Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra trong lĩnh vực hóa chất

Cục Hóa chất xác định, việc thanh tra chuyên ngành, kiểm tra trong lĩnh vực hóa chất là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

Vẫn còn vi phạm

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), trên thực tế kết quả công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra của Cục Hóa chất trong các năm qua phát hiện ngày nhiều các hành vi thực hiện khai báo hóa chất không đúng thông tin và thực tế hoạt động nhập khẩu hóa chất.

Thực trạng này có nguy cơ gây giảm hiệu quả công tác kiểm soát các loại hóa chất nguy hiểm đặc biệt các loại hóa chất có thể bị lạm dụng vào các mục đích không phù hợp gây bức xúc trong dư luận thời gian qua như N2O (khí cười), các hợp chất xyanua, các tiền chất công nghiệp (có thể được sử dung trong quá trính sản xuất các loại ma túy tổng hợp)…

Cục Hóa chất đã nhận định công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra là một nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết phù hợp với xu hướng chuyển hoạt động quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Cục Hóa chất đã nhận định công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra là một nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết phù hợp với xu hướng chuyển hoạt động quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Quy định tại Luật Hóa chất hiện nay đang tập trung nhiều vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp khi kinh doanh một loại hóa chất có thể phải thực hiện khai báo khi nhập khẩu; phải có giấy phép hoặc giấy chứng nhận để được thực hiện kinh doanh; phải lập phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc với từng lần mua hoặc bán. Trong khi đó, các quy định đối với hoạt động sử dụng hóa chất chưa đảm bảo được hiệu lực quản lý, các quy định về vận chuyển, thải bỏ hóa chất còn chung chung dẫn đến chưa đồng bộ quản lý trong toàn bộ chu trình vòng đời của hóa chất.

Trong khi đó, nhiều hóa chất nguy hiểm trong công nghiệp nhưng được sử dụng sai mục đích (hóa chất công nghiệp nhưng sử dụng trong chế biến thực phẩm; các loại dung môi trong ngành sơn, in ấn bị lợi dụng pha vào xăng, dầu; tiền chất công nghiệp có nguy cơ sử dụng trong pha chế chất ma túy trái quy định…) gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc quản lý hóa chất theo danh mục dựa trên mức độ nguy hại của hóa chất bộc lộ những hạn chế, các danh mục hóa chất vừa thừa vừa thiếu, nhiều hóa chất nguy hiểm chưa có trong danh mục nào, trong khi nhiều hóa chất trong danh mục rất ít có mặt ở Việt Nam. Thông tin trong các danh mục hóa chất chưa đầy đủ, thống nhất, việc tra cứu, rà soát hóa chất trong các danh mục gặp nhiều khó khăn.

Việc thực hiện tiền kiểm với đối tượng doanh nghiệp, hóa chất lớn dẫn đến khối lượng thủ tục hành chính tại một số địa phương gây áp lực cho việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp sau cấp phép.

Các danh mục hóa chất chỉ dựa trên mức độ nguy hại của hóa chất và không dựa trên thực tế hoạt động hóa chất sẽ làm tiêu tốn nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp dẫn tới không tập trung được vào các loại hóa chất có nguy cơ cao. Việc nguồn nhân lực hạn chế dễ dẫn tới không kiểm soát chặt chẽ các loại hóa chất thuộc danh mục, gây ra tâm lý coi thường quy định của các doanh nghiệp, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Mức độ kiểm soát đối với các hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện với mức độ nguy hại khác nhau chưa có sự khác biệt rõ rệt.

Nêu vấn đề, ông Phạm Huy Nam Sơn- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, hoạt động hóa chất được diễn ra trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau có những hóa chất được sử dụng trong các hoạt động thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm quản lý hóa chất giữa các cơ quan, đơn vị theo mục đích, lĩnh vực sử dụng không phù hợp với tính lưỡng dụng của hóa chất. “Nội dung quy định về trách nhiệm quản lý hóa chất giữa các cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng, chồng chéo gây khó khăn trong việc xác định được hóa chất, doanh nghiệp thuộc cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý (Nông nghiệp, Công Thương, Y tế)”- lãnh đạo Cục Hóa chất nêu.

Tập trung các giải pháp mạnh

Cục Hóa chất, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi khoản thu lợi bất hợp pháp đối với các hành vi trên. Để chấn chỉnh hiện tượng này, ngăn chặn các hành vi vi phạm, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đối về hóa chất, hoạt động kiểm tra đặc biệt là thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động hóa chất cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Từ kết quả thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành, kiểm tra do Cục thực hiện và theo dõi phản ánh của các Sở Công Thương, doanh nghiệp, Cục Hóa chất nhận định từ sau khi Nghị định số 71/2019/NĐ-CP có hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động hóa chất của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương đã có sự cải thiện rõ rệt

Với đặc điểm lưỡng dụng của mình, các loại hóa chất được sử dụng rộng rãi trong tất cả mọi mặt của cuộc sống với các mục đính khác nhau như: sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu dùng, chất xử lý môi trường, sản phẩm phục vụ nông nghiệp y tế… Hóa chất khi được quản lý sử dụng đúng cách sẽ đem lại lợi ích xã hội, sức khỏe và an toàn môi trường, ngược lại sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường; nhiều hóa chất có tính lưỡng dụng và do các Bộ, ngành khác nhau quản lý, vì vậy công tác quản lý hóa chất cần sự phối hợp liên quan của nhiều bộ, ngành, phạm vi đối tượng thanh tra trong lĩnh vực hóa chất theo yêu cầu quản lý cũng đa dạng và phức tạp trải rộng nhiều địa bàn trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, một số loại hóa chất phải giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng trên thị trường ví dụ như tiền chất công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp. Việc thanh tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân liên quan các loại tiền chất từ khâu nhập khẩu, vận chuyển và kinh doanh cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương và của các lực lượng như Công an, quản lý thị trường và Hải quan các tỉnh, thành phố để hạn chế, ngăn chặn việc sử dụng tiền chất vào các hoạt động bất hợp pháp như sản xuất ma túy, gây mất trật tư an ninh, xã hội.

Các hoạt động vi phạm trong lĩnh vực hóa chất hiện nay hết sức đa dạng và phức tạp, có thể kể đến như: Khai báo hóa chất nhập khẩu, huấn luyện an toàn hóa chất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, thất thoát tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ… Hoạt động thanh tra chuyên ngành, kiểm tra cần làm rõ nhiều vấn đề phức tạp về kỹ thuật như: Thực hiện quy định về phân loại và ghi nhãn hóa chất (sử dụng Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất GHS), thực hiện các quy định đối với kho chứa hóa chất… Yêu cầu trên đòi hỏi chuyên viên thực hiện nhiệm vụ bên cạnh các kiến thức, kỹ năng về thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính còn cần có sự hiểu biết, năm rõ các kiến thức về kỹ thuật, quy định quản lý hóa chất.

Cục Hóa chất đã nhận định công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra là một nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết phù hợp với xu hướng chuyển hoạt động quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời đây cũng là một nhiệm vụ phức tạp cẩn phải triển khai thận trọng để đảm bảo hiệu quả, tránh sai sót.

Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, Cục Hóa chất xác định việc hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất đáp ứng nhu cầu quản lý là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện. Trong quá trình thực hiện các hoạt động thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, Cục Hóa chất đã đánh giá hiệu quả việc thưc hiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất hiện thời và nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các quy định phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Đặc biệt tại Nghị định số17/2022/NĐ-CP, Cục Hóa chất đã tham mưu ban hành quy định theo hướng ngày càng chặt chẽ, chi tiết từng hành vi, tăng mức xử phạt đối với các hành vi và mở rộng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp cho nhiều cơ quan quản lý khác nhau từ cấp xã, phường tới các cơ quan trung ương.

Ông Phạm Huy Nam Sơn nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành các văn bản này đã tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho hoạt động thanh, kiểm tra của Cục Hóa chất mà còn của cơ quan quản lý các cấp góp phần tăng cường hiệu quả của hoạt động này trên phạm vi cả nước.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-cong-tac-thanh-tra-chuyen-nganh-kiem-tra-trong-linh-vuc-hoa-chat-298613.html