Tăng cường phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch sốt xuất huyết

Ngày 15-8, lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 163 người mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 156 người đi từ vùng có dịch bệnh SXH về địa phương. Những người mắc bệnh SXH phần lớn trong độ tuổi lao động, sau khi được điều trị tiếp tục quay về vùng dịch, do vậy có nguy cơ tái nhiễm rất cao.

Cán bộ y tế phường Hội Hợp TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) phối hợp Đài Truyền thanh phường tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Ảnh: TOÀN NGUYỄN

Trước tình trạng nêu trên, ngành y tế Vĩnh Phúc chỉ đạo hệ thống y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch SXH; chủ động triển khai tốt các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, điều trị tích cực tại chỗ những ca mắc SXH, không để xảy ra các trường hợp chết do SXH; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về chẩn đoán, điều trị, giám sát, phòng, chống bệnh SXH theo đúng quy định của Bộ Y tế…

* Thống kê của Sở Y tế Hải Phòng cho thấy, trên địa bàn thành phố có 171 người mắc SXH tại 14 trong tổng số 15 quận, huyện. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra tại các địa phương, các cơ sở y tế về triển khai chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh SXH; phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; phối hợp các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nhất là việc người dân phải đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.

* Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, đến ngày 15-8, tỉnh Hưng Yên có 134 người bị SXH; trong đó có 27 người bệnh đã điều trị khỏi bệnh và được xuất viện, 107 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo ngành y tế và các địa phương tổ chức dọn chất thải, vệ sinh môi trường ở tất cả các thôn, xóm, hộ gia đình; tổ chức diệt muỗi; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn phòng, chống dịch bệnh SXH; cung cấp thuốc diệt muỗi và bình phun thuốc cho các huyện, thành phố, bệnh viện, trung tâm y tế; tổ chức phun thuốc diệt muỗi nơi ở của người bệnh bị SXH và những nơi có nguy cơ lây bệnh cao; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là đối với bệnh nhân bị SXH...

* Liên quan đến thông tin phản ánh của một số phụ huynh Trường THCS Quang Trung (quận Đống Đa, TP Hà Nội) về việc học sinh bị cay mắt, mẩn ngứa sau khi nhà trường phun thuốc diệt muỗi phòng SXH, chiều 15-8, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Việc bị dị ứng sau khi phun thuốc muỗi có thể xảy ra với những người có cơ địa dị ứng, trong đó có trẻ nhỏ, nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tác dụng phụ của thuốc nhẹ, người bị dị ứng có thể tự khỏi. Hóa chất phun diệt muỗi đã được Bộ Y tế cấp phép, bảo đảm an toàn; thời gian cách ly tối thiểu chỉ từ hai đến ba giờ đồng hồ. Tuy nhiên, sau thời gian cách ly, cần tiến hành hành lau sạch bàn ghế, sau đó mới cho các em học sinh vào phòng học tập, sinh hoạt.

Để bảo đảm sức khỏe cho người dân, ngành y tế Hà Nội đã đưa ra những nguyên tắc cần phải thực hiện khi phun hóa chất diệt muỗi như: Di chuyển toàn bộ người ra khỏi nhà trước khi phun hóa chất; chuyển, che đậy cẩn thẩn các loại thức ăn, vật nuôi, vật dụng trong nhà, mở tất cả các cửa ra vào, kể cả cửa sổ; không được đi theo sau nhân viên phun thuốc; sau khi phun thuốc từ 60 đến 90 phút, các hộ gia đình có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Bên cạnh đó, ngành y tế Hà Nội đã bố trí các đội cấp cứu đề phòng những trường hợp quá mẫn cảm với thuốc phun muỗi để có biện pháp xử lý kịp thời...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/33794602-tang-cuong-phat-hien-som-xu-ly-kip-thoi-cac-o-dich-sot-xuat-huyet.html