Tâm tĩnh lặng giúp nghệ thuật thăng hoa

Niềm đam mê với sự im lặng của John Cage, nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới, bắt đầu từ rất sớm. Cũng nhờ tĩnh tâm chống lại tiếng ồn, ông đã sáng tác bản nhạc để đời.

Năm 1928, trong một cuộc thi diễn thuyết tại trường Trung học Los Angeles, ông đã cố gắng thuyết phục các học sinh và ban giám khảo rằng nước Mỹ nên tổ chức một Ngày Im lặng quốc gia.

Ông nói với khán giả rằng bằng cách quan sát sự im lặng, cuối cùng họ sẽ có thể “nghe được những gì người khác nghĩ”.

Đó là khởi đầu của cuộc khám phá và thử nghiệm suốt đời của Cage về ý nghĩa của việc im lặng và cơ hội lắng nghe mà sự im lặng có kỷ luật tạo ra.

Cage đã đi nhiều nơi sau khi học trung học. Ông đi du lịch châu Âu, học hội họa, dạy nhạc, sáng tác nhạc cổ điển. Ông là một người ham quan sát.

Sinh năm 1915 tại California, ông đã đủ lớn để nhớ cuộc sống thời kỳ tiền cơ giới hóa là như thế nào, và khi thế kỷ này trở nên hiện đại, khi công nghệ làm thay đổi mọi ngành nghề và công việc, ông bắt đầu nhận thấy mọi thứ trở nên ồn ào đến mức nào.

Cage từng nói: “Cho dù chúng ta đang ở đâu, những gì chúng ta nghe thấy hầu hết là tiếng ồn. Khi chúng ta phớt lờ nó, nó sẽ làm phiền chúng ta. Khi chúng ta lắng nghe nó, chúng ta thấy nó thật hấp dẫn”.

Đối với Cage, im lặng không nhất thiết là sự vắng mặt của tất cả âm thanh. Ông yêu thích âm thanh của xe tải đi 50 dặm một giờ, tiếng nhiễu sóng trên radio, tiếng o o của một bộ khuếch đại, tiếng nước xao động.

Trên hết, ông đánh giá cao những âm thanh đã bị bỏ lỡ hoặc bị át đi bởi cuộc sống ồn ào của chúng ta.

Năm 1951, ông đến thăm một phòng tiêu âm, đó là phòng cách âm tiên tiến nhất thế giới vào thời điểm đó. Với đôi tai thính nhạy của một nhạc sĩ, ngay cả trong căn phòng đó, ông vẫn nghe được âm thanh. Hai âm, một cao và một trầm.

Sau đó, nói chuyện với người kỹ sư, ông vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra nguồn gốc của những âm thanh đó là tiếng hệ thần kinh và tiếng tim bơm máu của chính mình.

Có bao nhiêu người trong chúng ta từng đến gần với loại yên tĩnh này? Giảm tiếng ồn và tiếng nói chuyện xung quanh bạn đến mức bạn có thể nghe thấy cuộc sống của chính mình theo đúng nghĩa đen? Bạn có thể tưởng tượng được không? Bạn có thể làm gì với sự tĩnh lặng đến mức ấy?

John Cage (1912-1992) là một trong những nhà soạn nhạc có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Ảnh: Tinhnhac.

Chính phản ứng chống lại những tiếng ồn không cần thiết đã truyền cảm hứng cho tác phẩm nổi tiếng nhất của Cage, 4'33'', ban đầu được hình thành với tựa đề Silent Prayer (tạm dịch: Nguyện cầu thầm lặng).

Cage muốn tạo ra một bài hát tương tự âm nhạc đại chúng ngày nay, cùng độ dài, được trình diễn trực tiếp và phát trên radio như mọi bài hát khác. Sự khác biệt duy nhất là 4'33'' sẽ là một “mảnh im lặng không gián đoạn”.

[…]

Thực ra, 4'33'' không nhằm mục đích đạt được sự im lặng hoàn toàn, bài hát chính là những gì diễn ra khi bạn ngừng đóng góp thêm tiếng ồn. Bài hát được nghệ sĩ dương cầm David Tudor biểu diễn lần đầu tiên tại Woodstock, New York.

Cage phát biểu về buổi biểu diễn đầu tiên đó: “Không có gì là im lặng. Bởi vì họ không biết cách lắng nghe, cái mà họ nghĩ là im lặng đầy những âm thanh tình cờ. Bạn có thể nghe thấy tiếng gió xào xạc bên ngoài trong phần đầu tiên. Trong phần thứ hai, những hạt mưa bắt đầu rơi lộp độp trên mái nhà, và trong phần thứ ba, chính mọi người đã tạo ra đủ loại âm thanh thú vị khi họ nói chuyện hoặc bước ra ngoài”.

[…]

Thomas Carlyle từng nói: “Khả năng suy nghĩ sẽ không hoạt động trừ khi nó ở trong yên tĩnh”. Nếu muốn suy nghĩ tốt hơn, chúng ta cần nắm bắt những khoảnh khắc yên tĩnh này.

Nếu chúng ta muốn có thêm nhiều khám phá, những hiểu biết sâu sắc, đột phá hoặc những ý tưởng mới mẻ, lớn lao, chúng ta phải tạo thêm không gian cho chúng. Chúng ta phải bước ra khỏi sự thoải mái của những trò tiêu khiển và kích thích ồn ào. Chúng ta phải bắt đầu lắng nghe.

Ryan Holiday/ NXB Dân trí và Tân Việt Books

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-tinh-lang-giup-nghe-thuat-thang-hoa-post1257025.html