Tận diệt để tận thu cây quý

(PL&XH)-Báo PL&XH ra ngày 21-10, có thông tin bài viết "Rối chuyện hậu sự cây sưa lớn nhất tỉnh" phản ánh việc cây sưa tại số 9 phố Cao Thắng, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa bị một nhóm đối tượng dùng cưa cắt gần đứt phần thân.

Lần dở hồ sơ vụ việc về cây sưa và cách tiến hành xử lý loài sưa quý tại đây có nhiều điều đáng nói.

Sau khi tận diệt cây sưa quý thì cây khác vẫn chưa được thay thế

Theo đó, ngay sau khi cây sưa lớn nhất tỉnh bi nhóm đối tượng lạ mặt đến cưa trộm, UBND TP Thanh Hóa đã có công văn số 2061/UBND-KT ngày 21-9-2011 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin phép chặt cây gỗ sưa tại vỉa hè số 9 Cao Thắng, Điện Biên, TP Thanh Hóa. Thay vì biện pháp chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc cũng như xử lý trách nhiệm đối với Cty TNHH một thành viên Môi trường và công trình đô thị về thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ việc trên, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền, đã vội vã ban hành công văn số 7160/UBND-NN ngày 20-10-2011 gửi Sở Nông Nghiệp, UBND TP Thanh Hóa, Sở Tài chính trong việc xử lý cây sưa.

Theo đó, UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo Cty TNHH một thành viên Môi trường và công trình đô thị khai thác tận dụng cây gỗ sưa trên, trên nguyên tắc tận dụng toàn bộ gốc, rễ, thân, cành ngọn và bán đấu giá ngay sản phẩm tận dụng để nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Tiếp sau đó, ngày 27-10-2011, UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo Cty TNHH một thành viên Môi trường và công trình đô thị Thanh Hóa, có địa chỉ số 467, Lê Hoàn, Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa thực hiện việc chặt hạ cây gỗ sưa nói trên.

Cây sưa vẫn đang còn khả năng sinh trưởng đã bị tận diệt

Theo đó, được xem là một trong những cây sưa lớn nhất tỉnh, chỉ trong chốc lát đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa tận diệt tận gốc với một khoảng đất trống vẫn chưa có cây nào thế chỗ. Điều này đã khiến người dân thành phố Thanh Hóa đặt ra nhiều câu hỏi: Đó có phải là cách làm thấu tình, đạt lý khi những chồi non của cây sưa vừa bị cưa đứt vẫn đang hé hộ một sức sống mãnh liệt! Làm như vậy, sẽ là tiền lệ xấu trong việc quản lý, bảo quản loài sưa quý tại thành phố Thanh Hóa. Bởi lẽ, họ chỉ biết tận thu sản phẩm quý hiếm có từ thiên nhiên như loài sưa đỏ để hưởng thụ những thành quả của thiên nhiên. Vậy, trách nhiệm của những người được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc cây xanh của thành phố Thanh Hóa sẽ bị xử lý như thế nào khi xảy ra sự việc trên?

Trần Đại

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2011110110373645p1001c1017/tan-diet-de-tan-thu-cay-quy.htm