Tăng cường công tác đối ngoại để phát triển đất nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 5 đến ngày 11/3 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Australia và New Zealand trên cương vị mới, là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến hai nước sau hơn 7 năm qua, nhằm tiếp tục tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII.

Đây là một trong những sự kiện đặc biệt về quan hệ đối ngoại, khẳng định thêm quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đối ngoại. Nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước, trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; trong đó 3 nước có "Quan hệ đặc biệt", 17 nước "Đối tác chiến lược" và 13 nước "Đối tác toàn diện". Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Australia và New Zealand.

Đảng ta cũng đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia và tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn nghị viện quốc tế quan trọng.

Riêng đối với ASEAN, ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 tại Brunei. Đây là quyết sách chiến lược rất đúng đắn của Đảng. 29 năm qua, với phương châm "tích cực, chủ động và có trách nhiệm", Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ASEAN, tạo nền tảng để xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết trên 3 trụ cột; duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong nội khối, củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, tháng 12/1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp hội nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN năm 2020. Việt Nam đã làm Chủ tịch ASEAN 3 lần và đều để lại những dấu ấn đậm nét.

Việt Nam cũng đã thúc đẩy thành công việc kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar vào ASEAN, nhằm hiện thực hóa ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á. Với đầy đủ 10 nước thành viên không phân biệt sự khác biệt về hệ thống chính trị, ASEAN đã tạo ra một thế đứng mới, cùng nhau hợp tác, cùng nhau mở rộng quan hệ với bên ngoài, trở thành một lực lượng trung tâm trong các tiến trình đa phương của khu vực.

Đối ngoại đa phương Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đã đạt nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kế thừa sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm sâu sắc đến công tác đối ngoại.

Đảng ta xác định Việt Nam luôn chủ động, tích cực thực hiện công tác đối ngoại với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Quan điểm đó của Đảng từng bước được triển khai phù hợp trong từng giai đoạn lịch sử.

Đại hội XIII của Đảng (tháng 1/2021) đã khẳng định: "Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam".

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư đã ban hành một số văn bản quan trọng về lãnh đạo công tác đối ngoại. Trong đó có thể kể đến Nghị quyết số 34-NQ/TW, ngày 9/1/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; Kết luận 53-KL/TW, ngày 28/4/2023 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Kết luận 59-KL/TW, ngày 8/8/2023 của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030...

Đẩy mạnh và nâng tầm công tác đối ngoại là nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, đồng thời tranh thủ tối đa các điều kiện và nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tang-cuong-cong-tac-doi-ngoai-de-phat-trien-dat-nuoc-i724474/