Tầm quan trọng của câu hỏi 'tại sao?'

'Ai biết được cái tại sao của cuộc đời mình thì có thể đối chọi với muôn vàn cái như thế nào'.

Những gì đã biết và các câu hỏi

Suy nghĩ là sự kết hợp giữa những gì đã biết và những gì chưa biết.

· Dùng những gì đã biết để tìm ra những gì chưa biết.

· Dùng những gì nhìn thấy được để tìm ra những gì chưa nhìn thấy được.

· Dùng những gì nghe thấy được để phán đoán những gì có thể chưa nghe thấy.

· Dùng những gì đã nói để chuẩn bị cho những gì sẽ nói.

Một trong những thói quen của suy nghĩ, là việc đặt câu hỏi. Thứ tự của câu hỏi và bản chất của câu hỏi sẽ đưa suy nghĩ đến những thông tin khác nhau.

Câu hỏi đóng: thường dưới dạng câu hỏi có/ không và câu hỏi lựa chọn, tập trung vào mục đích của người hỏi, người hỏi cần khai thác một danh mục các thông tin nhất định và cần câu trả lời ngắn từ người trả lời, ví dụ như câu hỏi trong các phiếu khai báo y tế, “Bạn có hút thuốc không? Bạn có tiền sử các bệnh liên quan đến đường hô hấp hay không?”

Ảnh minh họa. Nguồn: Artem Podrez/Pexels.

Câu hỏi mở: ví dụ như câu hỏi cái gì, ở đâu, khi nào, ai, tại sao, như thế nào. Những câu hỏi này chú tâm đến người trả lời, nên câu hỏi mở thường được dùng cho phỏng vấn, hỏi sau khi thuyết trình các bài tập lớn, bảo vệ luận văn.

Suy nghĩ của chúng ta rất linh hoạt trong việc đặt câu hỏi, cả câu hỏi đóng và mở.

Ví dụ, khi các giảng viên hỏi sinh viên trong lớp, “các bạn có hiểu không?” và hàm ý “chắc là hiểu”. Nên sinh viên sẽ gật gù hoặc nói, “hiểu”. Hay khi chúng ta mặc đồ mới và hỏi người thân “có đẹp không?”. Chúng ta đã hạn chế câu trả lời hoặc đẹp hoặc không đẹp. Nhưng nếu câu hỏi mở, “các bạn thấy thế nào trong vấn đề này?” với tình huống trong lớp học, và “đồ mới này thế nào?” với tình huống “đẹp - không đẹp”, thì câu trả lời sẽ xa hơn hàm ý có trước.

Những câu hỏi mở giúp người hỏi khai thác được nhiều thông tin hơn những câu hỏi đóng. Dùng những câu hỏi mở sẽ đưa ra được 7 hướng suy nghĩ như sau:

· Suy nghĩ gì

· Suy nghĩ ở đâu

· Suy nghĩ khi nào

· Suy nghĩ với ai

· Suy nghĩ như thế nào

· Suy nghĩ tại sao

· Suy nghĩ nếu không thì

Bảy hướng suy nghĩ này đi từ suy nghĩ bậc căn bản đến suy nghĩ bậc cao, càng lúc càng đòi hỏi nhiều suy nghĩ hơn. Friedrich Nietzsche (1844 - 1900), nhà triết học người Đức, có nói về tầm quan trọng của câu hỏi tại sao: “Ai biết được cái tại sao của cuộc đời mình thì có thể đối chọi với muôn vàn cái như thế nào”. Như vậy cái tại sao cắm rễ cho những hoạt động như thế nào; khi khó khăn, cái tại sao giúp suy nghĩ và hành động để tìm ra cái như thế nào.

Bên cạnh câu hỏi tại sao, một câu hỏi khác trong suy nghĩ bậc cao là câu hỏi nếu-không-thì. Câu hỏi này là cách đưa suy nghĩ ra bên ngoài thực tại. Câu trả lời cho câu hỏi nếu-không-thì đôi khi thuần túy trong sự có/không, thật/giả, đúng/sai; nhưng cũng có những câu trả lời vượt quá sự lựa chọn sóng đôi.

Một ví dụ cổ điển về nếu-không-thì, là ví dụ về con mèo của nhà vật lý và sinh học Erwin Schrodinger (1887 - 1961). Thế kỷ 19, các nhà khoa học tìm ra cơ học lượng tử (Quantum Mechanics). Các nguyên tử rất nhỏ, nhỏ đến nỗi chúng ta không thể đo lường được nếu như không thay đổi các nguyên tử này. Nhưng theo lý thuyết, để đo lường được các nguyên tử này, chúng phải ở “siêu vị trí” cùng một lúc. Schrodinger hình dung cho 1 con mèo vào hộp với các nguyên tử phóng xạ, với một máy Geiger (một thiết bị được các nhà khoa học dùng để phát hiện ra các nguyên tố phóng xạ) kết nối với 1 bình thuốc độc.

· Nếu nguyên tử phân giã, kích hoạt máy Geiger, thuốc độc trong bình vỡ ra: Mèo chết.

· Nếu nguyên tử không phân giã, máy Geiger không bị kích hoạt, bình thuốc độc không vỡ: Mèo không chết.

Nhưng nếu nguyên tử ở 2 trạng thái - hoặc phân giã hoặc không phân giã - thì con mèo cũng ở hai trạng thái: hoặc không chết hoặc chết, cho đến khi có ai đó mở hộp ra. Khi chưa mở hộp thì con mèo hoặc sống hoặc chết. Trước khi mở hộp, suy nghĩ của người mở hộp có thể bị chi phối giữa 2 khả năng trên, tùy thuộc vào mong muốn hay ưu tiên của người đó. Ví dụ, mong mèo chết nhưng mèo sống, và ngược lại.

Tương tự khi chúng ta chờ kết quả thi, hoặc đỗ hoặc trượt, hoặc đỗ cao hoặc đỗ thấp hoặc đỗ trung bình. Bất kể chúng ta có đoán, mong, cầu điều gì; chỉ khi “mở hộp” chúng ta mới biết.

Kiều Hiếu/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tam-quan-trong-cua-cau-hoi-tai-sao-post1474960.html