Tăng cường đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Đây là yếu tố quan trọng để người lao động tự tạo việc làm, sinh kế, thoát nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã có nhiều giải pháp trong việc đào tạo nghề, hỗ trợ vốn và tư vấn việc làm phù hợp cho người lao động, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội địa phương.

Có nghề, có việc làm và thu nhập

Ông Phạm Tâm Đê, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: Năm 2023, sở đã tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 21 ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân ở vùng đồng bào thiểu số theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 8.221 người, đạt 102,7% so với kế hoạch. Trong đó, đào tạo nghề trình độ cao đẳng 711 người; trung cấp 1.637 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 5.873 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 76,04% (đạt 100,05% so với kế hoạch), trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,01% (đạt 100,03%).

Ông Hoàng Minh Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên cho biết: Năm 2023, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo nghề vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Trong đó, hệ trung cấp 106 học viên (đạt 106%); hệ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho 326 học viên (đạt tỉ lệ 109%)). Các nghề được đào tạo gồm: Kỹ thuật trồng sắn, trồng mía; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò; dệt thổ cẩm truyền thống; kỹ thuật chế biến món ăn.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên, triển khai công tác đào tạo nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong năm qua, trung tâm đã mở 9 lớp dạy nghề chăm sóc da, kỹ thuật chế biến món ăn, lái xe, giúp hàng trăm lao động có tay nghề, có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Chị Lê Thanh Liễu, phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa), vừa học xong lớp nghề kỹ thuật chăm sóc da được tổ chức tại địa phương, cho hay nhờ có lớp đào tạo nghề dành cho phụ nữ này và chỉ trong thời gian 2 tháng chị đã làm được ngành nghề yêu thích. “Những ngày tháng Chạp này, tôi phụ làm tại tiệm gần nhà, ngày kiếm được 50.000-70.000 đồng, trang trải cuộc sống và mua sắm tết”, chị Liễu bộc bạch.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lam Phương, bên cạnh phối hợp dạy nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm còn tư vấn tại hộ gia đình, tư vấn cho người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; cung cấp thông tin thị trường lao động và giới thiệu việc làm cho từng đối tượng. Ngoài ra, trung tâm còn chủ động tìm kiếm nguồn lao động phù hợp để cung ứng cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Người lao động làm việc tại Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp (Khu công nghiệp Hòa Hiệp, TX Đông Hòa). Ảnh: KIM CHI

Hỗ trợ cho vay vốn

Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để phát triển kinh tế, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên triển khai hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn.

Nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, nguồn vốn này còn giúp người dân thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất cho 701 hộ nghèo với số tiền 34,404 tỉ đồng; 1.921 hộ cận nghèo với 96,271 tỉ đồng; 400 hộ mới thoát nghèo với số tiền 20,824 tỉ đồng”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên cho biết.

Cùng với đó, để thu hút nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết đầu ra. Các hoạt động như: Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng hoặc theo nhu cầu xã hội... được đẩy mạnh, nhằm giúp học viên sau khi đào tạo có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định.

Theo ông Nguyễn Hữu Từ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, phát huy những kết quả đạt được, tỉnh sẽ tiếp tục đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề và triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề năm 2024. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình. Khuyến khích liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề dạy lý thuyết, tổ chức thực tập tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiếp nhận học sinh, sinh viên tốt nghiệp vào làm việc...

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/312910/tang-cuong-dao-tao-nghe-tao-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong.html