Tâm hồn Việt trong thơ Hồ Chí Minh

QĐND - Không những là một nhà cách mạng, một nhà quân sự, anh hùng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh còn là một danh nhân văn hóa, trong đó tâm hồn thơ là một trong những biểu hiện mang cốt cách Việt Nam nhất của Người.

Tại sao nói tâm hồn thơ Hồ Chí Minh là một trong những biểu hiện mang cốt cách Việt Nam? Có lẽ, với một lịch sử liên tục chống ngoại xâm khắc nghiệt, để làm cân bằng trạng thái tâm hồn trong cuộc chiến đấu lâu dài với những kẻ thù hung bạo, vượt qua những thử thách cam go ngàn cân treo sợi tóc, trong tâm thức người Việt từ ngàn xưa, tiềm tàng một sức mạnh không ai sánh được, không kẻ thù nào hiểu được, đó là khát vọng độc lập tự do cao cả, sự lạc quan kỳ lạ, lòng nhân ái bao la. Những phẩm chất này rất gần với thơ và hoàn toàn không hề ngạc nhiên khi nói, mỗi người Việt, từ trong tâm hồn có thể là một nhà thơ.

Thật vậy, toàn bộ thơ Hồ Chí Minh, viết bằng Việt ngữ cũng như Hán ngữ đều toát lên nội dung đó. Trước hết nói về thơ Hồ Chí Minh viết bằng Hán ngữ. Ở Việt Nam, những người xuất thân từ truyền thống Nho học như Hồ Chí Minh, việc thông thạo Hán học là một phương tiện thường được lựa chọn để tiếp cận với nền văn hóa Trung Hoa. Mặt khác, phải chăng trong hoàn cảnh ngục tù trên đất Trung Hoa, bên cạnh những người Hoa, Hồ Chí Minh lựa chọn Hán ngữ là để kéo gần khoảng cách giữa nhà thơ và những người xung quanh? Hồ Chí Minh không những thông thạo Hán ngữ mà còn sáng tác thơ bằng Hán ngữ. Điều này có thể nhiều người làm được, nhưng thơ Hồ Chí Minh có những bài hay như thơ Đường (nhà thơ lớn của Trung Quốc Quách Mạt Nhược từng nhận xét) thì không phải ai cũng làm được. Những bài thơ viết bằng Hán ngữ được viết trong những thời điểm khác nhau, kể cả trong thời gian Hồ Chí Minh ở Việt Bắc, nhưng đáng chú ý nhất là thời gian Người bị tù đày và sáng tác tập thơ “Ngục trung nhật ký”. Khát vọng tự do hiển nhiên là nỗi bận tâm lớn nhất của một người đang bị cầm tù. Nhưng trong thơ Hồ Chí Minh không chỉ là khát vọng tự do của cá nhân nhà thơ, mà là khát vọng của cả dân tộc ta lúc bấy giờ. Hơn một ngàn năm bị phương Bắc kìm kẹp, hơn một trăm năm bị thực dân Pháp xâm lược, khát vọng tự do của mỗi con người, của cả dân tộc luôn luôn là nỗi khát khao cháy bỏng nhất. Hơn nữa, Hồ Chí Minh bị giam cầm trong lúc cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc đang cận kề (tháng 8-1945), nên hơn lúc nào hết tự do cho dân tộc, độc lập cho đất nước là tình cảm cao cả nhất của Người. Thường gặp trong "Ngục trung nhật ký" hình ảnh Tổ quốc bị xâm lăng, người dân bị nô lệ "Nội thương đất Việt cảnh lầm than"; thường gặp những cuộc vượt ngục trong tư tưởng "Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao"; những giấc mơ được thoát khỏi ngục tù "Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng đế"; thường gặp trong thơ hình ảnh "Sao Vàng năm cánh mộng hồn quanh" …

Người Việt sống nặng về nội tâm và tình cảm. Mọi đối xử giữa người với người thường chủ yếu bằng tình cảm. Thơ của Hồ Chí Minh đều chứa chan lòng nhân ái sâu sắc của tác giả trước cuộc đời. Đó là tình yêu đất nước: "Nội thương đất Việt cảnh lầm than"; đó là thương những người bạn tù nghèo khổ, bệnh tật: "Đêm qua còn ngủ bên tôi/ Sáng nay anh đã về nơi suối vàng"; đó là thương những người phu làm đường gian khổ, thương cột cây số vô tri vô giác, thương một chiếc răng bị rụng, một em bé nhỏ tuổi phải theo mẹ vào nhà tù… Yêu nước thương nòi, sống quan tâm đến mọi người nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách… là một phẩm chất cao quý của người Việt. Điều đó giúp người Việt vượt qua mọi gian lao, khó khăn. Người Việt có một kho tàng ca dao, dân ca phong phú chứa chan lòng nhân ái giữa những con người. Trong thơ Hồ Chí Minh lòng nhân ái bao la đó như một minh chứng lưu giữ tâm hồn người Việt.

Cũng như mọi tộc người khác, người Việt yêu chuộng cái đẹp. Điều này thể hiện rõ trong hồn thơ Hồ Chí Minh. Làm thơ để vận động cách mạng, vì thế thơ Hồ Chí Minh đầy chất thép, nhưng trong thơ Người cũng thể hiện tình yêu cái đẹp sâu sắc. Có hơn vài chục bài viết về thiên nhiên: "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không". Đó là khát vọng "Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu", là "Núi ôm ấp mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng bụi không mờ". Đó là cảm giác hòa nhập với thiên nhiên "Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non". Đó là yêu vầng trăng qua song cửa nhà tù "Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ". Đó là tình yêu nghệ thuật "Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu/ Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu". Đó là cảm xúc sáng tạo "Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi thi hứng bỗng thêm nồng"…

113 bài thơ trong tập "Ngục trung nhật ký" chưa phải là toàn bộ thơ Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh còn sáng tác khá nhiều thơ trong thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc cũng như trong suốt cuộc đời mình sau này. Nếu thơ trong tù là tâm sự của một người yêu nước đang bị mất tự do, là tâm trạng của một cá nhân mất tự do giữa một đất nước mất tự do, độc lập, thì thơ Hồ Chí Minh ở Việt Bắc cũng như thơ chúc Tết của người khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… mang một tinh thần khác, tinh thần của người làm chủ đất nước. Toàn bộ thơ Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian này gồm 84 bài, được in trong tập "Thơ Hồ Chí Minh" (NXB Văn học, 1975), trong đó có 16 bài viết bằng Hán ngữ hướng vào việc kêu gọi toàn dân chiến đấu giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Ngoài một số bài thơ viết bằng Hán ngữ uyên thâm và đẫm chất thơ Đường như: "Thượng sơn", "Đối nguyệt", "Đăng sơn"..., đa phần trong tập này thơ Hồ Chí Minh sử dụng thi pháp dân gian để chuyển tải nội dung kêu gọi toàn dân kháng chiến, xây dựng cuộc sống mới. Hình ảnh thơ gần gũi với cuộc sống của người dân như tổ ong, con cáo, sợi chỉ, hòn đá, thơ gửi các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi, các chị phụ nữ…, ngôn ngữ thơ là lời ăn tiếng nói giản dị, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, đi thẳng vào lòng người, mang triết lý hành động. Chẳng hạn: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên" ("Khuyên thanh niên"). Hoặc: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.." ("Cảm ơn người tặng cam")… Đặc biệt, trong tập "Thơ Hồ Chí Minh" là những bài thơ chúc Tết mừng Xuân, mừng năm mới. Rất nhiều năm khi Hồ Chí Minh còn sống, mọi người dân Việt Nam thường háo hức đón nghe thơ Người vào đêm Giao thừa như một nếp quen thiêng liêng. Những bài thơ chúc Tết của Người thường ẩn chứa dự cảm về thời cuộc, vận mệnh của đất nước, diễn biến của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do… mà mọi người dân Việt Nam lúc đó đang hướng tới.

Hồ Chí Minh thường tự nhận mình là nhà hoạt động cách mạng chứ không phải là nhà thơ. Có thể hiểu, thơ Hồ Chí Minh cũng như các sáng tác thuộc các thể loại khác như văn xuôi, kịch, chính luận… là một bộ phận của sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Nói cách khác, Hồ Chí Minh sử dụng thơ văn để làm lay chuyển tâm hồn người đọc đi theo cách mạng. Và, để có thể cảm hóa tâm hồn người khác đi theo cách mạng, nhà thơ đã viết nên những tác phẩm của tâm hồn mình. Bởi vì Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc rằng, thơ là tiếng nói từ tâm hồn đến tâm hồn, từ trái tim đến trái tim.

TS LÊ THÀNH NGHỊ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van-hoa-the-thao-giai-tri/tam-hon-viet-trong-tho-ho-chi-minh/372392.html