Tân Sơn xanh miền thương nhớ

Mới đó mà tôi đã gắn bó với xứ bazan này ngót 30 năm. Không hẳn đã dài lắm trong hành trình vô tận của thời gian, nhưng có lẽ cũng đủ lâu để kiểm chứng lòng mình với miền đất mà tôi đang nương náu.

Cha tôi chọn vùng đất Tân Sơn, một xã ngoại thành Pleiku để định cư sau khi xuất ngũ. Có lẽ ông có lý do của mình khi chọn đất này. Chúng tôi lặng lẽ theo sự xếp đặt của cha và bắt đầu cuộc sống mới ở đây từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Quãng đường hơn chục cây số từ trung tâm Pleiku vào Tân Sơn ngày ấy cảm giác khá xa, vì di chuyển chủ yếu bằng xe đạp. Trục đường chính dẫn vào trung tâm xã lúc bấy giờ vẫn còn là đường đất. Mùa khô bụi đỏ mù trời, cỏ cây hai bên đường cũng suộm màu đất đỏ. Còn mùa mưa, chỉ một quãng đường thôi nhưng cảm giác đi lại rất mất thời gian, vì đất lầy lên bó chặt bánh xe và đường thì trơn trượt. Hai bên đường, những ngôi nhà ghép bằng ván gỗ nằm rải rác, nem nép dưới những lùm cây.

Du khách đến tham quan, ngắm cảnh tại bãi bồi hồ Ia Nâm, xã Tân Sơn, TP. Pleiku. Ảnh: Đào An Duyên

Du khách đến tham quan, ngắm cảnh tại bãi bồi hồ Ia Nâm, xã Tân Sơn, TP. Pleiku. Ảnh: Đào An Duyên

Chúng tôi gọi Tân Sơn là miền đất thảo thơm. Đó là vùng ven đô thuần nông, có vườn tược quanh năm cây trái xanh tươi. Như bao đứa trẻ lớn lên trong cảnh còn nhiều khó khăn, chúng tôi cũng một buổi đến trường, một buổi cùng gia đình làm ruộng làm vườn. Hầu như nhà nào cũng trồng xen canh với cây cà phê là lúa, bắp, khoai lang, các loại đậu… còn có rất nhiều các loại cây ăn trái khác. Biển Hồ như một vòng tay ôm lấy đất Tân Sơn, tạo ra ruộng vườn trù phú. Vùng ven hồ còn là nơi cho cư dân sống quanh đó đánh bắt cá tôm và các loại thủy sản khác.

Ngày ấy, có lẽ những đứa trẻ chúng tôi sẽ không tưởng được có một ngày, miền ngoại ô chỉ toàn là đất đỏ và rất nhiều hoa dại sẽ được nhiều người biết đến và nhiều địa chỉ ở Tân Sơn trở thành điểm đến được ưa thích. Bàn chân chúng tôi đã in dấu lên khắp vùng đất, trong những buổi thả bò, cắt lúa, hái cà phê và cả những khi thong dong sau mùa vụ, đạp xe quanh những con đường làng trong nắng chiều.

Lòng tôi luôn dậy lên cảm giác tự hào khi nhớ lại những tháng năm tuổi trẻ của mình. Thật may mắn khi học tập xong, tôi đã được trở về làm việc ngay tại Tân Sơn. Đó là những tháng năm tuy còn vất vả, thiếu thốn, song lại là quãng thời gian đẹp nhất trong nghề giáo của riêng tôi. Tôi có những người đồng nghiệp sống ở trung tâm Pleiku, ngày ngày lóc cóc xe đạp vào Tân Sơn dạy học, xong lại đạp xe ngược về. Đến đầu những năm 2000 thì tuyến đường chính vào Tân Sơn được trải nhựa, niềm vui lúc ấy thật khó mà diễn tả hết bằng lời. Con đường đã rút ngắn khoảng cách giữa Tân Sơn với những địa bàn khác trong thành phố, rút ngắn cả khoảng cách về tâm lý trong lòng người. Song con đường đã lại nối dài ước mơ cho những đứa trẻ, thế hệ sau của chúng tôi.

Thỉnh thoảng, tôi trở về Tân Sơn, luôn trong tâm thế của một đứa con trở về nhà mình. Ngôi nhà ghép bằng ván gỗ nằm dưới những tán xanh ngờm ngợp của mít, của bơ… Những đêm mưa, gió rin rít ùa qua, giật mình nghe tiếng trái rơi trên mái nhà. Tôi nhớ mùi bụi đỏ nồng nã xộc thẳng vào mũi mỗi khi có một chiếc xe lớn ngang qua nhà, hay một trận gió lớn quẩn lên. Nhớ những lần vào làng tìm học trò ra lớp, loanh quanh mãi những con đường ngang dọc như ô bàn cờ, thế nào mà lại ra tận chân núi…

Tân Sơn những năm gần đây đã được nhiều người biết đến. Một phần nhờ sự phát triển của mạng xã hội, là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh những địa điểm check-in, ẩm thực khá hấp dẫn; phần nữa nhờ chính người dân Tân Sơn đã bắt đầu có ý thức xây dựng quê hương mình và thật đáng mừng, rất nhiều trong số những con người ấy là những người rất trẻ, được học hành đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Thử gõ trên thanh công cụ tìm kiếm những địa chỉ như: “bãi dê” Tiên Sơn, Homestay Tiên Sơn Pleiku, Gà nướng cơm lam Plit, Cà phê Ông Ngoại, Cà phê Tiên Sơn Gia Lai… chúng ta sẽ được chỉ dẫn đến tận nơi.

Miền ngoại ô ấy giờ chỉ còn vài con hẻm nhỏ chưa bê tông hóa, nhà cửa đã được xây dựng khang trang hơn, nhưng ruộng vườn quanh năm vẫn mướt xanh, vẻ hoang sơ yên bình vẫn còn khá đậm nét. Miền đất ấy vẫn đủ để cho chúng tôi, mỗi lần có dịp gặp mặt, sẽ chọn một chỗ ngồi vừa đủ cho những câu chuyện chưa kịp cũ của những ngày xa vang ngân ấm áp. Từ chỗ chúng tôi ngồi, ngước xa một tầm mắt là thảm cỏ xanh chạy lan xuống mặt hồ, rồi một tầm nữa là ruộng đồng nằm gối đầu lên những dãy núi bốn mùa trầm ngâm, tất cả như một vòng tay ôm lấy đất Tân Sơn.

ĐÀO AN DUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12369/202210/tan-son-xanh-mien-thuong-nho-5793517/