Tầm quan trọng của vật liệu polymer composite

Polymer composite được tổng hợp, chế tạo từ nhiều loại vật liệu khác nhau nhằm mục đích tạo ra loại mới với nhiều đặc điểm ưu việt hơn hẳn ban đầu.

Trong các tính năng quan trọng của polymer composite, người ta đánh giá cao vật liệu này khi chúng có khối lượng rất nhẹ, độ bền cao, độ dẫn điện, dẫn nhiệt thấp. Chúng có thể ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp có yêu cầu cao - nơi có môi trường khắc nghiệt - như hàng không vũ trụ, sản xuất ôtô, chế tạo máy…

Trên thế giới, tổng khối lượng vật liệu composite tăng nhanh theo thời gian, từ 160.000 tấn (1960) lên 6,1 triệu tấn (2004) và con số này còn lớn hơn nhiều lần nếu tính trong giai đoạn 10 năm trở lại đây.

Tại Việt Nam, vật liệu polymer composite được sử dụng từ những năm 70 của thế kỷ 20 và ngày càng phát huy nhiều giá trị trong cuộc sống cũng như sản xuất. Các sản phẩm được chế tạo từ loại vật liệu này xuất hiện ở mọi nơi xung quanh ta. Khối lượng, chất lượng và chủng loại của chúng cũng không ngừng gia tăng.

Cuốn Vật liệu polymer composite: Khoa học và Công nghệ của nhóm tác giả Trần Vĩnh Diệu, Hồ Xuân Năng, Phạm Anh Tuấn, Đoàn Thị Yến Oanh sẽ cho độc giả cái nhìn tổng quan hơn về tầm quan trọng trong việc ứng dụng loại vật liệu này vào thực tế.

Tác phẩm được Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ phát hành. Cuốn sách đem đến góc nhìn toàn diện cho Polymer Composite - nhóm vật liệu quan trọng hàng đầu trong nhiều ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo hiện nay tại Việt Nam và trên cả thế giới.

Vật liệu polymer composite: Khoa học và Công nghệ gồm 16 chương, được chia thành ba phần chính. Trong đó, phần một đề cập tới những kiến thức cơ bản về vật liệu nền, cốt gia cường… Phần hai trình bày đầy đủ về kỹ thuật chế tạo vật liệu, từ khâu thiết kế, tạo khuôn, tạo hình tới tiến hành kiểm định chất lượng, độ bền và các thông số kỹ thuật quan trọng khác.

 Sách Vật liệu polymer composite: Khoa học và Công nghệ được nhóm tác giả đầu tư nhiều tâm huyết, kinh nghiệm và kiến thức. Ảnh: Thành Đông.

Sách Vật liệu polymer composite: Khoa học và Công nghệ được nhóm tác giả đầu tư nhiều tâm huyết, kinh nghiệm và kiến thức. Ảnh: Thành Đông.

Trong chương cuối của phần hai là dành cho kỹ thuật tái chế. Qua đó, giúp độc giả hay những người nghiên cứu có được tư duy toàn diện về quá trình sản xuất, xử lý Polymer Composite. Cuối cùng, phần ba của cuốn sách sẽ là không gian để nhóm tác giả mô tả các loại vật liệu composite hiện đại, tiên tiến trên thế giới.

Cuốn sách được trình bày rõ ràng, dễ hiểu giúp độc giả có thể tiếp cận một cách mạch lạc các thông tin kiến thức về công nghệ của chuyên ngành đặc thù này. Do đó, Vật liệu polymer composite: Khoa học và Công nghệ không chỉ có giá trị nghiên cứu cao mà còn có thể được áp dụng vào trong các môn học chuyên ngành để đào tạo thế hệ mới.

Nhóm tác giả Trần Vĩnh Diệu, Hồ Xuân Năng, Phạm Anh Tuấn, Đoàn Thị Yến Oanh đều là những chuyên gia đầu ngành, đã dành hàng chục năm cống hiến trong lĩnh vực này. Trong đó, GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu là chuyên gia về Polymer Composite hàng đầu nước ta. Ông từng làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polymer và PTN Trọng điểm Quốc gia về Vật liệu Polymer và Composite tại Hà Nội.

Hứa Mộc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-quan-trong-cua-vat-lieu-polymer-composite-post1356377.html