Tăng chất dòng vốn FDI

2014 được dự báo là 1 năm đầy thử thách đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vốn đăng ký dự án cấp mới trong tháng 1-2014 giảm gần 50% so với cùng kỳ có thể minh chứng cho điều đó. Tuy vậy, một dấu hiệu tích cực là những ngày đầu năm trên cả nước vẫn có các dự án quy mô vốn lớn nhận giấy chứng nhận đầu tư, tăng vốn hoạt động.

Dự báo khả quan

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong tháng 1-2014, cả nước có 40 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 211 triệu USD, bằng 47% so với cùng kỳ năm 2013.

Có 6 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 186 triệu USD, tăng 183% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 397 triệu USD, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2013. Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu là 3 địa phương dẫn đầu về thu hút FDI.

Tại Hải Phòng, dự án khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ Việt Nam - Singapore Hải Phòng (VSIP Hải Phòng) mới đây đã nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để nâng vốn đầu tư từ 145,9 triệu USD hiện tại lên 268,2 triệu USD. Với 71 triệu USD chảy vào Bình Dương, chỉ trong 20 ngày đầu năm 2014, lãnh đạo tỉnh Bình Dương tự tin đặt ra mục tiêu kêu gọi thu hút 1 tỷ USD vốn FDI năm nay.

Trong khi đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đang khẩn trương tạo môi trường đầu tư tốt nhất để kêu gọi đầu tư. Ngày 8-2 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức “Ngày hội đầu tư 2014” và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 DN. 9 dự án này có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 60 triệu USD. Đáng chú ý là dự án Trung tâm thương mại tổng hợp Lotte Vũng Tàu của Công ty TNHH Lotte VN (100% vốn Hàn Quốc) với 34 triệu USD.

Đầu năm 2014, TPHCM cũng đón nhận sự kiện Tập đoàn AEON khánh thành và đưa vào hoạt động AEON Mall Tân Phú Celadon, 134 triệu USD; Lixil khánh thành nhà máy 440 triệu USD ở Đồng Nai. Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh này vừa thông qua quy hoạch xây thêm 15 khu công nghiệp tập trung, nâng tổng số khu công nghiệp lên con số 33 vào năm 2020.

Để chuẩn bị đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tỉnh Bình Dương đã thành lập khu công nghiệp Bàu Bàng có diện tích hơn 300ha để phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài. Khu công nghiệp này được quy hoạch để kêu gọi thu hút các dự án sản xuất trong lĩnh vực may mặc.

Hướng đến nâng chất FDI

Không chủ trương thu hút vốn FDI bằng mọi giá, kế hoạch của tỉnh Đồng Nai năm 2014 là tập trung thu hút những dự án FDI có hàm lượng chất xám cao, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, hạ tầng.

Có thể nói đây là một sự thay đổi trong mặt nhận thức về thu hút FDI, khi tỉnh này đang từng bước chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ ít tiêu hao năng lượng, ít thâm dụng lao động.

Tập đoàn AEON, một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất
tại Nhật Bản đã chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam
tại AEON Mall Tân Phú Celadon từ tháng 1-2014.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hoạt động đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Chất lượng của dự án nhìn chung chưa cao, số dự án sử dụng công nghệ cao còn ít, giá trị gia tăng thấp, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế; một số DN sử dụng công nghệ lạc hậu; gây ô nhiễm môi trường; một số DN có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách…

Mục tiêu thu hút vốn FDI trong năm nay là phải chọn lựa những dự án đầu tư có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít ô nhiễm môi trường. Và dĩ nhiên những điều kiện này sẽ là trở ngại không nhỏ trong công tác thu hút vốn.

Theo ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tư vào Việt Nam lớn nhất tính đến thời điểm này. Các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đang tiếp tục rót vốn, đầu tư ổn định thể hiện sự tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, để giữ chân nhà đầu tư, Chính phủ cũng như các địa phương cần nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, nhất là các mặt về thủ tục pháp lý, thuế, hải quan.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20140213/tang-chat-dong-von-fdi.aspx