Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh (HS) trong tình hình mới.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong trường học bằng hình thức sân khấu hóa.

Để triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn, giảm thiểu TNGT liên quan đến lứa tuổi HS trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:

Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm TTATGT trong lứa tuổi HS phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi HS trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền nếu đểtình hình TTATGT liên quan đến lứa tuổi HS xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT. Người vi phạm pháp luật về giao thông trong lứa tuổi HS phải được thông báo về trường học, nơi cư trú để phối họp quản lý, giáo dục. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh có dấu hiệu tội phạm theo đúng quy định của pháp luật. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên, HS, sinh viên điều khiển xe khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe theo quy định, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chở quá người, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe thành nhóm gây mất trật tự công cộng...

Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng cho lứa tuổi HS, như: điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy...

Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông cho lứa tuổi HS theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực,... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông trong lứa tuổi HS.

Huy động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT; đầu tư mở rộng, nâng cấp, bổ sung hệ thống camera giám sát tại các cổng trường học, dọc ven các đoạn đường thường xảy ra TNGT; tập huấn, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm bảo đảm TTATGT đểnâng cao năng lực tuyên truyền cho lứa tuổi HS; huấn luyện kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, cứu chữa nạn nhân là trẻ em trên các tuyến giao thông.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, rà soát, nghiên cứu bổ sung các nội dung giảng dạy về TTATGT cho HS trong trường học phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh trong việc góp ý xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh, tiếp tục tuyên truyên để xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục trong công tác bảo đảm TTATGT cho HS, trong đó: đưa nội dung chấp hành pháp luật về an toàn giao thông vào nội quy nhà trường, đưa nội dung bảo đảm TTATGT đối với HS là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên, nhân viên và đánh giá xếp loại rèn luyện đối với HS trong từng học kỳ, năm học trên địa bàn. Tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về bảo đảm TTATGT với các hình thức phù hợp: kiểm điểm, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Chỉ đạo, yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường hằng năm hoàn thành các chỉ tiêu: 100% cán bộ, đảng viên, nhân viên và HS trong các trường học được tham gia các hoạt động giáo dục về an toàn giao thông; 100% trường học xây dựng nội dung giáo dục an toàn giao thông lồng ghép vào các môn học trong chương trình chính khóa; 100% đội ngũ Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn Thanh niên được bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho HS; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS được tham gia các hoạt động gắn công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT với phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trong các đơn vị, trường học và tại nơi cư trú; 100% các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường phải ký cam kết thi đua; 100% các đơn vị, trường học tổ chức cho HS, cha mẹ HS, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; HS đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy đến trường phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để giảm thiểu chấn thương nếu không may xảy ra TNGT. Căn cứ tình hình thực tế, hằng năm lựa chọn mỗi cấp học 1 cơ sở giáo dục làm điểm về công tác bảo đảm TTATGT làm hình mẫu để nhân rộng, lan tỏa trên toàn tỉnh.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện tốt chương trình phối hợp với ngành giáo dục về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục; bảo đảm mỗi trường THPT, THCS, tiểu học mỗi học kỳ có ít nhất 1 buổi tuyên truyền, phổ biến về TTATGT. Phối hợp với ngành giáo dục hướng dẫn tổ chức cho các nhà trường, cha mẹ HS, HS, cán bộ, nhân viên ký cam kết thi đua chấp hành pháp luật về giao thông.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho HS; đối với những trường hợp HS vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có biện pháp xử lý và hình thức giáo dục phù hợp. Đối với các vụ TNGT liên quan đến HS phải khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn của HS.

Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học tại địa bàn tỉnh; trường hợp có bất cập thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành.

Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng thực hành sơ cấp cứu trẻ em bị thương tích khi tham gia giao thông (do tai nạn, đuối nước, vùi lấp, cháy bỏng...) cho nhân viên y tế các cơ sở khám, chữa bệnh, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và đội ngũ lái xe các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh.

Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông cho HS; xây dựng sổ tay về lập và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông cho trường học; tập huấn cho người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên chủ nhiệm; thí điểm tổ chức tập huấn về kiến thức và kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho HS THPT.

UBND các huyện, Thành phố ban hành kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trên địa bàn quản lý trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để tình hình TTATGT liên quan đến HS diễn biến phức tạp.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-cuong-cong-tac-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-cho-lua-tuoi-hoc-sinh-trong-tinh-hinh-moi-3167485.html