Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ tuyên thệ nhậm chức

Ngày 7/1, ứng viên Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa cuối cùng đã giành chiến thắng tại vòng bỏ phiếu thứ 15, chính thức đắc cử ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ. Chiến thắng của ông đã chấm dứt tình trạng rối loạn chức năng quốc hội sâu sắc nhất trong hơn 160 năm qua nhưng nó đã cho thấy rõ ràng những khó khăn mà ông sẽ phải đối mặt khi lãnh đạo một thế đa số mong manh.

CHIẾN THẮNG MUỘN MÀNG

Trong vòng bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện Mỹ lần thứ 15 ngày 7/1, ứng viên đảng Cộng hòa Kevin McCarthy giành được 216 phiếu và trở thành lãnh đạo cơ quan này, kết thúc cuộc bầu chủ tịch Hạ viện Mỹ kéo dài nhất trong 164 năm qua.

Ông McCarthy được bầu làm chủ tịch Hạ viện Mỹ sau khi phải trả giá bằng cách nhượng bộ nhóm cánh hữu có đường lối cứng rắn.

4 nghị sĩ Cộng hòa cuối cùng phản đối ông McCarthy trong vòng bỏ phiếu thứ 14 gồm Eli Crane, Andy Biggs, Matt Rosendale và Bob Good đã bỏ phiếu trắng. Việc 4 người này bỏ phiếu trắng giúp McCarthy không cần phải giành được tối thiểu 218 phiếu như trước đây, mà chỉ cần 216 phiếu là đủ để trở thành Chủ tịch Hạ viện.

Ngay sau đó ông đã tuyên thệ nhậm chức.

Đây là một chiến thắng đến rất muộn của ông McCarthy, sau khi vị hạ nghị sĩ bang California này đã phải chứng kiến thất bại ở vòng bỏ phiếu thứ 14 vào nửa đêm.

Tân chủ tịch Hạ viện Mỹ KEVIN MCCARTHY: "Chúng tôi đã mất nhiều thời gian hơn chúng ta nghĩ một chút, nhưng nếu có một điều mà tôi hy vọng cả nước biết về tôi trong tuần này thì đó là tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ không bao giờ từ bỏ vì các bạn, rằng chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì các bạn để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ thực hiện đúng cam kết với nước Mỹ.”

THÁCH THỨC ĐÓN CHỜ TÂN CHỦ TỊCH HẠ VIỆN

Chiến thắng của ông McCarthy dù sao cũng giúp Quốc hội Mỹ chấm dứt những thời khắc hỗn loạn và chia rẽ nhất trong 160 năm qua. Tuy nhiên, diễn biến này cũng hứa hẹn những khó khăn phía trước với vị chủ tịch Hạ viện vừa đắc cử khi ông và các đồng minh phải đưa ra những nhượng bộ lớn đối với một khối nhỏ những người cực hữu, trong đó nhiều người đã phản đối ông làm Chủ tịch Hạ viện từ nhiều tháng qua. Dù được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhưng giới chuyên gia cho rằng ông McCarthy có thể đối mặt với nhiều khó khăn khi lãnh đạo một đa số hẹp và bị chia rẽ sâu sắc.

Khó khăn lớn nhất của McCarthy là ông đã đồng ý với yêu cầu của một nhóm các nghị sĩ cứng rắn rằng bất kỳ nghị sĩ nào cũng có thể đề nghị bãi nhiệm ông nếu cần thiết. Theo đó, việc kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chủ tịch Hạ viện dễ dàng hơn nhiều so với hiện tại.

Điều này khiến quyền lực của ông McCarthy yếu đi trong các vấn đề chính sách, chẳng hạn nỗ lực thông qua dự luật như tài trợ chính phủ, xử lý trần nợ công, và một số khủng hoảng khác trong bối cảnh kinh tế và xã hội khó khăn hiện nay.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tan-chu-tich-ha-vien-my-tuyen-the-nham-chuc