Tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1149/KH-UBND ngày 15/5/2024 về phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2024.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và kịp thời khắc phục hậu quả tại các địa bàn xảy ra thiên tai.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và kịp thời khắc phục hậu quả tại các địa bàn xảy ra thiên tai.

Nhằm chủ động trong công tác PCTT để ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất. Bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Kịp thời sơ tán dân, di dời tài sản ở các khu vực xung yếu (vùng có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất)đến nơi kiên cố, an toàn và ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống ứng phó với thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động PCTT của toàn dân trên địa bàn.

Nhiệm vụ trọng tâm công tác PCTT: Triển khai Luật Phòng thủ dân sự năm 2023; tiếp tục thực hiện Luật PCTT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác PCTTi; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chiến lược quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch PCTT quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022; Chương trình tổng thể PCTT quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022; Phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp, các ngành để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN ở mỗi cấp, mỗi ngành và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cùng cấp.

Xây dựng Kế hoạch nâng cao năng lực Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, đảm bảo giúp việc, tham mưu cho Ban Chỉ huy trong công tác phòng, chống thiên tai.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Chủ động PCTT, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2021-2025; Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh thiên tai".

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về PCTT, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thôn, khu dân cư để chủ động phòng, tránh có hiệu quả; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo kịp thời về diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai; nghiên cứu ứng dụng công nghệ dự báo, cảnh báo mưa trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành trong phòng, chống ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Thường xuyên cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường hay xảy ra tại địa phương.

Đẩy mạnh hoạt động hiệu quả Quỹ PCTT tỉnh, xây dựng kế hoạch, triển khai thu và sử dụng quỹ đảm bảo theo quy định…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực về PCTT của Ban Chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, Thành phố tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi, PCTT thuộc chức năng quản lý của ngành; tham mưu UBND tỉnh kế hoạch gia cố, tu sửa trước mùa mưa lũ.

Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, Thành phố thực hiện phương án, kế hoạch PCTT, phối hợp trong việc xử lý sự cố, khắc phục hậu quả đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi ở những vùng xảy ra thiên tai.

Đôn đốc UBND các huyện, Thành phố và các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm, vị trí xung yếu, phát hiện và xử lý, khắc phục kịp thời hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Tham mưu các giải pháp công trình và phi công trình trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp nhận và truyền phát các tin cảnh báo về diễn biến của khí tượng thủy văn, bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm để các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh chủ động phòng, tránh, ứng phó thiên tai.

Các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện các nội dung về PCTT theo kế hoạch đã được phân công.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chong-thien-tai-3169329.html