Tận dụng thế mạnh địa phương phát triển kinh tế tập thể

Đầm Hà là một trong những địa phương của Quảng Ninh đi đầu trong việc tạo điều kiện phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Mặc dù huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) từng nằm trong danh sách những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Ninh, thế nhưng với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, huyện đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể, hợp tác xã giúp người dân thoát nghèo, nhiều mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi đã giúp đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Chả mực giã tay- đặc sản Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Chả mực giã tay- đặc sản Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Là một trong những hợp tác xã tiêu biểu của huyện Đầm Hà, ông Hà Thanh Tiêu- Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Chế biến thực phẩm Khánh Đan cho biết, trước đây nghề chả mực chỉ xuất phát từ mô hình quy mô nhỏ theo hình thức gia đình. Tuy nhiê, sau một thời gian thử nghiệm và nhận được nhu cầu từ thị trường, gia đình đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng để sản xuất và chế biến chả cá, chả mực theo dây chuyền hiện đại.

Cùng đó, chuẩn hóa quy trình nhập nguyên liệu đến vận chuyển, bán hàng, bỏ vốn mua lại công thức chế biến nhiều sản phẩm; trong đó, sản phẩm chủ lực là chả cá, chả mực các loại từ những đầu bếp hàng đầu trong nước. Cũng chính từ việc để chuẩn hóa việc sản xuất, kinh doanh, ông Hà Thanh Tiêu đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Thương mại và Chế biến thực phẩm Khánh Đan.

Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã đã đạt sản lượng hàng chục tấn/tháng và đầu ra là mối hàng tại các chợ truyền thống; bếp ăn công nghiệp trong doanh nghiệp, trường học, hệ thống cửa hàng tại nhiều huyện, thị trong tỉnh Quảng Ninh và hệ thống thương mại điện tử trong toàn quốc. Đặc biệt, việc thành lập hợp tác xã và nâng cấp nhà xưởng sản xuất đã tạo việc làm cho hàng chục lao động; trong đó, có nhiều lao động trước đây nghề nghiệp không ổn định, thuộc hộ nghèo, nay có cuộc sống đảm bảo, kinh tế phát triển bền vững.

Ông Hà Thanh Tiêu chia sẻ thêm, mới đây, sản phẩm của hợp tác xã đã tham gia "Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) Hà Nội năm 2023" được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đã thu hút đông đảo người dân Thủ đô tìm hiểu và mua sắm bởi chất lượng và giá cả hợp lý.

Hơn nữa, chả mực và chả cá các loại được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu cá, mực của Đầm Hà được đánh giá là rất dồi dào và tươi ngon là ưu thế lớn để có thể tạo ra sản phẩm sau chế biến đạt chất lượng nên được người tiêu dùng Quảng Ninh và các tỉnh, thành ưa chuộng.

Tương tự, trên địa bàn còn có giống gà bản địa của huyện Đầm Hà nổi tiếng thơm, ngon và được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao của địa phương. Tháng 6/2019, sản phẩm gà bản Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP của huyện Tiên Yên- tỉnh Quảng Ninh Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP của huyện Tiên Yên- tỉnh Quảng Ninh Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã Tuyền Hiền đã phục tráng và nhân giống thành công trong nhiều năm qua cho hay,gà bản Đầm Hà được bà con dân tộc Hoa nuôi giữ giống từ nhiều đời, là sản vật nổi tiếng của địa phương. Để có được gà giống bố mẹ, ông phải lên tận các xã vùng cao như Quảng Lâm, Quảng An của huyện Đầm Hà, thậm chí vào tận các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để thu gom. Hơn nữa, nhiều hộ không dám nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa vì sợ không bán được.

Tuy nhiên, kể từ khi có nhãn hiệu gà bản Đầm Hà đã thực sự giải tỏa nỗi lo của nhiều người chăn nuôi. Cùng đó, hợp tác xã đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương và liên kết với hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện Đầm Hà.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, thời gian đầu khi mới thành lập, hợp tác xã luôn gặp khó khăn bởi giao thông, điện lưới phục vụ nuôi gà chưa được ổn định. Hơn nữa, mặt bằng để phục vụ cho việc chăn thả gà tự nhiên khi đó còn khá hạn hẹp. Tuy nhiên, sau 1 năm đi vào hoạt động, những khó khăn này đã dần được giải tỏa và tạo điều kiện thuận lợi để bà con

Hiện tại, trung bình mỗi năm, Hợp tác xã Tuyền Hiền cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 - 250.000 con gà bản Đầm Hà giống gồm gà hoa mơ, gà râu và gà mũ. Đây đều là các giống gà đặc sản. Không chỉ cung cấp gà giống trong huyện, HTX đã mở rộng thị trường sang các địa phương khác như Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ...

Ngoài ra, gà thịt thương phẩm bán ra thị trường ước đạt 60 - 70 tấn một năm nhưng có lúc vẫn thiếu hàng. Đặc biệt, khi gà bản Đầm Hà được công nhận thương hiệu tập thể, số người đăng ký mua gà giống rất đông, đến nay đã có khoảng 200 hộ nuôi từ 1.000 - 3.000 con/hộ.

Cùng chung quan điểm vươn lên thoát nghèo, đầu năm 2019, anh Trương Thế Đô đã đầu tư khu nhà màng với diện tích trên 1.000m2 trồng dưa lưới, sau khoảng 3 tháng dưa cho thu hoạch với trọng lượng khoảng 1,5kg/quả. Mô hình thành công đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh.

Với mong muốn mở rộng quy mô phát triển kinh doanh đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản phẩm, dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, tháng 9/2021 anh Đô đã cùng 6 hộ nông dân trong vùng thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt.

Đáng lưu ý, từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đã có gần 4ha diện tích đầu tư sản xuất nông nghiệp; trong đó, đã xây dựng 4 nhà màng, với diện tích 7.000m2. Các sản phẩm nông nghiệp đang trồng là dưa lưới, dưa baby, cà chua... theo công nghệ Israel, cung cấp chủ yếu cho thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...

Đại diện UBND huyện Đầm Hà- Quảng Ninh cho biết, huyện Đầm Hà luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định của Trung ương và tỉnh.

Cụ thể như hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ giáo dục đối với con hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, tiền điện và chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Nhờ vậy, hiện nay toàn huyện Đầm Hà chỉ còn 18 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16%; 126 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,13% tổng số hộ dân của địa phương.

Năm 2023, huyện phấn đấu không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,68% trở lên, hộ cận nghèo còn lại 0,45%; phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87% trở lên; giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động; tỷ trọng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 56%; lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm xuống còn 44%...

Có thể thấy, huyện Đầm Hà đã và đang phát huy thế mạnh sản phẩm nông thủy sản địa phương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; trong đó, việc đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã rất đáng ghi nhận. Hướng đi này đã và đang giúp Đầm Hà nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, tỷ lệ giảm nghèo ngày càng thu hẹp, tiến tới trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tan-dung-the-manh-dia-phuong-phat-trien-kinh-te-tap-the/302197.html