Tận dụng cơ hội thị trường cuối năm

Từ đầu năm đến nay, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu, song với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại - dịch vụ vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng. Để hoạt động thương mại- dịch vụ tiếp tục phát triển, nhất là dịp cuối năm dương lịch đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh tiếp tục thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quản lý thị trường, bình ổn giá và tận dụng cơ hội, tạo sức bật lưu thông hàng hóa, trao đổi dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Khách hàng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm hàng hóa, tạo sự thuận tiện, giảm thiểu rủi ro.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng

Theo đánh giá của Sở Công thương, năm 2023 hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa được củng cố và mở rộng. Toàn tỉnh hiện có bốn trung tâm thương mại, 15 siêu thị, 197 chợ truyền thống, trên 20.000 cửa hàng chuyên doanh, tiện lợi, tạp hóa, phân bố ở khắp các huyện, thành, thị, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động địa phương.

Hệ thống mạng lưới bán hàng được phủ kín khắp nơi, thị trường hàng hóa cũng được đa dạng về chủng loại, các dịch vụ chăm sóc, phục vụ khách hàng được cải thiện. Nhiều đơn vị kinh doanh duy trì hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường, tích cực chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để khai thác các thị trường, khách hàng mới. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ theo đó cũng diễn ra khá sôi động, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang và đồ gia dụng.

Trong 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 46.300 tỉ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt trên 38.300 tỉ đồng, chiếm 82,6% tổng mức, tăng 14,4%... Doanh thu bán lẻ tăng so với cùng kỳ ở các nhóm hàng: Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 30,9%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 15,3%; hàng hóa khác tăng 14,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang, thiết bị gia đình tăng 13,5%...

Kích cầu tiêu dùng được xem là giải pháp quan trọng để thu hút khách hàng, tăng doanh số và lợi nhuận bán hàng. Từ đầu quý IV, các doanh nghiệp, đơn vị bán hàng đã xây dựng kế hoạch tổ chức khuyến mại cuối năm. Điểm chung là chương trình năm nay là sẽ kéo dài hơn, ưu tiên quảng bá, bán các sản phẩm nội địa là hàng Việt Nam. Theo ghi nhận tại tỉnh, hầu hết trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ đã phối hợp với các nhãn hàng, thương hiệu triển khai khuyến mại, giảm giá để kích cầu như “mua 2 tặng 1”; tặng phiếu giảm giá, phiếu mua hàng hoặc bán hàng theo combo gồm sản phẩm chính kèm quà tặng...

Chị Nguyễn Thị Huyền - Quản lý Siêu thị Aloha Hạ Hòa cho biết: Bắt đầu từ tháng 11, Siêu thị Aloha chi nhánh Hạ Hòa đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá, tri ân khách hàng bằng việc giảm giá đồng loạt cho các sản phẩm, tặng quà kèm theo sản phẩm, bán hàng đồng giá, tăng thời hạn bảo hành sản phẩm với các chính sách hậu mãi tốt kèm các chương trình tích điểm, đổi quà. Bên cạnh đó, với đặc thù siêu thị ở khu vực nông thôn nên ngoài việc áp dụng hình thức khuyến mại chung của các nhãn hàng, Siêu thị còn chủ động giảm lợi nhuận để nâng cao tính cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng.

Chương trình kích cầu tiêu dùng không chỉ tưng bừng ở các trung tâm thương mại, siêu thị, ở một số chợ truyền thống, nhiều doanh nghiệp còn thực hiện biện pháp bán hàng di động các mặt hàng như: Sữa uống các loại, bột giặt, dầu ăn... giúp người dân dễ tiếp cận và mua bán thuận lợi hơn. Các thương nhân buôn bán tại chợ cũng chủ động giảm giá, giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân - Chủ cửa hàng tiện lợi tại chợ Minh Phương, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Cuối năm luôn là thời điểm “vàng” cho các hoạt động kinh doanh. Chúng tôi đã phối hợp với các nhà cung cấp để có nguồn cung tốt, lượng hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý nhất. Hiện nay, cửa hàng đang có trên 100 sản phẩm giảm giá, khuyến mại để người tiêu dùng có thể lựa chọn và hưởng lợi nhiều nhất”.

Cùng đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, đơn vị bán hàng hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã thực hiện kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng như: Giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất và tăng cho vay tiêu dùng... Đặc biệt, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, tổ chức Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia năm 2023, trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực, hướng tới các mục tiêu kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước...

Nhiều khách hàng đã lựa chọn thời điểm khuyến mại để mua sắm nhằm giảm áp lực chi tiêu hàng ngày.

Tăng cường công tác quản lý

Việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng đã có tác động rất lớn tới tâm lý chi tiêu, nhu cầu mua sắm của người dân, qua đó tác động trực tiếp đến doanh số kỳ vọng của các doanh nghiệp bán lẻ. Theo dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thị trường bán lẻ có nhiều bước đột phá và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khi nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao, sôi động hơn. Đây là cơ hội để ngành bán lẻ cải thiện tình hình kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng.

Đề cập đến các giải pháp để tạo sức bật cho thị trường bán lẻ cuối năm, ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, cần có sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng giữa các bên. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại phù hợp với điều kiện và định hướng cho từng vùng, từng địa phương. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng nông thôn, tạo sự đồng bộ giữa hiện đại và truyền thống, giữa thị trường đô thị và nông thôn... tạo đà cho ngành thương mại - dịch vụ tăng tốc, phát triển.

Đặc biệt, tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng để theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa hoặc tăng giá cục bộ ở một số mặt hàng thiết yếu. Thực tế, thời điểm này, tại các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán buôn, bán lẻ sẵn sàng nguồn cung cũng như các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, hình thức, mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân. Mặt khác, các sở, ngành, địa phương cũng gia tăng hoạt động hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Cùng với sự tích cực của các cơ quan quản lý, bản thân các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần quan tâm tới nâng cao chất lượng hàng hóa, gắn kinh doanh với quản lý chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ; liên kết với các nhà sản xuất để tìm kiếm, xây dựng nguồn hàng ổn định với giá cả cạnh tranh. Thêm vào đó, tăng cường công tác chăm sóc khách hàng, chế độ hậu mãi sau bán hàng... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tạo sức bật cho thị trường cuối năm.

Với các giải pháp nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, các doanh nghiệp đều kỳ vọng doanh số bán lẻ sẽ tăng từ 15-20% trong mùa cao điểm mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/tan-dung-co-hoi-thi-truong-cuoi-nam/203549.htm