Tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo

Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, với tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo của 'nhà chiến lược bẩm sinh', Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định vai trò nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội ta.

Củng cố thế trận chiến tranh Nhân dân

Đầu năm 1947, cuộc kháng chiến của quân và dân Thừa Thiên đứng trước thử thách ngặt nghèo, khi địch tăng viện binh, tàn sát đồng bào, tiêu diệt lực lượng vũ trang, lập tề, dựng đồn bốt. Cơ sở kháng chiến bị tàn phá, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang bị dạt ra núi rừng phía bắc tỉnh, không bám được địa bàn. Trước tình cảnh đó, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đúc rút kinh nghiệm “mất đất chưa phải mất nước. Chúng ta phải tranh thủ từng thôn, từng người dân. Chúng ta không để mất dân, chết không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”.

Trong tham luận gửi hội thảo “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” sáng 29.12, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng, TS. Lê Thanh Bài nhận định, đây chính là tổng kết thực tiễn sâu sắc. Sự đúc rút đó đã trở thành phương châm hành động cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang Thừa Thiên vượt qua khó khăn, trở về “bám đất, bám dân”, gây dựng lại phong trào, thực hiện thành công chủ trương “Tiếp tục tiếng súng kháng chiến”, lập nên nhiều chiến công, lấy lại niềm tin quần chúng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, đưa phong trào kháng chiến của Thừa Thiên vượt qua giai đoạn ngặt nghèo.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến khu Việt Bắc năm 1951. Nguồn: TL

Phó Chính ủy Học viện Lục quân, Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn cho biết thêm, ở vai trò Bí thư Phân khu Bình Trị Thiên năm 1948, ông đã đưa “Bình Trị Thiên khói lửa” sau một thời gian tạm lắng đã vươn lên hòa nhập với phong trào cả nước. Những năm sau đó, ông được điều động vào Quân đội, đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Trên cương vị mới, ông đã dốc hết tâm lực để xây dựng, củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, ra sức xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang Nhân dân.

Trực tiếp chỉ đạo, tiến hành công tác chính trị các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình (năm 1951 - 1952), đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã kịp thời lãnh đạo tư tưởng bộ đội, “làm cho toàn quân nhận thức rõ cơ hội thuận lợi và nhiệm vụ quan trọng để nâng cao quyết tâm chiến đấu”. Khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị tham gia Chiến dịch Hòa Bình, ông nhắc nhở: “Không bỏ lỡ cơ hội, không bỏ sót một tên giặc, không để vương vãi chiến lợi phẩm. Chắc thắng mới đánh, nhưng tranh thủ sáng tạo nhiều cơ hội để giết địch, đã đánh thì nhất định chiến thắng giòn giã. Đả phá thái độ tiêu cực, chờ đợi bị động, chậm chạp, lề mề”...

“Những bài học được gạn lọc, đúc kết qua thực tiễn chỉ đạo các chiến dịch Biên Giới, Trần Hưng Đạo, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… (những năm 1950 - PV) là cơ sở để đồng chí Nguyễn Chí Thanh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, tiến hành chỉnh cán, chỉnh quân, góp phần nâng cao tư tưởng, ý chí tiến công địch”, Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn nhấn mạnh.

“Nhà chiến lược bẩm sinh”

Khi quân viễn chinh Mỹ ồ ạt vào miền Nam năm 1965, việc đối phó với quân Mỹ là vấn đề từng gây nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà ở một số nước xã hội chủ nghĩa. Hầu hết đều thừa nhận Mỹ là một đế quốc đầu sỏ có tiềm lực kinh tế, công nghiệp và quân sự rất mạnh, cho rằng đế quốc Mỹ “mạnh không tưởng tượng nổi”...

Trong bối cảnh đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược. Mỹ có cả một đống vũ khí nhưng lại vấp phải cả một đống mâu thuẫn. Mỹ tỷ phú về đô la nhưng quân và dân ta lại tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có đường lối chiến tranh, chiến thuật đúng, bắt Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, chúng bị tréo giò như “ăn cháo bằng dĩa”, nên ta nhất định thắng”... Với tư duy biện chứng, khoa học, Đại tướng khẳng định: Đánh Mỹ được, thắng Mỹ được, không còn nghi ngờ gì nữa... Phải luôn nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, liên tục tiến công tiêu diệt địch, nhất định phải đánh thắng chúng ngay trong trận đầu.

Những phân tích, nhận định trên, theo nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, PGS.TS. Hồ Sơn Đài, cho thấy tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo của “nhà chiến lược bẩm sinh” để từ đó Đại tướng cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền củng cố niềm tin và quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ cho quân và dân ta, động viên quân và dân miền Nam kiên định tư tưởng tiến công, đồng thời đề ra những quyết sách mưu lược, phương châm chỉ đạo tác chiến đầy sáng tạo, đặc sắc như "nắm thắt lưng Mỹ mà đánh", lập các "Vành đai diệt Mỹ"...; chỉ đạo, chỉ huy quân và dân miền Nam đẩy mạnh tiến công, làm nên những chiến thắng vang dội: Núi Thành (5.1965); Vạn Tường (8.1965); Plây Me (10 - 11.1965)...

Thực tiễn chiến đấu đã chứng minh tư tưởng và quyết tâm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. PGS. TS. Hồ Sơn Đài khẳng định, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người chịu trách nhiệm trước Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam, với tầm nhìn chiến lược đã thể hiện rõ bản lĩnh sắt đá, táo bạo, quyết đoán, “muốn tìm cách đánh thắng Mỹ thì phải trực tiếp đánh Mỹ” và “cứ đánh đi rồi khắc tìm ra cách đánh”.

Kế thừa truyền thống của dân tộc, quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi vào chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích (tự vệ), hình thành quân chủ lực và quân địa phương; lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ... Đó là cách tổ chức khoa học và hợp lý làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

“Từ thực tế cuộc chiến tranh Nhân dân phát triển đến trình độ cao, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khái quát, góp phần nâng lên thành lý luận chỉ đạo một số vấn đề cơ bản về chiến lược quân sự. Đó là tư tưởng kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam”, Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn nhìn nhận.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/theo-dong-su-kien/tam-nhin-chien-luoc-tu-duy-quan-su-sac-sao-i355806/