TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CAN THIỆP CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, cần tăng cường năng lực can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính.

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Bàn về tình hình kinh tế xã hội, TS.Trương Văn Phước cho rằng, cần tăng cường năng lực can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính. Khi cho phép các tổ chức tài chính được hoạt động tự chủ hơn trong hành lang pháp lý hiện đại, tiếp cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế không có nghĩa là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước bị giảm nhẹ. Thậm chí, so với một nền kinh tế kế hoạch, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với sự phát triển của hệ thống tài chính trong một nền kinh tế thị trường lại càng quan trọng hơn.

TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Không chỉ là một chủ thể có trách nhiệm giám sát, điều tiết thị trường vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước còn có vai trò can thiệp để bảo đảm sự ổn định của thị trường khi các rủi ro mang tính hệ thống xảy ra. Chúng ta đã thấy vai trò can thiệp rất chủ động và kịp thời của các cơ quản quản lý nhà nước về tài chính tiền tệ của Hoa Kỳ khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008 và trường hợp của ngân hàng Silicon Valley và Signature vào đầu năm 2023. Phối hợp hành động của các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Dự trữ liên bang, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang và Bộ Tài chính Hoa Kỳ được đưa ra chỉ trong vòng chưa đầy 24h từ khi rủi ro hệ thống bắt đầu xuất hiện để vừa đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, duy trì thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, trấn an toàn thị trường vừa thể hiện cam kết tăng cường giám sát và xử lý sai phạm.

Tương tự, Chính phủ Hàn Quốc đã khẩn trương triển khai các biện pháp để bình ổn thị trường trái phiếu và tiền tệ khi Công ty liên doanh Gangwon Jungdo Development Corp, là chủ đầu tư của dự án công viên giải trí LegoLand, không thể trả được nợ các trái phiếu đến hạn với tổng giá trị lên tới 142,3 triệu USD và bị đưa vào diện phá sản. Việc công bố kế hoạch mở rộng các chương trình hỗ trợ thanh khoản và sử dụng các quỹ nhà nước để can thiệp đã giúp trấn an sự lo ngại của thị trường và hạn chế tình trạng căng thẳng thanh khoản trên thị trường. Chỉ có như vậy mới phần nào giảm nhẹ những tác động lan truyền từ sự việc của một ngân hàng đơn lẻ lan rộng ra cả hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy trong thị trường tài chính, niềm tin không chỉ đặt vào hành động của các đơn vị huy động vốn hay vay mượn mà niềm tin của thị trường còn được đặt vào những cam kết và hành động rất cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước.

Các cơ quản quản lý nhà nước cũng cần được tăng cường năng lực thanh tra và giám sát đặt trong tổng thể một hệ thống giám sát dựa trên rủi ro, cảnh báo sớm rủi ro, cơ chế xử lý khủng hoảng hệ thống và xử lý các định chế tài chính tiềm ẩn rủi ro cao nhằm bảo vệ sự an toàn của hệ thống tài chính. Công tác giám sát cần được nâng cao hiệu quả trên các khía cạnh như giám sát rủi ro hệ thống, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát; phối hợp, đồng bộ hóa giám sát vĩ mô và vi mô. Ngoài ra, chất lượng công tác thanh tra cần được nâng cao theo hướng bảo đảm kỷ luật thị trường và có cơ chế cưỡng chế thực thi các quy định pháp lý.

Cần tăng cường năng lực can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính

Thời gian gần đây, mô hình quản lý thị trường tài chính của một số quốc gia có được điều chỉnh theo hướng phân công lại chức năng, vai trò giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa trung ương và địa phương để phù hợp với thực tiễn thị trường. Đối với Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu các mô hình mới này và vận dụng phù hợp vào thực tiễn đất nước. Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán bên cạnh thị trường tiền tệ thì việc duy trì khuôn khổ ổn định tài chính và giám sát an toàn vĩ mô mang tính phân tán như hiện nay sẽ không phát huy được nhiều hiệu lực và hiệu quả. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là nghiên cứu ban hành Luật về ổn định tài chính để luật hóa tầm quan trọng của vấn đề này cũng như trách nhiệm của Nhà nước và các chủ thể đối với vấn đề ổn định tài chính và an toàn vĩ mô.

Về cơ bản, một cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Chính phủ để điều phối mọi vấn đề liên quan đến ổn định tài chính với các đối tượng điều chỉnh bao gồm các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, tài chính, bảo hiểm và cả các chủ thể kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhưng tiềm ẩn rủi ro tới sự ổn định của hệ thống tài chính trên phạm vi toàn quốc. Hình thành một quỹ của Nhà nước để can thiệp bảo đảm ổn định tài chính cũng là một công cụ hữu hiệu để giúp xử lý các rủi ro mang tính hệ thống một cách kịp thời, giúp nhanh chóng hạn chế rủi ro lan truyền và ổn định niềm tin của nhà đầu tư. Bên cạnh cơ quan mới này, vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bảo hiểm tiền gửi trong quá trình giám sát và đặc biệt là can thiệp xử lý khủng hoảng cũng cần được nâng cao hơn nữa.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82157