Tấn bi kịch mang tên Lehman Brothers năm 2008

Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers - đại gia ngân hàng Mỹ nộp đơn phá sản. Sự kiện chấn động này đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất từ sau Thế chiến II.

Sáng thứ sáu, tôi dùng bữa sáng với Paulson tại Bộ Tài chính. Chúng tôi nhất trí rằng chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để giúp Lehman không phải rơi vào thảm họa. Tôi không tạo thêm áp lực cho ông về những tuyên bố mà Bộ Tài chính đã để rò rỉ với hàm ý rằng Paulson đã bác bỏ việc Chính phủ đổ tiền vào Lehman.

Tôi biết những tuyên bố này được đưa ra trong lúc Paulson tức giận - cũng dễ hiểu thôi vì ông không thích trở thành gương mặt đại diện cho những cuộc cứu trợ của Phố Wall - và là một phần của chiến thuật, cũng như nỗ lực khuyến khích khu vực tư nhân tự tìm ra giải pháp cho riêng mình. Tôi biết mọi khoản tiền của Chính phủ đều đến từ FED, chứ không phải Bộ Tài chính. […]

Có vẻ như số phận của Lehman sẽ được định đoạt vào cuối tuần. Tim Geithner đã mời CEO của các cơ quan tài chính lớn tới dự một cuộc họp vào tối thứ Sáu tại FED New York. Lehman và Ngân hàng Mỹ, với vai trò người mua tiềm năng, không được mời. […]

Mục tiêu của Tim là đạt được thỏa thuận nào đó có thể cứu Lehman. Quy trình này sẽ diễn ra theo hai tuyến. Ở tuyến thứ nhất, các chuyên gia sẽ đánh giá tài sản và cố gắng xác định giá trị thực của Lehman. Một nhóm đến từ Ngân hàng Mỹ đã khởi động. Chúng tôi khá phấn khởi khi thấy đối tượng quan tâm tới Lehman đang tới từ một khu vực mới, Ngân hàng Barclays của Anh. Một trong những ngân hàng lớn nhất, lâu đời nhất thế giới (ra đời từ năm 1690), Barclays, giống như Ngân hàng Mỹ, muốn tăng cường vị thế của mình trong mảng ngân hàng đầu tư.

Ở tuyến thứ hai, các CEO của Phố Wall phối hợp cùng FED, Bộ Tài chính và SEC, tìm cách xây dựng các phương án khác nhau đối với Lehman. Đến cuối tuần, chúng tôi nghĩ rất có khả năng Ngân hàng Mỹ hoặc Barclays sẽ hỗ trợ hoặc đảm bảo tài chính để hỗ trợ cho việc thu mua Lehman.

Còn một khả năng nữa, vắng đi người mua duy nhất, chúng tôi có thể tìm kiếm một số thỏa thuận hợp tác toàn ngành nhằm ngăn chặn sự phá sản hỗn loạn của Lehman. Lại một lần nữa chúng tôi nghĩ đến trường hợp tương tự, vụ giải cứu Long Term Capital Management (LTCM).

Gần 10 năm về trước, FED New York đã cung cấp cho nhóm CEO của các công ty tài chính một địa điểm gặp mặt (hỗ trợ thêm bánh sandwich và cà phê), nhưng chẳng nhận được sự hỗ trợ tài chính nào. Với sự có mặt của FED ở vị trí điều phối, mỗi CEO đã góp một số tiền đủ để LTCM có thể giải thể từ từ. […]

Thông tin Lehman đệ đơn xin phá sản lúc 1 giờ 45 phút sáng thứ hai ngày 15 tháng 9 đã lan khắp thị trường tài chính. Nguồn: VCCI.

Những ngày cuối tuần thật ảm đạm. Paulson, Tim, Cox và Kevin Warsh đang ở New York để tham gia đàm phán. Hội đồng Thống đốc đã họp cả vào ngày cuối tuần để phê chuẩn việc mua lại Lehman, tôi ngồi lì trong văn phòng gần như cả ngày. Chúng tôi tận dụng những cuộc gọi hội nghị thường xuyên để cập nhật thông tin cho Bộ Tài chính, FED và SEC. (Thiết bị thu âm đặt trên chiếc bàn trà góc trong văn phòng, nơi tôi vẫn thực hiện các cuộc gọi, bắt đầu xuất hiện trong cả giấc mơ.) Tôi chợp mắt một lúc trên chiếc sô-pha bọc da màu đỏ tía ngay trong văn phòng, ghé về nhà một lúc vào tối muộn thứ sáu và thứ bảy.

Vào tối thứ sáu và sáng thứ bảy, tôi nhận được những báo cáo thật đau lòng. Cả Ngân hàng Mỹ và Barclays đều thấy những khoản lỗ lớn hơn so với dự tính trong bảng cân đối của Lehman. Họ mong Chính phủ huy động nguồn vốn mới trị giá 40-50 tỷ đôla. […]

Thứ bảy trôi qua, tình hình trả nợ của Lehman đã ở mức rất nghiêm trọng, thậm chí có khả năng phải bán tháo, tuy nhiên các thị trường thanh khoản thấp đã cố ý dìm giá trị tài sản của nó xuống mức thấp. Fuld tuyên bố Lehman không phá sản, dù những số liệu về vốn mà ông nêu ra dựa trên những đánh giá tài sản được thổi phồng của công ty và lượng vốn phóng đại.

Việc Lehman mất khả năng thanh toán khiến công cuộc giải cứu nó trở nên bất khả thi nếu chỉ dựa vào tiền vay từ FED. Ngay cả khi sử dụng đến thẩm quyền khẩn cấp Mục 13(3) của mình, chúng tôi sẽ vẫn đặt ra yêu cầu cho vay với điều kiện thế chấp đầy đủ. FED không có thẩm quyền bơm vốn hay cho vay khi chúng tôi không chắc chắn về khả năng hoàn trả đầy đủ của người vay.

Chúng tôi có thể sử dụng thẩm quyền cho vay để xúc tiến việc mua lại Lehman, nhưng khả năng tài chính yếu kém của công ty này là một vấn đề rất lớn đối với bất kỳ công ty nào có ý định mua lại nó. Không biết những lợi ích lâu dài khi mua lại Lehman như thế nào, nhưng trước mắt, với những khoản lỗ của nó thì thật khó để bên mua lại có thể xử lý được.

Tôi hy vọng chúng tôi sẽ nhận được sự trợ giúp từ các CEO tập hợp tại phòng hội nghị của Tim. Thế nhưng, họ không hào hứng vì biết nguồn lực của chính mình đang rất hạn chế, và đây cũng là huyết mạch của họ khi cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng.

Tin tức nhận được sáng chủ nhật còn tồi tệ hơn cả thứ bảy. Ngân hàng Mỹ hiện tại hiển nhiên không có cơ hội thắng trong vụ thu mua Lehman. (Về sau, Ken Lewis cho biết ông đã thông báo với Paulson rằng giá trị tài sản của Lehman thấp hơn ước tính chính thức tới 60-70 tỷ đôla). […]

Cuộc gọi của Tim đã đập tan những hy vọng cuối cùng còn sót lại của tôi. Ông cho hay không tìm được người mua Lehman, còn Ngân hàng Mỹ thì đang đàm phán với Merrill Lynch. Barclays thì không thể giải quyết kịp những vấn đề mang tính pháp lý để bảo lãnh các khoản nợ của Lehman. Tôi hỏi Tim rằng nếu chúng tôi cho Lehman vay dựa trên tài sản thế chấp lớn nhất để đảm bảo công ty này sạch nợ trong một khoảng thời gian thì việc mua lại có khả thi không.

“Không”, Tim trả lời. “Việc chúng ta cho vay sẽ tạo ra một cuộc rút tiền ồ ạt không thể ngăn chặn”. Ông giải thích cặn kẽ, nếu không tìm được người mua để bảo lãnh cho những khoản nợ và vực dậy hoạt động của Lehman, thì không khoản vay nào từ FED có thể cứu được công ty này. Ngay cả khi chúng tôi cho Lehman vay dựa trên những tài sản giá trị nhất, các chủ nợ cá nhân và bên đối tác sẽ chớp ngay cơ hội này để rút vốn về, càng sớm càng tốt. […]

Thông tin Lehman đệ đơn xin phá sản lúc 1 giờ 45 phút sáng thứ hai ngày 15 tháng 9 đã lan khắp thị trường tài chính - ban đầu là ở nước ngoài, sau đó là tại Mỹ. Don Kohn, Kevin Warsh, Tim Geithner và tôi đã triệu tập một cuộc gọi hội nghị lúc 9 giờ sáng để đánh giá những diễn tiến thị trường.

Đến cuối ngày, chỉ số Dow Jones tụt xuống còn 504 điểm, mức giảm tệ nhất tính theo ngày trong suốt bảy năm qua. Giá cổ phiếu của AIG giảm tới hơn một nửa. Cổ phiếu của Morgan Stanley và Goldman Sachs - hai ngân hàng đầu tư độc lập còn lại - cũng mất 1/8 giá trị.

Ben S. Bernanke / Alpha Books - NXB Công Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tan-bi-kich-mang-ten-lehman-brothers-nam-2008-post1439874.html