Tâm nguyện của cử tri

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 2.901 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các ý kiến tập trung phản ánh tâm nguyện của cử tri trước những vấn đề đang đặt ra của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, đòi hỏi các cấp, các ngành cần nỗ lực giải quyết.

Cử tri huyện Phúc Thọ phát biểu tại một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Kiến nghị 6 nội dung chính

Điểm đáng chú ý, các ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đều có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 6 nội dung chính: Sản xuất kinh doanh; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Cử tri ghi nhận những kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, đặc biệt là việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Điều đó đã thể hiện quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân cho rằng, việc phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm. Việc làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa kịp thời.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trước những dự án lớn bị thua lỗ. Đặc biệt, cử tri đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tinh giản biên chế; sắp xếp cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp; tiếp tục chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển và thi chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Về vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị; Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải chấn chỉnh…, nhưng đến nay tình trạng khai thác cát trái phép và chặt phá rừng vẫn diễn ra với mức độ tinh vi. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, “nhóm lợi ích” khai thác cát trái phép và phá rừng…

Lo lắng “được mùa, mất giá”

Ngoài những ý kiến, kiến nghị nêu trên, hiện nay cử tri cả nước băn khoăn, lo lắng đối với sự lặp lại của điệp khúc “được mùa, mất giá”. Theo cử tri các quận, huyện Tây Hồ, Ba Vì, Cầu Giấy, Phúc Thọ (Hà Nội) phản ánh, vì điệp khúc này mà không ít nông dân trồng chuối, không bán được, phải cho gia súc, gia cầm ăn; bắp cải, cà chua, dưa hấu để chín ngoài đồng; gần đây nhất là phải “giải cứu” thịt lợn.

Từ thực trạng này, cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh doanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, có chính sách hợp lý phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tránh tình trạng lệ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Cử tri cũng băn khoăn trước tình hình nền kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp; nợ công ở mức cao; chất lượng, năng suất lao động còn thấp; việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn rất nghiêm trọng; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được cải thiện. Qua tiếp xúc cử tri, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc còn cho biết, vấn đề giải quyết chế độ, chính sách cho nạn nhân chất độc da cam; làm nhà ở cho người có công cũng được cử tri, nhân dân quan tâm. Đây là nội dung mà Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần sớm tập trung xem xét, giải quyết.

Có thể thấy, thông qua tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, mong mỏi cả những vấn đề vi mô và vĩ mô. Trong đó có những kiến nghị cử tri nhiều lần đề cập như, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, chống “cát tặc”; thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển và thi chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức… Để giải quyết từ việc nhỏ đến việc lớn cần sự nỗ lực, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan từ địa phương đến Trung ương nhằm xây dựng đất nước phát triển bền vững, đúng như tâm nguyện của cử tri.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/869398/tam-nguyen-cua-cu-tri