Tâm sự nghề bác sĩ tâm thần: Bài 3 (bài cuối) - 'Phác đồ' nào cho tương lai?

Đâu đó ở Việt Nam nhắc đến từ khóa tâm thần nhiều người vẫn kỳ thị, xa lánh. Với suy nghĩ đó nên nên việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế cho ngành tâm thần còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh. Bác sĩ tâm thần cũng vì thế chật vật, khó khăn đủ đường.

Bài 3 (bài cuối) - "Phác đồ" nào cho tương lai?

Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa có tuổi đời 51 năm, thuộc hàng lâu đời trong nhóm các bệnh viện chuyên khoa tâm thần tuyến tỉnh

Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa có tuổi đời 51 năm, thuộc hàng lâu đời trong nhóm các bệnh viện chuyên khoa tâm thần tuyến tỉnh

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến nay cả nước ta có 3 bệnh viện tâm thần tuyến trung ương, 43 bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh và 1 trạm tâm thần, 25 khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa. Ngoài ra còn 63/63 chuyên ngành tâm thần thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh. Tỷ lệ giường bệnh trên 100 nghìn dân là 9,43 giường; tỷ lệ bác sĩ tâm thần trên 100 nghìn dân là 1,12.

Những con số trên cho thấy, chuyên khoa đã có bước phát triển nhất định nhưng vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) số bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân ở Singapore là 3,48; ở Mỹ là 12,4. Việt Nam chỉ có hơn một bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân là quá thấp.

Cùng với đó, hệ thống tổ chức y tế chưa ổn định, chưa ban hành luật sức khỏe tâm thần; cơ sở vật chất xuống cấp; trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần thiếu và lạc hậu. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên chưa thường xuyên được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ thuật; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên còn nhiều bất cập.

Hiện nay còn khoảng 20 tỉnh chưa có bệnh viện tâm thần. Các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh chưa có khoa tâm thần chiếm đa số. Bệnh viện đa khoa huyện chưa có các đơn nguyên về tâm thần. Riêng khối y tế tư nhân, chuyên khoa tâm thần gần như bỏ trống.

Trong khí đó, theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thì có khoảng 14,2% dân số cả nước mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp tương đương khoảng 13 triệu người. Trong đó, Sa sút trí tuệ khoảng 1,5 triệu người (1,52%); Rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não 150 nghìn người (0,15%); Lạm dụng rượu và nghiện rượu khoảng 4 triệu người (4,07%); Nghiện ma túy khoảng 400 nghìn người (0,42%); Tâm thần phân liệt khoảng 250 nghìn người (0,27%); Trầm cảm khoảng 2,5 triệu người (2,45%); Lo âu khoảng 2,8 triệu người (2,94%); Chậm phát triển tâm thần khoảng 500 nghìn người (0,57%); Rối loạn hành vi thanh thiếu niên khoảng 200 nghìn người (0,21%); Động kinh khoảng 163 nghìn người (0,17%); ngoài ra còn hàng triệu người mắc các rối loạn tâm thần khác. Trong giai đoạn vừa qua mới chỉ giải quyết được khoảng 2-3% trong tổng số các rối loạn này.

có tuổi đời 51 năm nhưng hiện chỉ có 392 giường thực kê, 239 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 1 tiến sĩ, 9 bác sĩ chuyên khoa 2, 18 bác sĩ chuyên khoa 1, 1 thạc sĩ… dù thuộc hàng bệnh viện có đội ngũ nhân lực chất lượng, quy mô lớn trong nhóm các cơ sở khám chữa bệnh về tâm thần ở nước ta, sau các bệnh viện tâm thần tuyến Trung ương.

Việc quan tâm, đầu tư phát triển chuyên khoa tâm thần ở Thanh Hóa vẫn chưa được nhìn nhận, quan tâm đúng mức. Nhiều năm qua, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa vẫn hoạt động tại cơ sở điều trị đã xây dựng từ vài chục năm trước, nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng, không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời.

Khuôn viên của Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa chật chội, nhiều hạng mục đã xuống cấp, thiếu khu vực sinh hoạt chung cho bệnh nhân

Khuôn viên của Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa chật chội, nhiều hạng mục đã xuống cấp, thiếu khu vực sinh hoạt chung cho bệnh nhân

Sau đại dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý về tâm thần tăng đột biến, gần 400 giường bệnh thực kê tại đây không đáp ứng nổi. Bệnh viện đã phải cơ cấu, thu hẹp lại các phòng ban phục vụ cán bộ, nhân viên y tế, dành thêm phòng điều trị cho bệnh nhân. 100% các khu điều trị, khám bệnh đều chưa có nhà vệ sinh khép kín… Do đặc thù bệnh nhân tâm thần không thể nằm ghép giường vì không đảm bảo an toàn nên áp lực quá tải ngày càng lớn.

Lãnh đạo bệnh viện cho hay, nhiều chương trình tài trợ về thiết bị và đào tạo của các tổ chức phi chính phủ ngỏ ý muốn hỗ trợ bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị của đơn vị không đáp ứng được yêu cầu của họ nên đánh mất luôn cơ hội được thụ hưởng chính sách.

Tất cả các khu điều trị của bệnh viện đều chưa có nhà vệ sinh khép kín

Tất cả các khu điều trị của bệnh viện đều chưa có nhà vệ sinh khép kín

Cần thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần

BS Lê Bật Tân - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa cho biết, những năm gần đây, nhận thức xã hội về sức khỏe tâm thần đã tiến bộ hơn, thông qua số lượt người đến khám, tư vấn, điều trị tại các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần tăng lên. Tuy nhiên, thực tế, mới chỉ có khoảng 15% nguồn bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng tìm đến bác sĩ và các cơ sở y tế điều trị.

Người Việt Nam phần lớn chỉ quan tâm đến các bệnh về thể xác mà ít quan tâm đến các bệnh về tinh thần. Những người bị bệnh tâm thần, dù bị nhẹ nhưng gia đình thường giấu, không đưa đến bệnh viện để thăm khám kịp thời dẫn đến tình trạng bệnh tật ngày càng nặng. Hoặc có những người có dấu hiệu bị tâm thần nhưng lại tìm đến các chuyên khoa khác do ngại bị kỳ thị dẫn đến việc điều trị không hiệu quả.

Theo bác sĩ Tân, để thay đổi những hạn chế về nhận thức, trước hết phải từ chính bác sĩ, nhân viên tại các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần và các cơ quan quản lý nhà nước. Không phân biệt bác sĩ ngành này, ngành nọ, chiếu trên, chiếu dưới mà chỉ có bác sĩ nào giỏi nghề, có tâm với nghề hơn bác sĩ nào.

Nghề y vốn là nghề đặc thù, bác sỹ tâm thần càng có tính đặc thù hơn. Do đó cần có cơ chế khuyến khích sinh viên ngành y theo đuổi chuyên khoa tâm thần thông qua cơ chế đãi ngộ, môi trường làm việc….

“Trong xu thế của xã hội văn minh, các quan niệm lạc hậu về bệnh tâm thần sẽ dần thay đổi. Người bệnh tâm thần sẽ được quan tâm, đối xử công bằng như các bệnh nhân khác, ít ra là từ góc độ nhận thức của cộng đồng. Cùng với đó, áp lực của cuộc sống hiện đại cũng khiến số người mắc các bệnh lý về tâm thần ngày càng tăng.

Do đó, tôi tin, chuyên khoa tâm thần sẽ phát triển mạnh trong những năm tới, trước hết là để phòng ngừa, sau đó là điều trị tốt hơn, có vị thế xứng đáng trong ngành y nói chung, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân”, Bác sĩ Lê Bật Tân kỳ vọng.

Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2035. Mục tiêu là nâng cao sức khỏe tâm thần, dự phòng các rối loạn tâm thần, bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, thúc đẩy sự hồi phục, bảo vệ quyền con người, giảm bệnh tật, tử vong và tàn tật cho người có các rối loạn tâm thần.

Phấn đấu đến năm 2025, 70% người trưởng thành hiểu biết về sức khỏe tâm thần; 50% người có rối loạn tâm thần nhận thức được quyền con người của mình; giảm 20% tỷ lệ tự tử; tăng thêm 50% số lượng người có rối loạn tâm thần được điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần…

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/tam-su-nghe-bac-sy-tam-than-bai-3-bai-cuoi-phac-do-nao-cho-tuong-lai-d189179.html