh lem lép hạt, bệnh đốm nâu, thối thân thối bẹ...Cần thường xuyên kiểm tra phát hiện và phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm mang lại hiệu quả phòng trừ cao, an toàn cho người sản xuất cũng như môi trường sinh thái, đảm bảo một vụ mùa thắng lợi.

Phan Việt Toàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-lam-ngu/tang-cuong-phong-tru-sau-benh-gay-hai-cay-lua/175796.htm