Tấm lòng của bạn bè thế giới với nạn nhân da cam Việt Nam

Sự hỗ trợ to lớn, có ý nghĩa thiết thực của bạn bè quốc tế trong những năm qua đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, đồng thời động viên, khích lệ tinh thần nạn nhân chất độc da cam cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Trân quý những tấm lòng

Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng đến công tác vận động các tổ chức nước ngoài hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, đồng chí Trà Thanh Lành, Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng cho biết: Riêng năm 2023, Hội vận động kêu gọi được các dự án từ các tổ chức, cá nhân quốc tế hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Trong đó, dự án của tổ chức Chữ Thập xanh (Thụy Sĩ) hỗ trợ dự án giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2023-2024, tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; Tổ chức Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc UNICEF hỗ trợ dự án thân thiện với trẻ em giai đoạn 2023-2026 là 50.000 USD.

Tổ chức Medical Outreach of America (Hoa Kỳ) khám bệnh cho nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, thông qua sự giới thiệu của Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và các đối tác quốc tế, Hội đã đón tiếp và làm việc với gần 60 tổ chức và hơn 300 lượt cá nhân người nước ngoài như: Đại học Kyoto Sangyo và Đại học Meiji (Nhật Bản); Đoàn Miss Universe Autralia Charity; Tổ chức Jica (Nhật Bản); Đoàn Y - Bác sĩ Tổ chức MOA (Hoa Kỳ); Tổ chức Cựu Chiến binh vì hòa bình; Phái đoàn bang Thuringia (Đức); Đoàn người Khuyết tật (Thái Lan)...

Sinh viên Trường Đại học Far Eastern (Philippines) thăm, giao lưu với nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng.

Thông qua nguồn hỗ trợ cả vật chất và tinh thần của các tổ chức và nhà hảo tâm quốc tế, góp phần cải thiện đời sống, khích lệ tinh thần vươn lên trong cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố.

Chuyện ở nghị viện Bỉ

Mới đây, Hạ viện Liên bang Bỉ thông qua Nghị quyết kêu gọi hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với 100% phiếu ủng hộ. Theo Nghị sĩ André Flahaut, Bộ trưởng Nhà nước Vương Quốc Bỉ thì đây là lần đầu tiên trên thế giới, một nghị viện nước ngoài thông qua nghị quyết hỗ trợ nạn nhân da cam Việt Nam.

Nghị sĩ André Flahaut, Bộ trưởng Nhà nước Vương Quốc Bỉ. Ảnh: Public Domain/Wikimedia Commons

Các NNCĐDC Việt Nam trân trọng biết bao khi biết rằng: Các nghị sĩ Bỉ đang làm việc ở Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế, để kêu gọi các nước châu Âu cùng tham gia vào nỗ lực này.

Nghị quyết kêu gọi hỗ trợ nạn nhân da cam Việt Nam của Hạ viện Bỉ là khởi đầu mới cho hành trình giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh mà đông đảo tầng lớp nhân dân Bỉ đã thực hiện trong nhiều năm qua. Đó là, giải golf thường niên gây quỹ ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam ở Hội An do các bạn bè Bỉ tổ chức; Đêm hội đoàn kết với nạn nhân da cam Việt Nam của Hội hữu nghị Bỉ - Việt, nhằm giúp người dân Bỉ có cái nhìn thực tế về hậu quả mà Việt Nam phải gánh chịu sau chiến tranh.

Chủ tịch Hạ viện Bỉ Éliane Tillieux (phải) trao đổi với bà Trần Tố Nga, Việt kiều Pháp - nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Những tấm lòng nhân ái từ Quốc hội Bỉ cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Bỉ với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là một trong những động lực góp phần thắt chặt tình hữu nghị và đoàn kết giữa dân tộc Việt Nam và nhân dân Bỉ.

Dự án “Hạt giống hy vọng”

Mới đây, bà Masako Sakata, Nhà hoạt động xã hội, người sáng lập Quỹ “Hạt giống hy vọng” và ông Tamaki Tachibanna, phóng viên hãng Kyodo (Nhật Bản) đến thăm, làm việc với Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và nhiều tổ chức, cá nhân ở một số địa phương trong cả nước.

Tại buổi làm việc với Trung ương Hội, bà Masako Sakata đã trao 5.000 USD học bổng thuộc Dự án “Hạt giống hy vọng” để tiếp tục các hoạt động hỗ trợ các cháu là nạn nhân chất độc da cam khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Quỹ “Hạt giống hy vọng” hoạt động tại Việt Nam từ năm 2011, đến nay, Quỹ đã trao học bổng cho gần 200 em là nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền học bổng và ủng hộ Làng Cam trên 3 tỷ đồng; mỗi em được nhận học bổng 18 triệu đồng/3 năm.

Bà Masko trao tượng trưng số tiền 5.000 USD học bổng thuộc Dự án “Hạt giống hy vọng” tặng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Trong dịp này, bà Masako Sakata đi thăm Làng Hữu nghị (thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam); thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Thanh Tùng; thăm 2 gia đình có học sinh nhận học bổng “Hạt giống hy vọng” tại tỉnh Hòa Bình.

Tại miền Nam, bà Masako thăm nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Hồng Lợi và Trần Thị Hoan; thăm Làng Hòa Bình (thuộc Bệnh viện Từ Dũ) và Làng Cam; thăm Lớp học tình thương ở Củ Chi... Tại các nơi đến thăm, bà Masako Sakata rất vui khi được biết các cháu được nhận học bổng do bà tài trợ đều chăm ngoan, học giỏi và động viên các cháu tiếp tục học tập tốt để sau này giúp ích cho cuộc sống và xã hội.

Bà Masako thăm nạn nhân chất độc da cam Trần Doãn Hiển, xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Tại các buổi đón tiếp, làm việc với bà Masako Sakata, lãnh đạo Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của bà Masako Sakata đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, mong rằng bà tiếp tục đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam nhiều hơn nữa để họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết: Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là một mặt quan trọng trong công tác đối ngoại nhân dân thời gian qua được các cấp hội đẩy mạnh.

Hội duy trì mối quan hệ với các bạn bè truyền thống ở Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc..., đồng thời mở rộng quan hệ với các tổ chức của chính phủ một số nước như: Nhật Bản, Bỉ và một số tổ chức quốc gia khác. Hội tiếp tục tham gia nhiều hoạt động đối ngoại của Hội đồng chống bom A và H (Nhật Bản), Viện Hòa Bình Mỹ, tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn liên quan đến khắc phục hậu quả chiến tranh. Thời gian qua, Trung ương Hội tổ chức 7 đoàn đi các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, để vận động giúp đỡ, ủng hộ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân, được dư luận quốc tế quan tâm; đồng thời, đón 11 đoàn nước ngoài với hơn 1.000 người đến Việt Nam thăm và tặng quà cho nạn nhân da cam.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (ngồi giữa) phát biểu tại Hội nghị “Đối thoại về sáng kiến hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh và hòa bình" diễn ra tháng 9-2023, tại Viện Hòa bình (Mỹ).

Song song với đó, theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh thì Hội kiên trì hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam. Thời gian qua, Trung ương Hội thường xuyên quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân, phù hợp với đường lối đối ngoại, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng vừa đấu tranh, vừa vận động tổ chức USAID (Mỹ) có các chương trình hoạt động quan tâm, chú trọng hơn đến nạn nhân chất độc da cam. Hội đã tích cực làm việc, tiếp xúc với các quan chức của Mỹ, tranh thủ các diễn đàn khi tham gia các cuộc hội thảo quốc tế, tọa đàm để đưa ra các yêu cầu, đề nghị chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam và coi chất độc da cam là một vấn đề mà Chính phủ Mỹ phải quan tâm giải quyết.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh tiếp Đoàn Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ thăm và làm việc với Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Những hoạt động này đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và đánh giá của các cơ quan chức năng của Mỹ đối với nạn nhân chất độc da cam. Đây là một trong những thành công lớn trong 5 năm qua của Trung ương Hội. Các cơ quan chức năng Mỹ đã có chính sách và thực hiện các hoạt động nhằm trực tiếp đến người thụ hưởng là các nạn nhân chất độc da cam và gia đình; mở rộng việc khảo sát thêm về nạn nhân chất độc da cam tại 7 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Dương, Cần Thơ và đã đồng ý bổ sung 3 tỉnh (Bạc Liêu, Cà Mau và Quảng Ngãi) vào dự án hỗ trợ người khuyết tật trong đó có nạn nhân chất độc da cam tại các tỉnh bị phun rải nặng. Cùng với những hoạt động nêu trên, trong suốt thời gian diễn ra vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại Pháp, Hội đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Luật sư Pháp; đồng thời tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ bà Trần Tố Nga khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ.

Những hoạt động trên cần được nhân lên cổ vũ, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng quốc tế, nhằm khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của mỗi người đối với nạn nhân chất độc da cam, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: MINH ANH – ĐÌNH TRỌNG – HẢI ĐĂNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tam-long-cua-ban-be-the-gioi-voi-nan-nhan-da-cam-viet-nam-758068