Tản mạn địa danh Bà, Bàu ở Đồng Nai

Địa danh là tấm gương phản chiếu ở nhiều yếu tố của cư dân: nhận thức về đặc điểm môi trường tự nhiên, về văn hóa, lịch sử, con người… Trong số các địa danh ở Đồng Nai hiện nay, có nhiều địa danh có thành tố Bà, Bàu đứng trước và cũng không nằm ngoài những quy luật có tính phổ quát.

Bình minh ở Bàu Sấu (Vườn quốc gia Cát Tiên). Ảnh: HOÀNG LỘC

Chúng ta khó có thể thống kê hết những địa danh Bà, Bàu vì một số tên gọi chỉ được dùng trong phạm vi hẹp của cộng đồng cư dân tại chỗ.

Tên gọi của địa danh gắn với những cá nhân là phụ nữ xuất hiện khá nhiều ở các địa phương vùng đất Nam Bộ

Cấu trúc địa danh bắt đầu từ thành tố Bà gợi sự liên tưởng trực tiếp đến cá nhân cụ thể mang giới tính nữ. Thực tế, tên gọi của địa danh gắn với những cá nhân là phụ nữ xuất hiện khá nhiều ở các địa phương vùng đất Nam Bộ. Đó là những cá nhân có những công lao với nơi cư dân sinh sống (khai khẩn, lập chợ, hiến đất cho làng, danh tiếng tốt, vợ quan lại được người dân mến mộ…) hoặc đặc điểm dễ ghi nhớ (cư trú có tính chất điển hình tại một địa điểm, khu vực; nhiều ruộng đất…).

Có những địa danh đã mất đi, mai một trở thành dĩ vãng, chỉ còn là nỗi nhớ, sinh động trong ký ức. Nhưng cũng có những địa danh lưu tồn trong đời sống xã hội hiện đại qua hình thức biểu đạt mà con người duy trì: tên gọi của đơn vị hành chính, các thiết chế cộng đồng, tín ngưỡng, công trình xây dựng... Những ẩn nghĩa từ địa danh là bức tranh văn hóa đa sắc màu của nhiều thế hệ cư dân.

Trước đây, trong bối cảnh “đất rộng, người thưa” nhà ở, vườn tược của người dân cách nhau xa, riêng biệt ở những địa điểm (rạch, gò, đồi, bến…) nên người dân cũng lấy tên của người cư trú tại chỗ - trong đó có những người phụ nữ lớn tuổi để gọi. Trường hợp những địa danh như Bà Hượt, Bà Luồng, Bà Lồ, Bà Tám là tên của người phụ nữ khai hoang đầu tiên ở làng Tân Vạn đất Biên Hòa xưa.

Cộng đồng gọi địa danh gắn với các người phụ nữ bằng sự kính trọng nhưng dân gian là Bà kết hợp với tên, thứ hay chức vị của họ. Trong phong tục của người Việt, cách gọi tên cụ thể thường ít được sử dụng vì sự kỵ húy nên thường gọi theo thứ, theo tên dân dã thường dùng hoặc chức vị hơn. Thế nhưng, khi tìm hiểu các tư liệu về địa danh mang thành tố Bà ở Đồng Nai, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp gọi theo thứ hay chức quan. Chủ yếu các địa danh có vẻ như được gọi bằng tên nhưng chắc chắn là tên thường dùng: Bà Ký, Bà Bành, Bà Bền, Bà Hượt, Bà Khám, Bà Lồ, Bà Xanh...

Thật khó để mà truy tìm tên gọi các địa danh mang thành tố đầu là Bà ở Đồng Nai. Một số giả thuyết cho rằng, thành tố Bà ngoài sự liên quan đến người phụ nữ thì có thể được phiên âm từ địa danh có thành tố Bà + từ ngữ đi kèm của các lớp cư dân đến sau mà thành. Có thể Bà bắt nguồn từ thành tố Po (hàm nghĩa Bà với sự kính trọng) mang yếu tố ngôn ngữ của người Chăm trước đây.

Cụ thể, ngoài giải thuyết địa danh Bà Rịa gắn với người phụ nữ tên Rịa (di tích mộ được xếp hạng với tên họ đầy đủ: Nguyễn Thị Rịa) có công khai khẩn có thể được phiên âm từ Pô Riyak (thần Sóng biển).

Cũng có thể thành tố B’ (phiên âm Bờ) là tên gọi các làng người Mạ khu vực Đông Nam Bộ và phía nam Tây Nguyên: B’Lao/Bờ Lao (thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), Bờ Hào (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai)… được chuyển âm thành Bà qua lớp cư dân đến sau và sử dụng phổ biến về sau.

Bàu dùng chỉ sự vật, cảnh quan tự nhiên

Thành tố Bàu trong địa danh dùng chỉ sự vật, cảnh quan tự nhiên. Bàu được xem là vùng trũng đọng nước, có thể thông với một con suối, rạch nhỏ hoặc không. Diện tích, độ sâu của các bàu khác nhau (rộng, hẹp, sâu, cạn). Nguồn nước trong bàu cũng phụ thuộc vào thời tiết: mùa mưa nước nhiều và mùa khô nước cạn. Bàu cũng là nơi chứa nguồn nước cho động vật sinh sống, người dân sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt.

Địa bàn tỉnh Biên Hòa xưa và Đồng Nai nay có rất nhiều bàu nước. Hiện nay, một địa danh nổi tiếng ở Vườn quốc gia Cát Tiên có tên Bàu Sấu. Đây là bàu nước khá rộng, diện tích 13.759 hécta, nằm trong vùng lõi, phía nam của Vườn quốc gia thuộc địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Vào mùa mưa, mặt nước của bàu chiếm diện tích khoảng 2.500 hécta nhưng mùa khô chỉ còn 100-150 hécta. Trong bàu và vùng phụ cận là môi trường tự nhiên với sự đa dạng của các loại thực vật, động vật sinh sống, nhiều loại cá nước ngọt. Tên gọi của bàu là sự kết hợp của cảnh vật tự nhiên với tên của loài cá đặc biệt sinh sống tại đây: cá sấu. Với tầm quan trọng trong vùng lõi Cát Tiên, Bàu Sấu được đưa vào danh mục các vùng ngập nước có tầm quan trọng trên thế giới (Ramsar).

Những biến động, dịch chuyển của đời sống và gắn liền với đó là vùng đất, địa bàn, khu vực của con người tụ cư, mưu sinh hay trong quản lý xã hội của các thể chế. Địa danh cũng không nằm ngoài quy luật của sự vận động xã hội gắn với cộng đồng cư dân, xã hội và lịch sử.

Ngày nay, cảnh quan tự nhiên đã có nhiều thay đổi, thậm chí có nơi không còn bàu nhưng tên gọi được duy trì. Địa danh Bàu Cá trở thành đơn vị hành chính (ấp, xã), sự kiện (trận đánh giao thông) và hiệu danh (nhà ga xe lửa). Cấu trúc của địa danh thành tố Bàu thường được gắn với đặc điểm nổi trội của môi trường tự nhiên chính nó hay nền cảnh chung quanh (động vật, thực vật, hình dáng…). Bàu gắn với đặc trưng của động vật có thể kể đến Bàu Cá, Bàu Sấu… Về gắn với thực vật chiếm số lượng nhiều (tre, sao, cỏ, sen, lùng, vừng, trường, trâm…) và vì vậy có những địa danh trùng tên như Bàu Tre, Bàu Cỏ, Bàu Sao. Một số địa danh gắn với đặc điểm của sự vật, cảnh quan: Bàu Cạn, Bàu Vuông (huyện Long Thành), Bàu Sâu (huyện Xuân Lộc), Bàu Sình (huyện Vĩnh Cửu).

Tra cứu thông tin những nguồn tư liệu, thành tố Bàu trong địa danh có những biến đổi bởi những yếu tố, đặc biệt từ sự phiên âm, cách viết chưa thống nhất. Chúng ta sẽ nhận thấy trường hợp cụ thể thành tố Bàu ở một số địa danh bắt nguồn từ cách viết Bao trước đây. Hiện nay, có xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất).

Tư liệu về tỉnh Biên Hòa vào thế kỷ XIX cho thấy tên gọi Bao Hàm, tổng Phước Thành, huyện Phước Bình. Đến năm 1957, chính quyền Sài Gòn sắp xếp đơn vị hành chính thì Bao Hàm chuyển thành Bàu Hàm. Một yếu tố chuyển đổi từ Bàu sang Bà hay còn lẫn lộn trong các văn bản hay cách gọi sau này: Bà Bông và Bàu Bông (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch). Tư liệu cho thấy Bàu Bông là tên gọi cấp ấp thuộc làng Phước An, tổng Thành Tuy Hạ, huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa.

Sự chuyển dịch, biến đổi địa danh nói chung, các địa danh có thành tố Bàu thành Bà có thể làm hiểu nghĩa sai một số các thiết chế tín ngưỡng liên quan. Tại một số làng, thôn, ấp, xóm, những cơ sở tín ngưỡng, chủ yếu là miếu/miễu thường lấy địa danh tại chỗ làm tên gọi. Vì vậy, có trường hợp miếu thờ của ở khu vực Bàu +…. thành miếu Bà, hàm nghĩa liên tưởng đối tượng thờ. Đối tượng thờ tại các miếu tập trung vào đối tượng Ông (thần làng, Ông Hổ,…), Bà (Ngũ Hành, Chúa Xứ…) nhưng khi tên gọi bị chuyển dịch, biến đổi dễ nhầm miếu thờ của đơn vị hành chính thành miếu thờ có đối tượng là Bà. Một số địa danh gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào đấu tranh yêu nước, kháng chiến chống xâm lược của địa phương (Bà Đã, Bà Bao, Bà Bành, Bà Hào, Bà Thức, Bàu Cá, Bàu Cối, Bàu Lòng, Bàu Ngỗng, Bàu Trâm…).

Phan Đình Dũng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202403/tan-man-dia-danh-ba-bau-o-dong-nai-88655d8/