Tăng cường hợp tác Việt Nam - Pháp về giáo dục và đào tạo

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 11/7, tại thủ đô Paris, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc và ông Thomas Jeanjean, Phó Tổng giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris Île-de-France (CCI Paris Île-de-France) đã đồng chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Ủy ban định hướng Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý (CFVG).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc và ông Olivier Brochet, Tổng Giám đốc cơ quan phụ trách giảng dạy của Pháp ở nước ngoài (AEFE).

Đây là cuộc họp nhằm đánh giá lại quá trình 30 năm hình thành và phát triển của trung tâm, đồng thời trao đổi về nội dung thỏa thuận hợp tác cho giai đoạn 2023-2028. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Nicolas Warnery, cùng đại diện CFVG, CCI Paris Île-de-France và một số trường đại học đối tác của Pháp đã tham dự sự kiện này.

Tại cuộc họp, hai bên đã đánh giá cao nỗ lực của CFVG trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn sau đại dịch COVID-19 và ghi nhận thành công trong triển khai các chương trình đào tạo của CFVG suốt hơn 30 năm qua. Hai bên nhất trí tiếp tục phát triển các hoạt động của CFVG thông qua thỏa thuận hợp tác mới giữa hai Chính phủ cho giai đoạn 2023-2028. Mỗi bên sẽ đẩy nhanh việc lấy ý kiến và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm ký kết được thỏa thuận mới nối tiếp thỏa thuận hiện hành sẽ hết hiệu lực ngày 10/10/2023.

Theo đánh giá của ông Thomas Jeanjean, CFVG là một hình mẫu điển hình trong hợp tác đại học giữa Pháp và Việt Nam. Cơ sở đào tạo này cho phép các trường đại học ở Pháp và châu Âu hiện diện ở Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để các sinh viên Việt Nam theo học tại trụ sở chính của các trường và khi tốt nghiệp sẽ có hai văn bằng của Pháp và Việt Nam. Bên cạnh đó, trung tâm cũng giúp cho Việt Nam thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến ở châu Âu, đồng thời giúp các cơ quan đại học ở châu Âu hiểu và biết đến Việt Nam nhiều hơn.

Ông Thomas Jeanjean đánh giá CFVG thực sự là một mô hình hợp tác đôi bên cùng có lợi và bày tỏ hy vọng thỏa thuận hợp tác về đạo tạo của CFVG sẽ sớm được ký kết lại. Điều này sẽ mang lại một cơ hội tuyệt vời để trung tâm có thể tạo ảnh hưởng và uy tín cao hơn nữa ở Việt Nam cũng như ở châu Âu, nhất là khi được trao quyền tự chủ nhiều hơn để có thể đổi mới, phát triển thêm nhiều hình thức đào tạo phong phú, tăng cường mối quan hệ với các trường đại học tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, góp phần củng cố mối quan hệ với hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội tốt để CFVG tỏa sáng ở Việt Nam cũng như vươn tới châu Âu.

Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý (CFVG) được thành lập năm 1992 theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua hoạt động sáng tạo và phổ biến kiến thức về các lĩnh vực quản lý và quản trị kinh doanh, đặc biệt là các chương trình đào tạo và nghiên cứu quốc tế chất lượng cao. Trong 30 năm qua, CFVG đã đào tạo được hơn 3.500 sinh viên Việt Nam thuộc các trình độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ về các lĩnh vực này. CFVG hiện có hai cơ sở đào tạo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, được điều hành bởi Phòng Thương mại Công nghiệp Paris Ile-de-France, cơ quan chủ quản của một mạng lưới các Trường kinh doanh với năng lực đào tạo xuất sắc tại châu Âu. Đối tác tại Việt Nam của CFVG là Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh, là hai trường đại học hàng đầu về kinh tế và quản lý của Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp, ngày 12/7, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã có buổi gặp và làm việc với ông Olivier Brochet, Tổng Giám đốc cơ quan phụ trách giảng dạy của Pháp ở nước ngoài (AEFE).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã đánh giá cao các chương trình hợp tác với các trường đại học của Pháp, cảm ơn chính phủ nước này, thông qua Đại sứ quán tại Việt Nam, luôn đồng hành cùng Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc hỗ trợ các hoạt động hợp tác, nổi bật như Chương trình các lớp song ngữ tiếng Pháp tại Việt Nam, Dự án Trung tâm Pháp -Việt đào tạo về quản lý (CFVG), Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV)... Thứ trưởng cũng bày tỏ sự hài lòng về hoạt động và chất lượng của hai trường Pháp tại Việt Nam mà AEFE là cơ quan quản lý, là Alexandre Yersin tại Hà Nội và Marguerite Duras tại TP Hồ Chí Minh, cam kết sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các hoạt động của hai trường này.

Với mong muốn thúc đẩy chương trình giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị phía bạn tăng cường hỗ trợ trong việc đào tạo giáo viên tiếng Pháp phổ thông và giảng viên đại học cũng như cử giáo viên người Pháp hoặc Pháp ngữ tham gia giảng dạy ở các trường ở Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo sức hút cho người học. Thứ trưởng mong sớm gặp lại ngài Olivier Brochet tại Hà Nội khi ông đảm nhận cương vị Đại sứ Pháp tại Việt Nam trong thời gian tới và hai bên sẽ có các cuộc trao đổi cụ thể hơn để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tại Paris, ông Olivier Brochet cam kết sẽ lưu tâm đến hợp tác giáo dục không chỉ với vai trò một nhà ngoại giao, đại diện cho nước Pháp tại Việt Nam trong thời gian tới, mà với cả tâm huyết của một giáo sư đã từng đứng trên bục, giảng dạy về khoa học lịch sử - địa lý và quan hệ quốc tế tại các trường ở Pháp.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết chuyến thăm và làm việc diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược, đồng thời cũng là dịp CFVG kỷ niệm 30 năm thành lập. Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc , hợp tác giáo dục Việt Nam - Pháp khá thành công, mà thành quả là Trung tâm CFVG, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội gọi tắt là Đại học Việt Nam, phía Pháp đã cấp nhiều học bổng chính phủ cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo giảng viên, tiến sĩ góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời giúp tăng cường giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam...

"Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực giáo dục còn rất nhiều và hai bên đã thống nhất sẽ đệ trình lên hai chính phủ để ký kết Hiệp định về hợp tác giáo dục giữa hai nước trong thời gian tới, mở ra những triển vọng hợp tác sâu rộng tốt đẹp, đúng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, theo tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục - đào tạo và hội nhập quốc tế", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc làm việc với ông Olivier Brochet, Tổng Giám đốc cơ quan phụ trách giảng dạy của Pháp ở nước ngoài (AEFE).

Về phần mình, ông Olivier Brochet cho rằng mọi lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đều rất quan trọng, nhưng với cương vị hiện nay là Tổng Giám đốc cơ quan phục trách giảng dạy của Pháp ở nước ngoài (AEFE), đồng thời với vai trò sẽ là Đại sứ Việt Nam tại Pháp trong vài tuần tới, ông coi hợp tác giáo dục là một trong những nội dung cần ưu tiên vì đó là lĩnh vực sống còn, là sự nghiệp chung hướng tới giới trẻ hai nước và cũng là tương lai của mối quan hệ giữa hai dân tộc. "Tôi rất quan tâm đến các đề xuất của Thứ trưởng về việc hợp tác để đổi mới, lan tỏa và nâng cao công tác giáo dục đào tạo và tất nhiên khi tôi đảm nhiệm cương vị mới ở Hà Nội, lĩnh vực này sẽ là công việc ưu tiên mà tôi muốn thúc đẩy sớm nhất", ông khẳng định.

Về nội dung dự thảo Hiêp định về hợp tác giáo dục giữa hai nước đang được tiến hành chuẩn bị, ông cho biết thêm rằng hiệp định sẽ đề cập đến hai trường Pháp tại Việt Nam, Viện đào tạo giáo dục Pháp trong khu vực mà Chính phủ Pháp dự định đặt tại Hà Nội và coi đó là trung tâm đào tạo giáo viên Pháp cho khu vực châu Á. "Hiệp định cũng sẽ đề cập đến tất cả những điều mà chúng tôi mong muốn làm, trong đó có đẩy mạnh công tác giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam và tiếng Việt tại Pháp, và chúng tôi hy vọng sẽ sớm đạt được kết quả trên tinh thần của tình hữu nghị Pháp-Việt bởi vì năm nay cũng là dịp hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược".

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Cộng hòa Pháp từ 10-14/7, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đến thăm và trao đổi kinh nghiệm tại một số cơ sở đào tạo đại học hàng đầu tại Pháp như trường Đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne và Trường Thương mại cao cấp ESCP Europe Business School.

Bài, ảnh: Thu Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/tang-cuong-hop-tac-viet-nam-phap-ve-giao-duc-va-dao-tao-20230713162544019.htm