Tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh các trường học

Bên cạnh các hoạt động giáo dục, việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học là vấn đề không những được các cơ sở giáo dục (CSGD) mà cả xã hội quan tâm, đặc biệt là trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc mất an toàn cho trẻ xảy ra trong và ngoài nhà trường.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Đã hơn 3 ngày trôi qua, tuy nhiên dư luận không khỏi bàng hoàng trước sự việc một người đàn ông cầm dao xông vào Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên, phường 5, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Theo lãnh đạo nhà trường, mặc dù sự việc xảy ra khá bất ngờ nhưng bằng kinh nghiệm, giáo viên của trường đã xử trí tốt tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn cho các cháu. Ngay sau đó, đối tượng đã bị lực lượng Công an khống chế, các hoạt động của nhà trường đã trở lại bình thường. Nhà trường đã thắt chặt an ninh để đảm bảo an toàn cho trẻ học tại trường, chính vì vậy phụ huynh hãy an tâm, không nên quá hoang mang.

Sự việc xảy ra ở Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên là hồi chuông báo động, đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ mất an toàn trường học. Trên thực tế, cả nước nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng, trong thời gian gần đây đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tích, mất an toàn trong các CSGD.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 188 trường mầm non, 178 trường tiểu học, 123 trường THCS và 38 trường THPT, chưa kể các trường, nhóm lớp mầm non ngoài công lập. Thực tế cho thấy, tại nhiều trường học đã tồn tại nhiều vấn đề gây nguy cơ mất an toàn, an ninh trật tự trường học cần được tháo gỡ. Công tác quản lý của một số nhà trường còn lỏng lẻo, chưa quan tâm tốt đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học.

Một trong những biểu hiện đó là, mặc dù trường nào cũng có lực lượng bảo vệ nhưng đội ngũ này lại không bảo đảm các yếu tố cần thiết về kỹ năng kịp thời ngăn chặn các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Một số lãnh đạo nhà trường còn lúng túng khi giải quyết sự việc xảy ra.

Tuyên truyền xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường tại Trường THPT Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình với các ban, ngành liên quan ở địa phương chưa được thường xuyên và kịp thời. Không ít phụ huynh giao phó trách nhiệm cho thầy, cô giáo trong khi giáo viên chỉ quan tâm cung cấp kiến thức mà chưa quan tâm đến diễn biến tư tưởng của học sinh để kịp thời động viên, uốn nắn; còn chính quyền địa phương thì chỉ vào cuộc khi sự việc đã ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường. Không những vậy, tại một số trường, cơ sở vật chất trang bị cho các hoạt động giáo dục còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu để đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự trong nhà trường.

Anh N.V.T., nhà ở phường 1, TP. Mỹ Tho cho biết, là người trong lĩnh vực văn phòng phẩm, anh thường xuyên đi đến rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Mặc dù dừng xe trước cổng trường để liên hệ công tác, tuy nhiên tại nhiều CSGD, anh phải đứng chờ đợi vì không liên hệ được bảo vệ. Mặc dù vào giờ hành chính, nhưng một số bảo vệ chạy về nhà, một số bảo vệ chạy đi mua đồ, còn một số thì bận việc khác. Thật sự nguy cơ mất an an ninh trường học là rất cao, nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp thì rất khó để xử lý.

TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP

Đã đến lúc, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học cần được ngành Giáo dục đảm bảo ở mức độ cao nhất. Cuối tháng 3-2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ký Công văn 1369 về việc tăng cường bảo đảm an toàn trường học. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26-1-2024 về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội tại khu vực trường học. Thực hiện tốt chế độ giao ban công tác an ninh, trật tự, an toàn trường học với chính quyền và CSGD.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết: Sự việc vừa qua xảy ra ở trường mầm non trên địa bàn TP. Mỹ Tho đã để lại bài học trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các trường học. Trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường chỉ đạo các CSGD thực hiện nghiêm túc, tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh trường học. Tăng cường thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục tốt học sinh.

Bên cạnh đó, các CSGD cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, cảnh báo về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học; nguy cơ tội phạm tấn công khi để lọt, lộ không tin cá nhân; thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng các sản phẩm độc hại, chất gây nghiện để giáo viên, học sinh và gia đình học sinh đề cao cảnh giác và tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, công tác đảm bảo an toàn, an ninh trường học luôn được ngành Giáo dục tỉnh chú trọng, chỉ đạo các trường thực hiện một cách nghiêm túc. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng mất an toàn trường học như: Cháy nổ, công trình xuống cấp, ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, bạo lực học đường, các tệ nạn xã hội, thiên tai bão lũ… Từ đó, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Theo Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính (Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Hoàng Tấn, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã ban hành 7 văn bản nhằm tăng cường đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại các CSGD. Việc thiết lập một cơ chế đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe và tính mạng cho thầy, cô và học sinh là việc làm cần thiết; trong đó vai trò của các thủ trưởng đơn vị là rất cần thiết. Các CSGD cần phối hợp tốt với lực lượng Công an cũng như ngành chức năng địa phương xây dựng, diễn tập phương án ứng phó với mọi tình huống, tránh bị động khi có sự việc xảy ra.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ, huyện Tân Phước Phạm Thị Ngọc Điệp cho biết: Vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học được nhà trường đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đảm bảo nghiệp vụ, chuyên môn, với bậc học mầm non, nhà trường tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào trường, không giao trẻ cho người lạ, người chưa được cha mẹ trẻ thông báo trước. Hơn bao giờ hết, các trường cần lắp hệ thống camera giám sát, lưu giữ số đường dây nóng hay điện thoại liên lạc của các ngành chức năng như Công an, UBND cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn để khi có sự việc xảy ra sẽ xử lý kịp thời.

Theo cô Phạm Thị Ngọc Điệp, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn trường học rất cần sự quan tâm đúng mức từ cả cộng đồng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, không thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc, tất cả với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phát triển trí tuệ, thể chất cho học sinh.

Đ.PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202403/tang-cuong-dam-bao-an-toan-an-ninh-cac-truong-hoc-1004667/