Tâm lý bất an

Thông tư 19 được ban hành ngày 27.9 chỉ giúp VN-Index tăng điểm đúng một phiên sau đó. Nhiều CP lại tiếp tục giảm giá, thị trường vẫn chưa thể hiện rõ xu hướng khi nhà đầu tư (NĐT) vẫn mang tâm lý bất an.

Nội dung của Thông tư 19 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng) được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá khá tích cực cho nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng cụ thể như thế nào cần phải có thời gian “ngấm”. Điều tác động tâm lý của NĐT thực sự, theo ông Võ Hữu Tuấn, TGĐ Công ty chứng khoán (CTCK) Bảo Việt chi nhánh TP.HCM, nhất là quan hệ cung cầu trên thị trường vẫn đang lệch nhau. Việc hàng loạt NH phải tăng vốn điều lệ cùng với nhiều doanh nghiệp phát hành thêm CP làm lượng cung tăng lên nhanh chóng trong khi nguồn tiền từ các NĐT trong nước chưa chảy mạnh vào thị trường. Dòng vốn tín dụng của các NH vào TTCK cũng bị siết chặt. Hy vọng đang nhằm vào nguồn vốn giải ngân của NĐT nước ngoài nhưng hiện cũng chưa tăng mạnh. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, TGĐ CTCK Âu Việt, NĐT quan tâm nhiều đến những con số cụ thể như tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI)... hơn là các quy định mới của ngành NH. Chỉ số CPI tháng 9.2010 tăng đến 1,31%, là mức tăng cao nhất trong vòng 7 tháng gần đây đã làm dấy lên một làn sóng lo ngại về lạm phát cao trong những tháng cuối năm. “Thông thường khi CPI tăng cao là chứng khoán sẽ giảm bởi các rủi ro cũng gia tăng. Những biến động khá mạnh trên thị trường vàng, tiền tệ hiện nay cũng khiến NĐT thận trọng với TTCK”, ông Long nói. Không tích cực giao dịch Sự lo lắng của NĐT còn bắt nguồn từ việc TTCK vẫn chưa thể hiện rõ xu hướng mà vẫn loanh quanh ở mức 450 điểm của VN-Index như hiện nay. Nhiều NĐT vẫn giữ tỷ lệ tiền mặt và chứng khoán ở mức thích hợp chứ không tích cực giao dịch. Điều này giải thích cho việc thanh khoản của cả TTCK trong những tháng qua chỉ ở mức trung bình 2.000 tỉ đồng/phiên. Thế nhưng, nếu phân tích kỹ hơn, sẽ thấy nền kinh tế không quá khó khăn như lo sợ của các NĐT. Lạm phát năm 2010 vẫn có thể kiểm soát quanh mức 8% như mục tiêu của Chính phủ đề ra. CPI tháng 9 tăng mạnh do nhóm hàng ngành giáo dục tăng mạnh vì mùa tựu trường cùng với giá lương thực và giao thông đã gia tăng. Trong khi tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 19,5%, nằm trong mục tiêu 25% của năm 2010. Theo ông Võ Hữu Tuấn, một số thông tin cho thấy kết quả kinh doanh quý 3/2010 của nhiều doanh nghiệp niêm yết khá khả quan. “Hiện không có thông tin nào quá xấu khiến thị trường giảm mạnh. Nhưng vì tâm lý chờ đợi của các NĐT nên cần phải có nhiều thông tin tích cực mới có thể giúp thị trường tăng lên”, ông Tuấn nói. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Long cũng cho rằng NĐT hiện chỉ nhìn vào những con số giao dịch cụ thể trên thị trường như điểm số, khối lượng giao dịch như thế nào... nên khi chưa thấy có những thay đổi tích cực thì vẫn đứng ngoài chờ đợi. Điều này sẽ khiến TTCK tiếp tục diễn biến theo dạng răng cưa. Điều quan trọng là nếu thị trường im lìm trong thời gian quá dài sẽ khiến tâm lý nhiều NĐT từ lo lắng chuyển sang chán nản. Đó là tình trạng rất đáng lo ngại. Mai Phương

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201041/20101004004417.aspx