Tấm lòng thơm thảo của chủ nhân “ngôi nhà vé số”

Giữa mảnh đất phồn hoa, đi đến đâu hễ bắt gặp người bán vé số cùng quê, ông sấn tới bắt chuyện: “Đã có chỗ ở chưa? Chưa có thì chuyển về ở cùng ông”…

Dù ít tuổi so với các thành viên khác trong nhà, nhưng ai cũng xem ông Bốn như “anh cả”. Mọi việc lớn bé của “đại gia đình”, muốn ổn thỏa chỉ đến tay “anh Bốn” mới xong. Ngôi nhà chỉ rộng 25m2 nhưng sức chứa thì “bao la” này hiện là nơi trú ngụ của gần 30 con người.

Khuôn mặt đỏ ửng sau cuốc xe ôm giữa trưa, nhấp vội ngụm nước mát cho hạ hỏa, ông Bốn thổ lộ: “Mọi người trong nhà này đều quê ở Phú Yên. Mỗi người một cảnh đời. Người ngồi nơi bậc cửa hồi nãy là ông Nguyễn Văn Sâu, 74 tuổi, bị mất một chân sau tai nạn, lại gặp cảnh mất mùa vì bị lũ quét”.

Ông Bốn chia sẻ với PV.

Theo lời ông Bốn, năm 2009, một cơn bão quét qua làm nhà cửa ông Sâu tiêu tan. Người con gái cùng hai đứa cháu ngoại của ông thiệt mạng trong thảm họa này. Sau cú sốc mất đi con cháu, vợ ông trở nên ngây dại. Để có tiền chữa bệnh cho vợ, ông Sâu gửi bà cho cô con gái ở quê chăm nom, còn ông dạt vào Sài Gòn đi bán vé số.

Hoàn cảnh của ông Bốn cũng không khá hơn là bao. Ông quê ở miền biển An Chất quanh năm nắng gió. Thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào vài công ruộng khô cằn. Hai vợ chồng suốt ngày cặm cụi cày cấy ngoài ruộng, nhưng cứ đến mùa thu hoạch, thiên tai bão lũ lại cuốn bay gần như tất cả. Bỏ công ra 10 thu về chẳng được phân nửa, đến ăn còn không đủ nên mấy đứa con của ông sớm dang dở chuyện học hành. Ông và vợ đành khăn gói vào Sài Gòn mưu sinh.

Lúc đầu ông đi làm phụ hồ, đến tháng lĩnh lương lại tích cóp chút ít gửi về cho đàn con nheo nhóc ở quê. Nhưng chỉ được vài năm ông thấy mất sức quá rồi chuyển sang bán vé số dạo. Từ đấy, đôi vợ chồng nghèo ngày ngày rong ruổi khắp hang cùng ngỏ hẻm. Trên mỗi con đường đi qua, những lúc nghỉ chân hễ gặp “đồng nghiệp” quê ở Phú Yên, ông chủ động hỏi han đủ điều.

Cuộc sống cô đơn nơi phố thị, mang theo phận đời tha hương mưu sinh, thoáng nghe vài câu nói đậm chất cố hương đã thấy ấm lòng. Trong những câu chuyện không đầu không cuối, ông nhận ra còn nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn mình. Người thì già cả bị con cháu ruồng bỏ, sống neo đơn, người què quặt kẻ mù lòa… vì miếng cơm manh áo ngậm ngùi lưu lạc bán vé số. Rồi ông Bốn nghĩ đến một mái nhà chung, ông mạnh dạn bỏ tiền cọc ra thuê nhà.

“Ai cũng nghèo, cũng khổ lại sống xa nhà, những lúc trái gió trở trời ốm đau hoạn nạn biết kêu ai? Vậy nên tôi nảy ra ý định kêu mọi người cùng về sống chung dưới một mái nhà, no ấm có nhau. Vì cùng quê, ít nhiều biết tính tình của nhau nên dễ hòa hợp trong cách sống”, ông giải thích. Từ đấy, đi đến đâu hễ thấy người bán vé số cùng quê Phú Yên là ông lại sấn tới, hỏi đã có chỗ ở chưa. Nếu chưa hoặc cần chỗ ở với giá thấp thì về ở cùng ông rồi chia tiền ra.

Giá tiền thuê nhà là 5 triệu đồng/tháng, nhưng chia năm xẻ bảy mấy chục con người thì tính ra mỗi người chỉ đóng khoảng 100 nghìn đồng/tháng. Thấy ông suốt ngày “lơ là” việc bán vé số, chỉ chăm chăm đi tìm đồng hương kêu về ở chung, không ít người mỉa mai. Nhưng ông lờ đi, ai nói ai cười chê ông mặc, chỉ biết hễ có thêm thành viên mới ông lại thấy vui hẳn ra. “Chỗ ở hiện nay là nơi thứ 8 chúng tôi chuyển đến rồi. Có chỗ chỉ ở được vài tháng, có khi đúng ba ngày là bị chủ nhà đuổi đi. Cũng không trách người ta được, vì đêm hôm khuya khoắt người ta ngủ hết rồi thì những người đi bán vé số mới về. Cả ngày mới gặp nhau, chuyện trò rôm rả, nào là vé bán hết hay ế, hôm nay có người bị giật vé số, tiếng đếm tiền thì thào… khiến nhà cạnh bên không ngủ được. Sáng ra, 4g lại râm ran tiếng người lọ mọ đi bán”, ông Bốn cho hay.

Ông Bốn bảo, những lần chuyển nhà đồ đạc cũng đơn giản, mỗi người chỉ vài bộ quần áo. Khổ nỗi, toàn là người già cả, không mù lòa cũng què cụt, câm điếc. Mọi chuyện lại phải trông cậy vào “anh Bốn”. Ông tất tả đi tìm chỗ ở mới, rồi thuê chiếc xe ba gác, cả người cả đồ tống hết lên chiếc xe chòng chành. Những lúc cao điểm, thành viên trong nhà lên tới 40 người. Phòng nhỏ, nêm chặt người, có người còn ví von đây chính là “tập đoàn vé số”.

Thế nhưng, cuộc sống tập thể đôi lúc không tránh khỏi “chín người mười ý”. Trong bữa ăn hàng ngày, cụ già răng lợi lủng liểng, cái còn cái mất lại thích húp cháo dễ trôi, người nhỏ tuổi hơn muốn ăn cơm... thế rồi dẫn đến bất đồng. Lúc nằm ngủ xếp lớp, đầu người này dưới chân người người nọ, chẳng may sơ ý sà cẳng chân vào mặt thế là cãi nhau inh ỏi. Để chuyện lắng xuống lại phải nhờ “anh Bốn” giảng hòa.

Nhưng cũng chính từ nơi nghèo khó này, không ít người đã tìm được một nửa của đời mình. Ông Bốn kể: “Ở đây ai cũng đi qua cái tuổi thanh xuân lâu rồi, nhưng không phải ai cũng gặp được người bạn đời biết sẻ chia. Không ngờ, ở trong nghèo khó người ta mới nhận ra tấm chân tình của nhau. Trong nhà này hiện có hai cặp “vợ chồng”, họ gá vào nhau đắp đổi sống qua ngày. Như cặp bà H và ông X, người vợ bỏ, kẻ chồng mất. Sau ba năm tìm hiểu, hai ông bà đưa nhau về quê ra mắt và nhận được sự ủng hộ của con cháu”.

Hàng ngày, ông Bốn dậy sớm chạy xe sang đường An Dương Vương quận 5 lấy vé số cho mọi người. Toàn người già cả, ai tự đi bán được thì đi một mình, ai què thì ngồi xe lăn, mù thì có người dắt. Họ cứ gá thân nương tựa vào nhau mưu sinh. Thế nhưng, có không ít trường hợp đặc biệt ông Bốn phải “đích thân ra mặt”. Như cụ bà Bùi Thị Mầu 85 tuổi, mắt mờ, tai điếc, hàng ngày ông Bốn phải chở bà ra một chỗ cố định ngồi bán, rồi ông mới đi chạy xe ôm. Khi nào bà bán hết vé lại gọi “anh Bốn” ra rước về. Trong nhà còn có cụ Dìn, di chuyển bằng xe lăn nhưng đêm cụ không chịu ở nhà mà vẫn đi bán. Do trời tối, thấy cụ đi lại vất vả ông Tiến tình nguyện chở cụ ra địa điểm bán trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8.

Còn vợ ông Bốn chịu trách nhiệm hậu cần. Một mình bà quần quật trăm thứ việc “hầm bà làng” từ đi chợ, nấu ăn, rửa chén bát, lau chùi nhà cửa… Tiền công bà nhận được là 5 nghìn đồng mỗi ngày/một người. Với số tiền “lương” ít ỏi hàng tháng của bà, rồi tiền xe ôm của ông Bốn nhưng chẳng thấm tháp vào đâu. Riêng ông Bốn bị mù một bên mắt, con còn lại nhìn lúc rõ lúc nhập nhòe. “Ngày nào tôi cũng phải dùng thuốc. Bác sĩ bảo nếu không dùng thuốc liên tục, chỉ cần ngưng trong vòng một tháng mắt của tôi sẽ mù vĩnh viễn. Giờ còn nhìn được, tôi giúp được ai thì giúp, khi nào mù hẳn tôi sẽ về quê sống”, “anh Bốn” giãi bày.

Thốt lên từ tận đáy lòng câu nói “khi nào mù tôi sẽ về quê sống” hẳn “anh Bốn” đã phải trăn trở nhiều. Bởi lẽ, trong ngôi nhà vé số còn bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, cần lắm những người dang tay cứu giúp như ông Bốn. Lỡ mai này “ông Bốn” mù cả đôi mắt, những con người già cả, què cụt, câm điếc, mù lòa phải trông cậy vào ai?!

Khôi Nguyên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/tam-long-thom-thao-cua-chu-nhan-ngoi-nha-ve-so-108542