Tận mục các loài chim chích lý thú của Việt Nam: Có loài 'tăng động'

Trong thế giới chim chóc, họ Chích (Phylloscopidae) gồm những loài chim nhỏ xíu và rất năng động. Chúng di chuyển liên tục, thường đập cánh khi bới lá tìm côn trùng dọc theo cành cây và bụi rậm...

Chích mày xám (Phylloscopus maculipennis) dài 9-10 cm, là loài định cư, tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Trung và Nam Trung Bộ. Sinh cảnh của lòa i chim chích này là rừng lá rộng thường xanh, độ cao 1.525-3.050 mét. Ảnh: eBird.

Chích mày lớn (Phylloscopus inornatus) dài 11-12 cm, là loài trú đông, phổ biến trong cả nước, ghi nhận di cư qua Đông Bắc. Loài chim này sống ở khu vực có rừng và cây gỗ, rừng thứ sinh, rừng ngập mặn, cây bụi, công viên và vườn trồng.

Chích hông vàng (Phylloscopus proregulus) dài 10-11 cm, là loài trú đông tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc, ghi nhận di cư tương đối phổ biến qua Đông Bắc. Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng thứ sinh, rừng ngập mặn và vườn trồng trong mùa di cư.

Chích bụng trắng (Phylloscopus schwarzi) dài 13-14 cm, là loài trú đông tương đối phổ biến đến phổ biến trong cả nước, ghi nhận di cư tương đối phổ biến qua Đông Bắc. Chúng được ghi nhận ở rừng cây thấp khu vực trống trải, rừng đã bị tàn phá, bìa rừng, cây bụi và cỏ, thường di chuyển gần mặt đất.

Chích nâu (Phylloscopus fuscatus) dài 12-13 cm, là loài trú đông tương đối phổ biến đến phổ biến trong cả nước, ghi nhận di cư qua Đông Bắc. Chúng sống ở cây bụi, các loại cây thấp nơi trống trải, thường xuyên ghi nhận gần nước, rừng ngập mặn, chủ yếu ở vùng đất thấp.

Chích bụng hung (Phylloscopus subaffinis) dài 11-12 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc, di cư qua Đông Bắc, trú đông tại Đông Bắc và Trung Trung Bộ. Sinh cảnh của chúng là cây bụi, vườn trồng tại khu vực trống trải, độ cao 1.200-2.565 mét.

Chích họng trắng (Phylloscopus collybita) dài 12 cm, là loài lang thang qua Tây Bắc. Chúng sống ở cây bụi, các loại cây thấp ở khu vực trống trải.

Chích mày vàng (Phylloscopus coronatus) dài 12-13 cm, là loài di cư tương đối phổ biến qua Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, trú đông không phổ biến tại Nam Bộ. Chúng được ghi nhận ở rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao rụng lá, rừng thứ sinh, rừng ngập mặn, vườn và thành thị trong mùa di cư.

Chích đớp ruồi mày đen (Phylloscopus intermedius) dài 11-12 cm, là loài định cư, tương đối phổ biến tại Trung và Nam Trung Bộ, trú đông không phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc. Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, độ cao 1.350-2.300 mét.

Chích đớp ruồi má xám (Phylloscopus poliogenys) dài 9-10 cm, là loài định cư, tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc và Trung Bộ. Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, độ cao 900-2.135 mét.

Mời quý độc giả xem video: Khám phá thế giới của loài bọ ngựa | VTV2.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tan-muc-cac-loai%C2%A0chim-chich-ly-thu-cua-viet-nam-co-loai-tang-dong-1886001.html