Tan hoang thung lũng vùng biên

TP - Người dân xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) sống chung với môi trường ô nhiễm nặng, lúa gieo cấy bị mất mùa, núi rừng bị đào phá tan hoang vì khai thác quặng. Núi rừng Tri Lễ tan hoang vì quặng.

Tri Lễ thuộc huyện miền núi Quế Phong, giáp nước bạn Lào (nơi nổi tiếng trồng cây thuốc phiện), nằm lọt thỏm giữa một lòng chảo khá rộng lớn, xung quanh đều là dãy Trường Sơn nối dài.

Toàn xã có ba thành phần dân tộc sinh sống chủ yếu, đó là đồng bào Thái, Mông và Khơ mú.

Mấy năm trở lại đây, kể từ khi tuyến đường Tri Lễ ra thị trấn Kim Sơn được rải nhựa, một số doanh nghiệp và người dân tứ xứ đổ về khai thác quặng sắt, quặng thiếc, thậm chí có lúc có cả vàng nên làm cho núi rừng bị đào phá tan hoang.

Đứng dưới chân dãy Trường Sơn nhìn thốc lên thấy đồi núi tan hoang. Tại bản Na Lịt và bản Piêng Lôm, trên đồi là máy móc đào xới nham nhở, còn dưới triền núi là các bản làng bà con bản địa vẫn sinh hoạt bình thường. Hầu hết khu vực khai thác quặng đều được đào bới sát với khu vực dân cư sinh sống.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, thay bằng dòng nước trong veo và mát lạnh trước đây, thì bây giờ hầu như khúc nào của con sông Nậm Quàng cũng có màu đục, đỏ, nhiều chỗ còn có màu xanh lét như đoạn qua bản Na Lịt, Piêng Lôm, Na Chạng, Tà Pàn...

Chị Lô Thị Lương, bản Piêng Lôm cho biết, những hôm trời mưa, nước sông không thể dùng được. Sông Nậm Quàng cung cấp nước sinh hoạt cho bà con các bản làng Tri Lễ và các xã như Châu Phong, Quang Phong và Cắm Muộn…

Em Lô Thị Ly, học sinh trường THCS Tri Lễ cho biết, mỗi khi trời nắng, các em tới trường trong làn bụi mịt mù do những chiếc xe chở quặng đi qua. Từ trung tâm xã đến trường học, quãng đường đi bộ chưa đầy một cây số nhưng áo trắng bị nhuốm thành màu nâu.

Anh Lương Văn Cường, Công an viên của bản Lằm cảnh báo, ngoài những hệ lụy trên, một số bà con bản làng Tri Lễ bắt đầu hoang mang vì lượng công nhân kéo nhau vào Tri Lễ khai thác quặng ngày một đông rất dễ kéo theo nhiều tệ nạn và sẽ làm ảnh hưởng an ninh biên giới.

Ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, Tri Lễ là xã biên giới, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, gần đây bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp vào địa phương khai thác khoáng sản, chủ yếu là quặng sắt nên việc gây ô nhiễm hay đảo lộn cuộc sống của bà con dân bản là không tránh khỏi. Hầu hết các điểm khai thác ở đây đều nằm gần khu vực dân cư.

Chiều 3-4, chúng tôi đề cập những vấn đề trên, ông Lang Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong trả lời: “Việc ô nhiễm môi trường như thế nào chúng tôi phải kiểm tra đã rồi mới báo cáo lại được. Chính quyền địa phương chưa nắm được”.

Khi được hỏi danh sách doanh nghiệp khai thác quặng sắt ở Tri Lễ, ông Minh trả lời: “Làm sao tôi nắm được, cái đó là do Phòng tài nguyên. Còn việc cấp phép là do cấp trên, bộ và tỉnh. Còn đơn thư phản ánh của dân chúng tôi chưa nhận được”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Đinh Ngọc Văn, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho hay, Tri Lễ là địa bàn thuộc khu vực biên giới. Việc xây dựng hoặc khai thác khoáng sản lẽ ra phải xin phép Biên phòng nhưng họ đã làm ngược lại.

Tại xã biên giới Tri Lễ chủ yếu có 4 Cty khai thác khoáng sản quặng sắt: Cty TNHH Ngọc Sáng khai thác trên diện tích 10ha, chủ yếu ở khu vực bản Piêng Lôm.

Cty TNHH 171 mới khai thác hai tháng nay, với diện tích 52 ha, chủ yếu ở hai điểm là bản Lằm và Na Lịt. Cty TNHH Xây lắp Miền Trung khai thác ở bản Na Niếng, với diện tích 30 ha, Cty Lâm Lệ Phong khai thác ở khu vực bản Tà Pàn trên diện tích 18 ha.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/573660/tan-hoang-thung-lung-vung-bien-tpp.html