Tản mạn về tật xấu của người Việt từ góc độ văn hóa thị dân

'Đi đâu về thế'? 'Đã ăn cơm chưa'? 'Đã có gia đình chưa'? 'Lương hàng tháng bao nhiêu tiền'?... là những câu hỏi mà người Việt nào cũng đã từng hỏi và được hỏi, đôi khi họ nghĩ rằng đây chỉ là lời thăm hỏi thông thường nhưng đó lại là những câu mà người nước ngoài chúng tôi sẽ chẳng bao giờ dám hỏi nhau.

Đó là những giãi bày của ngài Đại sứ Palestine Saadi Salama trong buổi ra mắt sách Tật xấu người Việt (Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 2023) của nhà văn Di Li. Theo ông, là con người thì ai cũng có tật xấu, dù là người nước nào cũng vậy, nhưng lại rất ít người dám dũng cảm chỉ ra tật xấu của người dân đất nước mình và Di Li là một trong số đó, nên ông đã gọi cô là “một nhà văn du kích thời bình”.

Đại sứ Palestine Saadi Salama chia sẻ trong tọa đàm ra mắt sách “Tật xấu người Việt” của nhà văn Di Li.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng cho rằng Di Li là một tấm gương về sự dũng cảm, cuốn sách thể hiện tình yêu của nhà văn đối với đất nước này. Bởi chứa đựng trong hàng tá những câu chuyện về tật xấu đó là một sự chia sẻ, một tình yêu thương, một lòng tự trọng mà chỉ khi người ta yêu dân tộc của họ, yêu xứ sở của họ thì họ mới có thể cất lên những tiếng nói đó, như ông bà ta ngày xưa có câu “Yêu cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi”.

“Di Li là một người yêu nước, cô đã nói tất cả điều gì cô muốn nói để mong rằng vào một ngày nào đó, những tật xấu sẽ dần nhỏ đi và biến mất, thay vào đó là những vẻ đẹp vốn có của người Việt”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Trong cuốn sách, Di Li đã chỉ ra những tật xấu vốn hiện lên thường xuyên trong cuộc sống của người Việt Nam, đặc biệt là ở những người sống ở đô thị (thị dân). Trước đây, tật xấu của người Việt thường được nghiên cứu bắt nguồn từ con người tiểu nông, giữa đời sống nông thôn cổ truyền. Nhưng khi quá trình hiện đại hóa bắt đầu, cùng với đó là công nghiệp hóa và đô thị hóa, thì thị dân đô thị lại là chỗ biểu hiện tật xấu rõ nét hơn cả. Đó là tật xấu từ trong những ngôi nhà - nơi tưởng chừng được che đậy qua những cánh cửa kín - cho đến những tật xấu ở ngoài bậc cửa như nơi công sở, nơi công cộng, rồi cả trên máy bay rồi cả khi người Việt ra nước ngoài.

Di Li là một người yêu nước, cô đã nói tất cả điều gì cô muốn nói để mong rằng vào một ngày nào đó, những tật xấu sẽ dần nhỏ đi và biến mất, thay vào đó là những vẻ đẹp vốn có của người Việt”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Đó là 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập khen bốc giời, vô duyên hay xen vào chuyện cá nhân, trọng nam khinh nữ, hay cả nể, hay gây ồn ào, quan cách, ưa hối lộ, tham nhũng vặt, ưa thành tích, thích làm thầy không thích làm thợ, sính bằng cấp, học chỉ để thăng tiến, thiếu tính độc lập, sĩ diện, hay khoe khoang, tham lam chủ nghĩa, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, nghĩ ngắn chỉ thấy lợi ích trước mắt, thói quen phạm luật, không bao giờ biết đủ, lãng phí…

Rồi đâu đó, một chân dung công chức thành phố điển hình “sáng xách cặp đi tối xách cặp về” cũng được phác họa: “Người nào sáng ngủ dậy cảm thấy ngại đi làm, ấy là vì không được làm công việc mình thích, mình đam mê và sở nguyện không thỏa mãn, lại chẳng được trọng dụng, đồng nghiệp thì khó ưa, sếp thì chẳng đủ tài mà phục. Đó là bất hạnh nửa cuộc đời, vì ngoài thời gian đi ngủ và đánh răng rửa mặt ra, một nửa thời gian của đời người là gắn bó với công việc. Chiều tan sở làm mà bụng cảm thấy không muốn về nhà, vì về nơi ấy chẳng có gì vui, chi bằng tấp quán bia mà dzô dzô trăm phần trăm đến tối khuya hẵng về, thôi thì gộp cả hai là bất hạnh cả cuộc đời”.

Với Tật xấu người Việt, Di Li là tác giả nữ đầu tiên đưa ra quan điểm phân tích về những thói tật của người Việt.

Lựa chọn khai phá một loạt các tật xấu – một chủ đề gai góc và đầy tính rủi ro, Di Li ngay từ những trang viết đầu tiên của tác phẩm đã chia sẻ rằng cô đã chuẩn bị tinh thần nhận về nhiều tranh cãi, tuy nhiên hơn hết cô thấy biết ơn và mong chờ những ý kiến phản biện tích cực để cùng nhau hoàn thiện thêm các luận điểm cho chủ đề vốn không có quá nhiều dịp để bàn luận này.

Di Li nghĩ rằng cuốn sách sẽ gây ra nhiều tranh cãi nhưng nếu ở mức độ phản biện một cách gay gắt thì không. Tác giả đã có cho mình một “thủ thuật” để nếu có phê bình ai thì đó là một sự phê bình dễ chịu, cộng thêm việc cô cố gắng đưa tiếng cười vào trong cuốn sách khiến cho những câu chuyện mềm đi và đỡ gay gắt hơn.

Trong Tật xấu người Việt, Di Li nhìn cuộc đời và nhìn con người không hề có sự cay nghiệt, bởi mặc dù là sự phê phán nhưng lại mang tính tự trào nhiều hơn, tác giả cũng ở trong đó chứ không tách mình ra bên ngoài dân tộc để phê phán.

Mà theo như nhà báo Yên Ba nhận định: “Biết cách tự trào một cách duyên dáng và nghệ thuật luôn làm nên các tác phẩm lớn trong lịch sử đời sống văn chương nhân loại”.

Nhà báo Hoàng A Sáng cũng nhận xét: “Nhà văn Di Li viết cuốn sách này như một cách tự răn dạy bản thân mình, để mỗi ngày bớt đi được một tật xấu. Cô không viết theo lối thống kê, kể lể hoặc lên án những cố tật của người Việt, mà qua đó tác giả và bạn đọc cùng nhau rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống”.

Cuốn sách Tật xấu người Việt bao gồm 48 câu chuyện được tác giả viết trong 15 năm. Ảnh: Nhã Nam

Giá trị của cuốn sách còn nằm ở chỗ Di Li viết về những tật xấu trong con mắt của một người nghiên cứu xã hội học, nhân học, trong đó còn có cả những tri thức về kinh tế, lịch sử, văn học và những vấn đề thời đại.

Cuốn sách nằm trong bộ đôi Tật xấu người ViệtTính tốt người Việt được cô viết trong 15 năm - một thời gian khá lâu để nghiên cứu tư liệu cổ của các nhà truyền giáo, thương nhân, chính khách, bác sĩ, tri thức người Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… đã đến Việt Nam từ thế kỷ 16, 17, 18, cũng như ngần ấy năm cô có cơ hội được đi một số châu lục và tiếp xúc với những con người, vùng đất khác nhau để có thể phỏng vấn, so sánh, đối chiếu với tính cách dân tộc mình.

Tác giả chia sẻ rằng cô cũng có một chút lo lắng về cuốn sách Tính tốt người Việt sẽ được ra mắt sau này vì không biết nó có được chào đón như cuốn Tật xấu người Việt hay không.

Cô cho biết thêm, tật xấu thì đã có nhiều người viết nhưng tính tốt cũng cần được nói đến, ví dụ như sự hào phóng của người Việt chẳng hạn. Cũng bởi thêm một lẽ, nhiều người khi được đề cập đến tính tốt, được khen vì tính tốt của mình họ lại tỏ ra bất ngờ vì không biết mình tốt. Để tránh tình trạng bản thân mình có điểm tốt nhưng không biết, có điểm xấu nhưng lại không nghĩ mình xấu tác giả sẽ lần lượt cho bộ đôi tác phẩm này ra đời.

Với những tật xấu được nhìn một cách khoa học nhưng không kém phần hóm hỉnh, cuốn sách thứ 27 của nhà văn Di Li - Tật xấu người Việt đã khiến người đọc nhìn thấy tật xấu của mình nhưng không cảm thấy tự ái mà giúp họ tự soi chiếu, tự sửa mình.

Di Li là một cây bút đa tài, với sức viết đáng kể khi cho ra mắt hàng chục đầu sách đủ thể loại và đặc biệt thành công với các tiểu thuyết trinh thám.

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn có thể kể đến như các truyện ngắn: Tầng thứ nhất (2007), Điệu Valse địa ngục (2007), 7 ngày trên sa mạc (2009), Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng (2010), Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường (2010), San hô đỏ (2012), Khách lạ và người lái taxi (2015); Tiểu thuyết: Trại Hoa Đỏ (2009), Câu lạc bộ số 7 (2016); Bút ký: Cô đơn trên Everest (2020); Tản văn: Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa (2019), Nửa vòng trái đất uống một ly trà (2019).

Bài và ảnh: Huyền Thương

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tan-man-ve-tat-xau-cua-nguoi-viet-tu-goc-do-van-hoa-thi-dan-41992.html