Tăng chi đầu tư công để tạo 'vốn mồi' kích thích vốn khu vực tư

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, PGS.TS Phạm Ngọc Dũng - nguyên Trưởng khoa Tài chính công (Học viện Tài chính), cho rằng tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chúng ta nên tiếp tục tăng chi tiêu công, đặc biệt là chi đầu tư phát triển để tạo 'vốn mồi' kích thích đầu tư từ khu vực tư nhân.

Thúc đẩy đầu tư công là một trong những giải pháp để phục hồi kinh tế. Ảnh: TL

PV: Trong những tháng đầu năm 2023, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi. Trong đó, các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất được đánh giá rất hiệu quả. Ông nhìn nhận thế nào về các chính sách này?

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng: Bước sang năm 2023, tình hình thế giới và trong nước diễn biến ngày càng phức tạp đã tác động tới nền kinh tế, đời sống của người dân và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, một loạt giải pháp đã được Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu và xây dựng.

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng

Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền miễn, giảm là 77,2 nghìn tỷ đồng và số tiền gia hạn là 121,2 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã đề xuất để Chính phủ và Quốc hội ban hành các nghị quyết, nghị định gia hạn, miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như: Cuối năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2023. Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm 2% thuế GTGT 6 tháng cuối năm 2023 với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%. Thủ tướng đã ban hành Quyết định 25/2023/QĐ-TTg ngày 3/10/2023 giảm tiền thuê đất của năm 2023. Mới đây, Bộ Tài chính đang xin ý kiến để tiếp tục giảm 2% thuế GTGT 6 tháng đầu năm 2024 hỗ trợ nền kinh tế…

Các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Dũng, với những tác động tích cực của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và những chính sách kinh tế vĩ mô khác đã giúp Việt Nam đạt được những kết quả nhất định: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, như tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng năm 2023 đạt 4,24%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,16%.

Có thể thấy, với những chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế trên đã có tác động tích cực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2023. Đặc biệt là đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong giai đoạn khó khăn, chính sách ưu đãi như giãn, hoãn thời gian nộp thuế rất quan trọng vì sẽ giúp doanh nghiệp tái đầu tư, trích lập quỹ dự phòng rủi ro, có dòng tiền để tái sản xuất.

Việc giảm thuế GTGT 2%, giảm tiền thuê đất liên quan đến cả chuỗi quá trình sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, giảm thuế GTGT sẽ làm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, giảm giá thành, qua đó giảm giá bán. Có thể thấy, việc giảm thuế này sẽ khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua nhiều hàng hóa dịch vụ hơn. Các doanh nghiệp sẽ tiêu thụ được hàng hóa, tiếp tục quá trình tái sản xuất.

PV: Theo ông, với chính sách giảm tiền thuê đất và tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và năm 2024 ra sao?

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng: Như đã phân tích ở trên, trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn rất phức tạp và khó lường, việc giảm tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 là rất cần thiết. Do những khó khăn của doanh nghiệp vẫn hiện hữu trước mắt, thị trường quốc tế sẽ tiếp tục có những khó khăn, diễn biến thị trường khó lường, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt.

Thị trường trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng của tình hình thế giới, thu nhập của người dân sẽ còn khó khăn, tổng cầu sẽ bị hạn chế, diễn biến của lãi suất thị trường cũng sẽ phức tạp… Do đó, việc triển khai thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT để giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá bán để tăng cường tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn để phục hồi sản xuất là rất thiết thực trong tình hình hiện nay.

Khi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được phục hồi đương nhiên sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó cũng chính là chính sách để bồi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước một cách lâu dài.

PV:Bên cạnh các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, cần phối hợp thêm những chính sách nào để phát huy hiệu quả hơn, thưa ông?

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng: Theo tôi, trong điều hành kinh tế vĩ mô cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đạt được hiệu quả cao nhất trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, bên cạnh các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, cần phối hợp thêm những chính sách kinh tế vĩ mô khác để phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa.

Trước hết, cần phải phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để cân đối cung - cầu tiền trong nền kinh tế, ổn định giá đồng Việt Nam, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường ổn định, công bằng để phát triển.

Đồng thời, chúng ta cần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm để kích cầu.

Cùng với đó, chúng ta nên tiếp tục tăng chi tiêu công, đặc biệt là chi đầu tư phát triển để tạo “vốn mồi” kích thích đầu tư từ doanh nghiệp và các hộ gia đình.

PV:Xin cảm ơn ông!

Tạo “cú hích” cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà sản xuất

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng cho hay, theo Tổng cục Thống kê, con số tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,63%, đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và năm 2022 (năm 2021 là 3,56%, năm 2022 là 6,06%). Trong tổng cầu tiêu dùng cuối cùng này, chi tiêu của hộ gia đình chiếm đến hơn 70%. Do đó, muốn kích cầu trong nước, phải làm sao cho người dân đẩy mạnh chi tiêu. Với chính sách giảm thuế GTGT 2% sẽ kích thích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Thuế GTGT là loại thuế gián thu được cấu thành vào giá của hàng hóa dịch vụ, khi giảm 2% thuế GTGT, người tiêu dùng cuối cùng được hưởng lợi. Như vậy, cùng một lượng tiền như trước đây, người tiêu dùng sẽ mua được số lượng hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn, từ đó làm cầu tăng lên, kích thích quá trình lưu thông hàng hóa dịch vụ. Điều này giúp doanh nghiệp tiêu thụ được nhiều hàng hóa dịch vụ, qua đó cũng tác động làm tăng cung.

Đặc biệt, tác động lan tỏa của giải pháp này rất lớn, đem đến sự phục hồi nhanh hơn cho doanh nghiệp. Với quy mô dân số 100 triệu người, mặc dù thuế GTGT chỉ giảm 2%, nhưng việc giảm thuế này sẽ thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước, tạo “cú hích” cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà sản xuất góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-chi-dau-tu-cong-de-tao-von-moi-kich-thich-von-khu-vuc-tu-138357.html