Tấm lòng nhân ái của 'ông Lâm cộng đồng'

Cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Lâm ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, được người dân địa phương gọi bằng cái tên trìu mến: 'Ông Lâm cộng đồng'. Bởi lẽ ngay từ lúc còn khó khăn, vợ chồng ông đã không ngần ngại sẻ chia với bà con nghèo nơi đây từng tấm áo, bát cơm…

Hải Khê là vùng biển bãi ngang, song sau khi xuất ngủ về quê một thời gian, ông Lâm không tiếp tục làm ngư phủ, mà chọn nghề thợ mộc và trở thành một tay thợ mộc có tiếng trong vùng. Sản phẩm mộc của ông được bán đi khắp nơi nhờ vào chất liệu gỗ tốt và mẫu mã đẹp, bắt mắt người mua. Hiện nay, doanh thu hằng năm từ nghề mộc của ông Lâm hơn 1 tỷ đồng. Ông nói với tôi, đó là thành quả của những chuỗi ngày nỗ lực không ngừng nghỉ…

Theo lời kể của ông Lâm, năm 1984, ông lên đường nhập ngũ, được bố trí vào Sư đoàn 312, đóng quân ở phía Bắc. Hai năm sau, trong một lần bị thương cụt mất hai ngón của bàn tay trái khi đang làm nhiệm vụ, ông xuất ngũ trở về quê. “Hải Khê ngày đó bời bời cát trắng, đường sá không có, những bước chân cứ ngập sâu xuống cát. Nhưng không ai bỏ quê mà đi.

Ông Lê Văn Lâm và con trai tại xưởng mộc.

Ông Lê Văn Lâm và con trai tại xưởng mộc.

Để kiếm thêm chút đỉnh chi phí cho sinh hoạt thì tôi làm thêm nghề mộc”, ông Lâm bùi ngùi nhớ lại. Vốn có năng khiếu nghề mộc, ông Lâm sắm cho mình một vài dụng cụ thô sơ như búa, đục, cưa… Ban đầu ông đóng những vật dụng cho gia đình mình như bàn ghế, giường, tủ, sửa ghe thuyền...

Dần dà, bà con trong thôn nhìn sản phẩm cũng bắt mắt nên đặt ông đóng. Thôn Thâm Khê ngày đó, ngoài ông, ít người biết đến nghề mộc nên bà con tìm đến đặt hàng ông ngày một nhiều.

Năm 1995, ông nghỉ hẳn nghề biển, mở trại mộc. 5 năm sau, khi điện kéo về làng, ông sắm được một số dụng cụ hỗ trợ để làm nghề, rồi mở xưởng cưa, xưởng mộc: “Cả thôn không có xưởng cưa, tui mở xưởng phần để phục vụ cho công việc làm mộc của mình, phần khác bà con có nhu cầu cưa cây dương, cây tràm thì phục vụ bà con luôn để họ bớt vất vả”, ông nói.

Sản phẩm mộc của ông Lâm ngày một đa dạng mẫu mã. Hai năm lại đây, con trai kế của ông là Lê Văn Quý nối thêm nghề của cha bằng việc đóng ghe thuyền. Mỗi năm, xuất xưởng trên dưới 50 chiếc ghe thuyền đánh bắt gần bờ. Có lớp trẻ kế nghiệp, ông vui lắm. Vui hơn nữa là việc giới thiệu hàng được thông qua công nghệ 4.0, khách hàng khắp nơi tìm đến đặt mua.

Năm 2014, ông lọt tóp 100 doanh nhân xuất sắc 3 miền. Điều đáng trân trọng, thời điểm mới mở trại mộc còn nhiều khó khăn, song ông đã đón nhận 10 học trò đều là con em của các CCB trong xã. Tiền học phí ông nhận theo kiểu tượng trưng, cốt yếu là tạo cho con em đồng đội một cái nghề, bên cạnh nghề biển để mưu sinh.

Những việc làm giúp đỡ người nghèo của ông đã bắt đầu từ cách đây 20 năm. Lúc bấy giờ, đường sá trong thôn đi lại hết sức khó khăn, nhìn cảnh bà con mỗi ngày gồng gánh cá từ biển lên khó nhọc trong cát, ông đã bỏ tiền túi thuê xe chở đất đỏ, đất thịt đổ con đường dài hàng trăm mét nối xuống biển cho bà con thuận tiện đi lại.

Năm 2000, khi sóng điện thoại còn chưa nối đến thôn, ông đi mua hẳn một bộ loa về để thông báo tình hình thời tiết cho bà con cũng như thông báo các thông tin họp hành cần thiết. Ông còn đầu tư bóng điện để thắp sáng các con đường thôn.

Nhận thấy bà con trong thôn đi chợ xa, ông hỗ trợ mở chợ xép ở thôn để bà con tiện giao thương. Chưa hết, ông còn chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh nghèo khó, tham gia tích cực phong trào khuyến học, với sự đóng góp kinh phí của riêng ông là hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Ông bộc bạch: “Sinh ra và lớn lên ở một làng chài bãi ngang, tui thấm thía hết sự khó nghèo của người dân xứ biển. Từng đi lên từ hai bàn tay trắng nên tui vẫn luôn đau đáu mong muốn làm được điều gì đó để cùng những người dân quê mình vươn lên”.

Thanh Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi-tu-thien/tam-long-nhan-ai-cua-ong-lam-cong-dong-586236/