Tân Phước thực hiện vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về giảm nghèo

Sau 3 thập niên thành lập, Tân Phước, tỉnh Tiền Giang hôm nay đã không còn là một huyện vùng sâu, khó khăn của tỉnh. Cơ sở hạ tầng phát triển, nhà cửa khang trang; đặc biệt là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống mức thấp, chiếm 1,59% trong tổng số hộ dân toàn huyện. Đây là kết quả của nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện trong thời gian qua.THỐNG NHẤT HÀNH ĐỘNG

Hội nghị truyền thông chính sách giảm nghèo bền vững được huyện Tân Phước thực hiện tốt, đem lại hiệu quả thiết thực.

Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, toàn huyện có 2,38% hộ nghèo và 5,41% hộ cận nghèo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện thống nhất mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,8%. Với mục tiêu nâng cao đời sống của người dân, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã thống nhất hành động nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ văn hóa -xã hội.

Trong đó, để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn quan tâm sâu sắc và lãnh đạo thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Trong 2 năm qua, Huyện ủy, UBND huyện tổ chức quán triệt cho hơn 1.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác an sinh xã hội nói chung, công tác giảm nghèo nói riêng; tuyên truyền sâu rộng đến với người dân trên địa bàn huyện qua Đài truyền thanh xã, Đài Phát thanh - Truyền hình huyện.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp được 115 cuộc, có 2.789 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tham dự.

Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, công chức, viên chức và người lao động về chuẩn nghèo, tiếp cận đa chiều mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của các cấp, các ngành, cộng đồng trong hỗ trợ giúp đỡ người nghèo.

Theo đó, Ban Chỉ đạo huyện đã hướng dẫn các địa phương chủ động sử dụng kinh phí được ngân sách trung ương hỗ trợ hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Chương trình giảm nghèo. Trên cơ sở kết quả điều tra rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, hằng năm được UBND huyện phê duyệt, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt và hiệu quả các chính sách giảm nghèo hiện hành về y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhà ở, tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý...

Các địa phương cũng đã xác định việc gắn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát triển kinh tế - xã hội với giảm nghèo bền vững là trách nhiệm.

Kết quả giảm nghèo bền vững là một trong các chỉ tiêu huyện Tân Phước thực hiện rất tốt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Để hỗ trợ hộ nghèo, nhiều chính sách ưu đãi, dự án tạo sinh kế đã được huyện triển khai. Đây là trợ lực rất lớn cho những gia đình khó khăn có cơ hội vươn lên.

THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ CHÍNH SÁCH

Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững đã được huyện Tân Phước xem là nhiệm vụ then chốt và nỗ lực thực hiện. Hộ nghèo được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, có phương án sản xuất kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 100% học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo vay vốn và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo…

Hội nghị truyền thông chính sách giảm nghèo bền vững được huyện Tân Phước thực hiện tốt, đem lại hiệu quả thiết thực.

Chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo được triển khai, người thuộc hộ nghèo được mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh vùng khó khăn được miễn, giảm học phí.

Công tác xã hội hóa hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, mồ côi do Covid-19 được đẩy mạnh thông qua việc vận động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở tiếp tục thực hiện.

Bên cạnh nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện vận động Quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ thêm vốn cho hộ nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh, các chương trình an sinh xã hội khác.

Huyện còn thực hiện đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 20 của Chính phủ đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân... thuộc hộ gia đình nghèo. Ngoài ra, huyện còn chú trọng vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, trợ cấp thường xuyên cho các hộ nghèo về thu nhập không còn sức lao động; hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, giúp đỡ về y tế, nhà ở, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống.

Chính sách cứu trợ đột xuất kịp thời cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do tai nạn, thiên tai, bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ tiền mặt và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ có đối tượng bảo trợ xã hội vào dịp lễ, tết luôn được thực hiện đầy đủ.

GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng chí Nguyễn Tuấn Hải, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, công tác giảm nghèo bền vững của huyện thời gian qua thực hiện rất tốt. Ngành LĐ-TB&XH với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của huyện đã đề ra 5 nhóm giải pháp cần thực hiện để tiếp tục phát huy thành quả giảm nghèo trong những năm tiếp theo, cụ thể như sau:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc trong các cấp, các ngành, các địa phương về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác an sinh xã hội, làm mọi người, mọi cấp, mọi ngành nhận thức đầy đủ về công tác an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể, của mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của công tác an sinh xã hội để mọi người đồng lòng, cùng chung tay thực hiện.

Huyện ủy, UBND huyện xác định giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trong những năm qua, từ những nguồn vốn trung ương, tỉnh, vận động các doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, sự đồng thuận của người dân trên địa bàn huyện trong công tác giảm nghèo, Tân Phước từ huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo 6,6% vào đầu giai đoạn 2016-2020, đến nay đã thoát nghèo bền vững với tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 1,56%, thấp hơn 0,14% so với chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ.

Phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên và toàn dân hưởng ứng, tham gia các phong trào hỗ trợ giảm nghèo như “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; động viên, khích lệ tính tự chủ của người dân vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo hằng năm chính xác. Phân loại đối tượng để có các chính sách hỗ trợ phù hợp mang tính đặc thù, nhất là đối với nhóm người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; tập trung hỗ trợ người yếu thế có việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện việc làm thông qua vay vốn tạo việc làm, tiếp cận thông tin thị trường lao động, dạy nghề; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn huyện.

Thực hiện đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội theo quy định hiện hành đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân... thuộc hộ gia đình nghèo. Thực hiện chính sách cứu trợ đột xuất kịp thời cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do tai nạn, thiên tai, bệnh hiểm nghèo.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202312/tan-phuoc-thuc-hien-vuot-chi-tieu-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-huyen-ve-giam-ngheo-997482/