Tản văn: Hương vườn quê

BHG - Đã nhiều thế hệ quen nghe cách gọi “mùa Xuân chín” của cố thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính. Theo đó, bốn mùa đều có thể chín. Có nghĩa là từ non xanh đến chín rụng. Gọi mùa Thu chín cũng thật là đắc ý. Không chỉ có những chiếc lá sinh ra từ hạt mầm trong đất, rồi lộc lá ấy phát triển trên cành cao tỏa bóng sum xuê đầy vẻ kiêu sa, khi đã già nua chín rụng xuống mùa Thu huyền diệu. Đó là mùa lá đổ. Lá vàng, lá đỏ trút xuống vườn Thu và cả rừng Thu. Cảnh sắc ấy là nét vẽ kỳ diệu của thiên nhiên, muôn mùa quen thuộc mà mãi mãi ngỡ ngàng. Sắc Thu tô điểm cho làng quê, non nước vẻ đẹp yêu kiều đầy quyến rũ.

Ảnh minh họa.

Đi trong vườn rừng cuối Thu lá đổ theo gió heo may và cái nắng hanh khô tôi chợt nhớ hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác/đạp trên lá vàng khô” từ thuở nào. Lòng lại thầm ước chú nai kia từ một phép màu hiện lên để cảnh sắc này thêm hoàn mỹ. Cũng là để cho tâm trạng đơn côi tựa vào đó mà thấm tháp thật sâu sự bình an và tình đời. Còn hơn thế nữa là câu thơ của một thi sĩ nước ngoài làm tôi tỉnh thức: “Em cởi áo như cánh rừng trút lá”. Giữa một cánh rừng mùa Thu trút lá và một “tòa thiên nhiên” thì chẳng còn lý do gì mà mơ mộng nữa. Hãy trở về với thực tại cần được yêu thương, vỗ về và bao bọc. Thực tại ấy chỉ hiện ra trong khoảnh khắc của hạnh phúc cuộc đời. Con người trong thiên nhiên tương ứng, hòa hợp, ẩn hiện bất thường.

Hỏi làm sao người ta cứ ồn ào thơ phú ví von suốt cả mùa Thu, là thế. Mùa Thu luôn mang những nhịp điệu sống của đời sống tâm hồn con người. Những tháng ngày lao động vất vả trên vườn ruộng đồng nương, con người được trở về với sự yên ả, dịu dàng. Cái hiện tại của tiết Thu kéo gần ký ức và những hồi tưởng tương lai lại gần nhau hơn. Sự mệt mỏi trên đường đời dần tan biến. Cảm giác an hưởng, tạm dừng, vừa đủ, không tranh dành ngập tràn. Niềm vui sống dâng lên ở nơi mình cắm rễ.

Ảnh minh họa.

Vâng, không chỉ có lá vàng, lá đỏ làm nên mùa Thu chín, quả chín mùa Thu là một phần không thể thiếu của mùa đặc sắc này. Sắc màu của lá và hương vị của quả chín vốn dĩ là một sự đồng điệu, cộng hưởng của giá trị mùa Thu. Chính nó đã làm cho tình yêu xứ sở thêm sâu sắc, miên man. Trong vườn ổi chín thơm lừng, những chú chim chào mào dẫn cả đàn con mới ra ràng tụ về, treo mình khoét những quả ổi đào nham nhở. Rồi chúng bay qua vườn hồng hỏi thăm những chùm hồng chín mọng, đỏ lựng đung đưa trên cành trụi lá. Dường như chúng bay tới đâu là hương thơm quả chín tỏa bay tới đó. Gió cũng nhuốm hương thơm của muôn loài quả chín. Bầy chim rẻ cùi đẹp mã rất thích ăn chuối chín cây ở góc vườn. Chúng không cần biết phải giữ bí mật đột nhập mà cứ toang toác gọi nhau inh ỏi cả góc rừng. Như thể chúng là chúa tể ở đây. Cây quả mùa Thu cũng làm chúng xáo động hơn cả cảm xúc của con người. Những cây khế, cây na đã bắt đầu khoe mùa thu hoạch từ vườn ra đến chợ.

Những vườn bưởi chín vàng chín đỏ tuy không bừng thức mùi quả chín, nhưng đổi lại là hương thơm đặc sắc của tinh dầu từ vỏ quả.

Ừ nhỉ, nếu chẳng có mùa quả chín thì mùa Thu chắc vẫn còn xanh lắm. Và cả mùa trung thu kia, dẫu có trăng vàng thì vẫn tẻ nhạt làm sao. Cảm ơn mùa Thu vàng, cảm ơn mạch nguồn, cội rễ đất quê và những bàn tay vàng dày công cấy trồng chăm bón đã cho ta hương sắc vườn quê thân thiết, tin yêu.

Huyền Nga

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202310/tan-van-huong-vuon-que-f2e4069/