Tản mạn chuyện đàm phán ở Paris…

Trong gần năm năm diễn ra đàm phán Paris về Việt Nam, không chỉ đồng bào và chiến sĩ trong nước mà nhân dân thế giới cùng hướng về Việt Nam, về Hội nghị Paris. Và nhiều câu chuyện thú vị đã diễn ra, khiến các nhân chứng của một thời kỳ lịch sử nhớ mãi không quên…

Những người vẫy cờ Việt Nam bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris, Pháp, trong ngày Hiệp định Paris được ký kết, ngày 27/01/1973. (Nguồn: Getty Images)

Những người vẫy cờ Việt Nam bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris, Pháp, trong ngày Hiệp định Paris được ký kết, ngày 27/01/1973. (Nguồn: Getty Images)

Ấn tượng ngày “Việt cộng” đến Paris

Hai đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Hoa Kỳ họp phiên đầu tiên tại Hội trường Kléber, Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Paris, ngày 13/05/1968 thì đến giữa tháng 10/1968, hai bên thỏa thuận mở hội nghị bốn bên, theo đó ta đồng ý để chính quyền Sài Gòn tham gia hội nghị và buộc Mỹ ngồi nói chuyện trực tiếp với đại diện Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMN) (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - CPCMLT).

Ngày 04/11/1968, đoàn của MTDTGPMN đến Paris – sự kiện được cho là chấn động dư luận Paris và thế giới. Là người từng được tham gia đón đoàn tại sân bay Bourget ngày đó, ông Trịnh Quang Phú kể: “Hôm đó, Paris giá lạnh, trời mây một màu xám xịt, chỉ hửng sáng ở đường chân trời. Bà Nguyễn Thị Bình mặc áo dài hồng thẫm, khoác manteau đen nhạt với chiếc khăn quàng sậm màu có hoa lấm chấm. Bước vào phòng khách VIP, bà Bình phát biểu đôi lời rồi tuyên bố trước báo chí giải pháp Năm điểm của MTDTGPMN. Bà Bình Thanh đã dịch lại rất chuẩn giọng Tây làm các nhà báo ngạc nhiên và trầm trồ. Họ nói với nhau: “Việt Cộng văn minh quá”, “Có ai nghĩ họ từ trong rừng ra đâu”.

Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn VNDCCH ra đón và cùng bà Bình bước lên đoàn xe DS (Deésse có nghĩa là nữ hoàng) đen bóng chờ sẵn, cắm cờ MTDTGPMN nửa xanh nửa đỏ có sao vàng tiến vào Paris giữa bốn hàng mô-tô của cảnh sát Pháp hộ tống. Bà con Việt Kiều và nhân dân Paris cầm cờ hoa đứng chật hai bên đường chào đón hoan hô đoàn. Ngay tối đó và sáng hôm sau, hàng loạt báo chí Pháp và của các nước đều đưa tít lớn “Việt cộng đến Paris”, “Việt cộng chiến thắng”, “Cuộc đổ bộ kỳ tích của Việt cộng”… Có báo viết: “Bà Bình như bà hoàng được đón tiếp như một quốc trưởng với đủ lễ nghi chính thức và được hoan nghênh nhiệt liệt”.

Chứng kiến những điều đó, ông Trịnh Quang Phú cảm thấy “vui đến trào nước mắt” về “sự kiện lịch sử đã đưa vị thế của MTDTGPMN, đưa vị thế Việt Nam lên nấc thang vinh quang và mở ra những tương lai mới”.

Chuyến đi “tranh thủ”

Được điều động đến Paris với tư cách thành viên chính thức trong đoàn đàm phán, ông Hà Đăng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân vẫn nhớ mãi những câu chuyện liên quan đến việc “tranh thủ” vận động dư luận, mà một trong số đó là chuyến đi Anh tháng 10/1972 dự mít tinh và biểu tình ủng hộ Việt Nam với sự có mặt của hàng nghìn người. Đoàn đã được ông Askin, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản và Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình Anh, đưa đến dự một cuộc họp với một tổ chức công đoàn thuộc Công đảng Anh.

Tại cuộc họp, cử tọa đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó, câu hỏi gay cấn nhất là của một công nhân da màu: “Tôi xin hỏi đại biểu Bắc Việt Nam. Tại sao Mỹ muốn có hòa bình, đã chịu rút quân mà các ông thì không chịu rút quân của mình, lại còn đòi đánh mãi?”.

Trước câu hỏi đó, Hà Đăng nói: “Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam là cùng một nước, anh em một nhà, miền Bắc không xâm lược miền Nam mà chỉ cùng miền Nam chống xâm lược trên đất nước của mình. Chính phủ VNDCCH và CPCMLT rất mong muốn hòa bình đã đưa ra nhiều đề nghị hợp tình hợp lý tại bàn Hội nghị Paris, nhưng Mỹ không chịu chấp nhận, nhất quyết theo đuổi chiến tranh để buộc chúng tôi phải chấp nhận những điều kiện của Mỹ... ”.

Không ngờ trong phòng họp bỗng nổi lên những tiếng “à”. Anh công nhân đặt câu hỏi trên nói lời xin lỗi. Còn anh thư ký công đoàn cùng ông Askin nói: “Bây giờ thì chúng ta đã rõ cuộc chiến đấu của các bạn Việt Nam, vậy xin các bạn bày tỏ sự ủng hộ của mình”. Cả hai người cầm hai chiếc cốc uống bia đã cạn tới đáy, đến từng bàn họp. Người ta bỏ vào cốc đó những đồng silinh, rủng riểng. Ông Askin đổ ra đếm, tổng cộng lại được khoảng vài chục đồng Bảng Anh. Ông nói: “Số tiền này là công khai, sẽ được gửi tất cả cho các bạn Việt Nam. Chúng tôi xin không giữ lại một đồng silinh nào”. Ra khỏi phòng họp, lên xe ông hí hửng nhận xét: “Thành công lắm! Thành công lắm! Các bạn đã thuyết phục được. Đây là lần đầu tiên, Đảng Cộng sản chúng tôi đi vào được công đoàn của Công đảng Anh. Nhờ các bạn đấy!”.

Khi nước nhỏ nổi giận

Nhiều nhân chứng, nhà nghiên cứu, nhà viết sử đã kể lại những câu chuyện liên quan đến quá trình đấu trí, đấu lý tại Paris giữa các đoàn đàm phán. Ông Daniel Roussel, cựu phóng viên thường trú của báo Nhân đạo tại Việt Nam và là nhà làm phim tài liệu nổi tiếng người Pháp, trong một bài viết của mình cũng nhắc lại cuộc gặp riêng đáng nhớ giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh Henry Kissinger.

Ông viết: “Giữa tháng 12/1972, các cuộc đàm phán bị gián đoạn. Lê Đức Thọ trở lại Hà Nội. Chỉ vừa về đến nơi, Bắc Việt Nam và thủ đô Hà Nội chìm trong những trận mưa bom. Các cuộc không kích kéo dài 12 ngày với hàng trăm chiếc máy bay B52. Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố: “Chúng ta trừng trị kẻ địch đến mức nó phải đau đớn… Với sức mạnh của không quân và hải quân Mỹ, Cộng sản không thể nào chiến thắng được”.

Tuy nhiên, Daniel cho rằng, với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trên thực tế đó là một “Điện Biên Phủ trên không”, với hàng chục máy bay B52 bị bắn rơi.

Và khi mà hòa bình tưởng như đã bị chôn vùi thì Lê Đức Thọ và Henry Kissinger gặp lại nhau ngày 08/01/1973 tại Gif-sur-Yvette, chính nơi ba tuần trước đó khi chia tay, Kissinger đã chúc ông Thọ “một Giáng sinh tốt lành” dù biết rõ rằng khi ông Thọ về đến Hà Nội là không quân Mỹ sẽ ném bom.

Phiên họp ngày 08/01/1973 đã bị rút ngắn vì Lê Đức Thọ nổi giận. Ông nói to đến mức những nhà báo đi theo Kissinger đến cửa ngôi biệt thự cũng có thể nghe được những gì mà “một Việt Nam nhỏ bé đang mắng mỏ (phê phán) một nước Mỹ siêu cường”.

Kissinger phải nhiều lần xen ngang xin ông Thọ nói nhỏ hơn. Lê Đức Thọ lên án các vụ ném bom của Mỹ vào thời điểm Hiệp định Paris gần như đã hoàn tất.

Sau đó, các cuộc đàm phán được nối lại và trong năm ngày, hai bên đã thống nhất văn bản Hiệp định được chính thức ký vào ngày 27/01/1973.

Hân hoan tột độ

Và ngày 27/01/1973 đó đã mang lại cảm giác “hân hoan tột độ” cho những người như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan – vốn may mắn được đi theo đoàn sang Paris ký Hiệp định. Ông kể: “Những đại lộ dẫn đến hội trường Kléber, nơi diễn ra lễ ký, tràn đầy cờ hoa của bà con kiều bào và bạn bè quốc tế. Từ Moscow tới Bắc Kinh, đoàn ta được sự đón tiếp trang trọng nhất của Lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong hồi ký cũng kể về “một ngày đáng ghi nhớ”. Bà dẫn lại lời phóng viên hãng thông tấn UPI: “Buổi lễ diễn ra trong khung cảnh huy hoàng, tráng lệ của thế kỷ XIX và những biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất mà thế kỷ XX có thể tạo ra. Bốn Ngoại trưởng được một đạo quân gồm 2.000 cảnh sát và nhân viên an ninh bảo vệ nghiêm cẩn...”.

Tại chiếc bàn tròn lớn phủ nỉ xanh mà bốn đoàn đã tranh luận suốt 174 phiên, Đoàn VNDCCH do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu và Bộ trưởng Xuân Thủy ngồi bên; Đoàn CPCMLT do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình dẫn đầu; Đoàn Hoa Kỳ do Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers dẫn đầu, có thêm Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, người thường xuyên chống chiến tranh Việt Nam và Đoàn Sài Gòn do Ngoại trưởng Trần Văn Lắm dẫn đầu. Đúng giờ, bốn Bộ trưởng Ngoại giao bắt đầu ký vào Hiệp định và bốn Nghị định thư kèm theo. Mỗi người phải ký tới 32 chữ ký và mỗi người có 32 cây bút để làm việc đó.

Hiệp định gồm chín chương, 23 điều mà theo bà Bình, nội dung quan trọng và cơ bản nhất của Hiệp định Paris là quy định Mỹ phải tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta; quân Mỹ phải rút về nước mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì; hành lang Nam - Bắc vẫn nối liền, hậu phương với tiền tuyến thành một dải liên hoàn thống nhất, đảm bảo cho phong trào cách mạng tiếp tục tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

(tổng hợp)

Khôi Nguyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-man-chuyen-dam-phan-o-paris-212767.html