Tăng cường nguồn lực cho chuyển đổi số

UBND tỉnh Bắc Giang cần tăng cường nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 111-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025; Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, đề xuất UBND tỉnh đầu tư trọng tâm, trọng điểm để từng bước thực hiện hiệu quả Nghị quyết 111; các sở, ngành xác định cụ thể mục tiêu, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm bảo đảm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 111; UBND các huyện, thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, các hệ thống phần mềm và nguồn nhân lực công nghệ thông tin làm nền tảng cho chuyển đổi số…

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát việc đầu tư phát triển hạ tầng, các hệ thống phần mềm và nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn TP Bắc Giang

Ảnh: L. Thủy

Đó là những kiến nghị Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh qua giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các hệ thống phần mềm và nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021.

Nhiều kết quả nổi bật

Qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận những kết quả nổi bật. Theo đó, hạ tầng CNTT được các cấp, ngành đầu tư cơ bản bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ như: Xây dựng, nâng cấp, vận hành ổn định Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, Trung tâm phục vụ hành chính công, hệ thống hội nghị trực tuyến. Giai đoạn 2018 - 2021, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện 2 dự án quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng CNTT gồm: Dự án Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Giang; Dự án xây dựng Trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu hệ thống camera an ninh tỉnh Bắc Giang. Các cơ quan, đơn vị của huyện, thành phố đã sử dụng kinh phí tự chủ mua sắm, nâng cấp trang thiết bị CNTT tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức thực thi công vụ, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

Việc đầu tư xây dựng, phát triển các hệ thống phần mềm ứng dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu từng bước được đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, phục vụ của các cấp chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công. Giai đoạn 2018 - 2021, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện 7 dự án đầu tư, phát triển các hệ thống phần mềm ứng dụng. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố ngoài sử dụng các phần mềm dùng chung trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển một số dự án về hệ thống phần mềm riêng...

Từng bước thực hiện hiệu quả chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, quản lý nhà nước về CNTT chưa theo kịp sự phát triển; công tác hậu kiểm đối với các dự án, hạng mục đầu tư về CNTT chưa thường xuyên. Hạ tầng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn thiếu đồng bộ. Trong đầu tư, phát triển các hệ thống phần mềm CNTT, tính đồng bộ trong ứng dụng CNTT còn hạn chế; dữ liệu chưa được chia sẻ và khai thác sử dụng chung; một số phần mềm đầu tư cũ nên không thống nhất về kiến trúc, công nghệ dẫn đến khó khăn trong liên thông, tích hợp, trao đổi thông tin. Kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT ở các cấp, các ngành còn khó khăn, chưa huy động được nguồn lực của xã hội cùng tham gia... Trong đầu tư, phát triển nguồn nhân lực CNTT, còn thiếu công chức chuyên trách CNTT, thiếu chuyên gia giỏi, kỹ sư đầu ngành về CNTT, chuyên nghiệp về phần mềm, bảo mật, công nghệ số. Việc ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn nhiều hạn chế, phụ thuộc vào cán bộ chuyên trách CNTT.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế trên, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh tăng cường nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 111-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025; tập trung đầu tư đồng bộ Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, tránh đầu tư nhỏ lẻ, không hiệu quả.

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, cần rà soát, đánh giá khách quan thực trạng hạ tầng CNTT, hệ thống các phần mềm ứng dụng và nguồn nhân lực CNTT của tỉnh, từ đó tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đầu tư trọng tâm, trọng điểm để từng bước thực hiện hiệu quả Nghị quyết 111-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số. Tăng cường quản lý nhà nước trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, các hệ thống phần mềm và nguồn nhân lực CNTT nâng cao chất lượng ứng dụng CNTT trong thực thi công vụ, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử và thực hiện có hiệu quả công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Triển khai quyết liệt, mạnh mẽ công tác chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, các hệ thống phần mềm và nguồn nhân lực CNTT.

Đoàn giám sát kiến nghị các sở, ngành của tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, các hệ thống phần mềm và nguồn nhân lực CNTT, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện để bảo đảm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị Quyết số 111-NQ/TU của Tỉnh ủy. Đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm…

Đối với UBND các huyện, thành phố, cần tăng cường nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, các hệ thống phần mềm và nguồn nhân lực CNTT làm nền tảng cho chuyển đổi số; ưu tiên triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp. Triển khai quyết liệt, mạnh mẽ công tác chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số…

TRẦN PHƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-nguon-luc-cho-chuyen-doi-so-bahwmvkcpo-79817