TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT THƯỜNG XUYÊN TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH

Tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về việc triển khai kế hoạch công tác năm 2023 vừa qua, các thành viên Ủy ban đã nêu ra một số vấn đề trong việc triển khai chức năng, nhiệm vụ đòi hỏi phải được chú trọng hơn như giám sát thường xuyên về việc lập dự toán, thực hiện dự toán tại các địa phương, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chủ động rà soát, đôn đốc các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ lập pháp.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG VIỆC NĂM 2023

Chủ động làm việc theo chuyên đề với các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật

Báo cáo kế hoạch công tác của Ủy ban Tài chính – Ngân sách năm 2023 và dự kiến triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, trong công tác lập pháp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách được giao chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; đặc biệt, phối hợp với Ủy ban Kinh tế thẩm tra, tiếp thu, giải trình các nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách của Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo kế hoạch công tác của Ủy ban Tài chính – Ngân sách năm 2023 và dự kiến triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo kế hoạch công tác của Ủy ban Tài chính – Ngân sách năm 2023 và dự kiến triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Liên quan đến dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến cụ thể với dự thảo Luật. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đã phối hợp với cơ quan soạn thảo để tổ chức làm việc theo chuyên đề về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau; tiến hành rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Để kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo Luật, trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục có các buổi làm việc với Ban soạn thảo, các đối tượng chịu sự tác động về nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình và một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau; hoàn thiện Báo cáo giải trình tiếp thu và dự thảo luật để báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng sẽ chủ động nghiên cứu, tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan, tổ chức các hội thảo, tọa đàm để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số bất cập, tồn tại gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân tại các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Chủ trì thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh - dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới. Chủ trì thẩm tra báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm theo Nghị quyết số 22/2021/QH15 và báo cáo lộ trình hoàn thiện Báo cáo tài chính nhà nước.

Đối với các hoạt động liên quan đến ngân sách, bên cạnh thực hiện các nội dung theo thông lệ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ thẩm tra báo cáo đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia, vay và trả nợ công và nhiều nội dung khác theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Cho ý kiến tại buổi làm việc, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách bày tỏ băn khoăn về tiến độ chuẩn bị các dự án luật của các cơ quan. Các đại biểu cho biết, tính đến Kỳ họp thứ 5 sẽ là một nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ hoàn toàn chưa trình hồ sơ kiến nghị để đưa vào hoặc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật,pháp lệnh năm 2023 các dự án sửa đổi, bổ sung một số luật thuế. Mặc dù sự cần thiết và lộ trình sửa đổi các luật thuế đã được phân tích rõ thông qua công tác rà soát các luật mà các cơ quan của Chính phủ đã triển khai. Các đại biểu cho rằng nếu không khẩn trương đưa các nội dung này vào Chương trình xây dựng pháp luật một cách chính thức, thì khó có thể thực hiện được nhiệm vụ hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực thuế theo tinh thần Kết luận số 19/KL-TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Nhấn mạnh tiến độ rà soát, đề xuất xây dựng luật như vậy là quá chậm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp, đôn đốc các cơ quan liên quan của Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất. Với mục tiêu sửa đổi đồng bộ các luật về thuế và đổi mới trong quản ký ngân sách nhà nước, tăng cường phân cấp, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Chuẩn bị từ sớm, từ xa hướng đến rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm

Tại buổi làm việc các thành viên Ủy ban đều bày tỏ lo ngại khi tiến độ trình của Chính phủ và các cơ quan hữu quan còn chậm trễ. Điều này đòi hỏi sự chủ động theo dõi, đôn đốc của Ủy ban. Tuy nhiên, sự chủ động của Ủy ban và các đại biểu bị ảnh hưởng do hạn chế trong tiếp cận thông tin. Thông tin chủ yếu đến từ báo cáo và hoạt động giám sát, trong khi giám sát thường xuyên chưa được thực sự chú trọng. Do đó, cần có kế hoạch chi tiết nhiệm vụ từ nay đến kì họp để cụ thể hóa lộ trình triển khai các công việc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân phát biểu tại buổi làm việc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân phát biểu tại buổi làm việc

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị trong công tác giám sát thường xuyên của Ủy ban, ngoài nội dung giám sát thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, trong thời gian tới đây cần chú trọng giám sát công tác xây dựng dự toán thu ngân sách từ sớm từ xa, từ những bước đầu tiên trong quy trình xây dựng dự toán thu hàng năm, nhằm khắc phục việc xây dựng dự toán thu không sát thực tế đã được đề cập tại các báo cáo thẩm tra của Ủy ban trong những năm gần đây. Đồng thời, tăng cường kỷ cương công tác gửi báo cáo, hồ sơ đúng thời hạn của các cơ quan của Chính phủ, đảm bảo thời gian và chất lượng thẩm tra.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân nhấn mạnh lập pháp và giám sát là 2 mặt của vấn đề. Nếu như lập pháp là đặt ra các quy tắc xử sự thì giám sát là kiểm tra lại việc đặt ra các quy tắc xử sự đó đã phù hợp chưa. Do đó, trong thực hiện chức năng của mình, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng như các cơ quan của Quốc hội cần phải chủ động hơn trong lập phá và giám sát. Trong đó, đối với giám sát, không chỉ giám sát hiện trường cũng cần chú trọng giám sát văn bản, giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi quan tâm đến những nội dung giám sát thường xuyên như tình hình triển khai lập và thực hiện dự toán, quyết toán. Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Ủy ban ít triển khai giám sát trực tiếp tại các địa phương về các nội dung này mà giám sát thông qua văn bản, báo cáo của các cơ quan liên quan. Trong thời gian tới, Ủy ban cần đẩy mạnh hơn các hoạt động giám sát thường xuyên này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi

Nhấn mạnh, cần lưu ý đến xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của các địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi chỉ rõ thực tế tại một số địa phương có hiện tượng lập dự toán giảm dần qua từng năm, số dự toán năm sau thấp hơn số ước thu của năm trước trong khi thực tế số thực thu lại lớn hơn nhiều, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương không có biến động. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng cần tập trung hơn giám sát việc xây dựng dự toán từ sớm tránh trường hợp khi trình thẩm tra mới xem xét, cho ý kiến không giải quyết thực chất vấn đề.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao việc Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã hoàn thành khối lượng công việc lớn trong năm 2022 với chất lượng tốt, một số đổi mới đã mang lại những hiệu quả cụ thể.

Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước cần đi vào chi tiết, nói rõ quan điểm; báo cáo về lập dự toán ngân sách Nhà nước phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, nâng cao tính phản biện, chủ động nắm bắt thông tin ngay từ khâu lập dự toán của các bộ, ban ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo

Nêu thực tế thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước hiện vẫn kéo dài đến 18 tháng là còn chậm, không giúp ích nhiều cho việc lập dự toán ngân sách hàng năm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần chuẩn bị từ sớm, từ xa đối với việc thẩm tra báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm theo Nghị quyết số 22/2021/QH15 và báo cáo lộ trình hoàn thiện Báo cáo tài chính nhà nước. "Đây là nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ khóa XV của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cần sớm tổ chức hội thảo, hội nghị về nội dung này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ rõ.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73008