Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em (CSGDBVTE) trên địa bàn huyện Đakrông luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể ở địa phương. Nhờ vậy, từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em, trẻ em nơi có điều kiện và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em ở địa phương.

Nhiều trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông được quan tâm, tạo điều kiện học tập và vui chơi phù hợp -Ảnh: M.L

Nhiều trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông được quan tâm, tạo điều kiện học tập và vui chơi phù hợp -Ảnh: M.L

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về công tác CSGDBVTE, đặc biệt là Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CSGDBVTE trong tình hình mới”, UBND huyện ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa chỉ thị; chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các xã, thị trấn lồng ghép triển khai quán triệt vào các hội nghị triển khai nghị quyết, các lớp học tập nghị quyết hằng năm cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn huyện; lồng ghép và thực hiện các mục tiêu vì trẻ em trong kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

Tập trung huy động mọi nguồn lực ưu tiên trong công tác CSGDBVTE. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác CSGDBVTE; thường xuyên nắm bắt thông tin và báo cáo với các ngành cấp trên để có sự chỉ đạo, định hướng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác CSGDBVTE; kịp thời phát hiện xử lý thông tin về tình hình trẻ bị xâm hại, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần được giúp đỡ, can thiệp.

Để đảm bảo cho trẻ em được phát triển toàn diện, huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền CSGDBVTE với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng như: tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các sân chơi bổ ích thông qua hội thi, diễn đàn trẻ em cấp huyện, cấp tỉnh, cắm trại hè; hướng dẫn xây dựng quy ước thôn không có tảo hôn; hương ước xây dựng khu dân cư văn hóa; phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em.

Triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư trong công tác CSGDBVTE...

Nhờ vậy, số trường đạt chuẩn quốc gia và tỉ lệ về phổ cập giáo dục (PCGD) ngày càng tăng. Nếu như cuối năm 2012, toàn huyện có 3 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 7,89% (1 trường mầm non ; 1 trường tiểu học; 1 trường THCS) thì cuối năm 2022, toàn huyện có 13 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 36,11% (6 trường mầm non, 4 trường tiểu học và 3 trường cấp THCS); 100% xã, thị trấn duy trì vững chắc kết quả PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, PCGD tiểu học; PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD THCS mức độ 1 và xóa mù chữ mức độ 1.

Hằng năm, trên địa bàn huyện duy trì việc mở các lớp dạy bơi, các hoạt động hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước...giúp cho nhiều trẻ em có kỹ năng bơi an toàn, chống đuối nước.

Công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện quyền trẻ em được thực hiện theo quy định, cụ thể: 100% chính sách về trẻ em ở cấp huyện được tham vấn ý kiến của trẻ em; 90% quyết định có liên quan đến trẻ em ở trong nhà trường và cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến của trẻ em.

Được sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nhân đạo từ thiện trong và ngoài nước, công tác CSGDBVTE trên địa bàn huyện có sự chuyển biến rõ nét, đời sống của trẻ em ngày càng được nâng cao, tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp đạt 100%. Các xã, thị trấn tích cực triển khai có hiệu quả các mô hình bảo vệ trẻ em; mô hình phòng chống kết hôn trẻ em, câu lạc bộ trẻ em gái, câu lạc bộ thủ lĩnh tại cộng đồng.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng 12 mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng và 7 mô hình phòng chống kết hôn trẻ em với các hoạt động được triển khai như: truyền thông, tập huấn, diễn đàn, hội thi; có 12/13 xã, thị trấn thành lập câu lạc bộ trẻ em và có 62 câu lạc bộ với 1.402 trẻ em tham gia.

Thông qua các mô hình đã nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đối với công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống tảo hôn và đặc biệt là phát huy quyền tham gia của trẻ em trong cộng đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Đakrông tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của nhà nước đối với trẻ em và lồng ghép các chỉ tiêu về công tác CSGDBVTE vào chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm của địa phương. Phấn đấu có 100% xã, thị trấn phù hợp trẻ em.

Tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, hài hòa về sức khỏe, trí tuệ, đạo đức, văn hóa, tinh thần; tăng cường bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em cho cộng đồng, gia đình và chính bản thân các em, hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.

Tiếp tục vận động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cả cộng đồng cùng chăm lo sự nghiệp CSGDBVTE, quan tâm hơn đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, trẻ em trong các gia đình nghèo.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Phối hợp xây dựng môi trường giáo dục kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các xã, thị trấn.

Kịp thời phát hiện, xử lý thông tin về trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp, can thiệp và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/tang-cuong-cong-tac-cham-soc-giao-duc-va-bao-ve-tre-em/180990.htm